Quyết định 359/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án “Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội”

Số hiệu 359/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/01/2017
Ngày có hiệu lực 18/01/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Đức Chung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 359/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2017

 

QUYT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HƯỚNG DẪN CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THỰC HIỆN VIỆC KHẢO SÁT, ĐO LƯỜNG SỰ HÀI LÒNG CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/2011/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình tổng thể về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 1383/QĐ-BNV ngày 28/12/2012 của Bộ Nội vụ về việc Phê duyệt Đề án “Xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”;

Căn cứ Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND Thành phố về việc ban hành Quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội;

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tại Tờ trình số 515/TTr-VNC ngày 15 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện việc khảo sát, đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT: TU, HĐND;
- Chủ tịch UBND TP;
- Các PCT UBND TP;
- Bảo hiểm XH HN, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an TP, Cục Thuế HN, Cục Hải quan HN, Cục Thi hành án dân sự HN, Cảnh sát PCCC HN, Kho bạc NN HN, Ngân hàng NN chi nhánh HN;
- VPUBTP: Các PVP; Các phòng: NC, TKBT, TH;
- Lưu: VT, NC(B), VNC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chung

 

ĐỀ ÁN

“HƯỚNG DẪN CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THỰC HIỆN KHẢO SÁT, ĐO LƯỜNG SỰ HÀI LÒNG CỦA CÁ NHÂN, TỔ CHỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC VỤ CỦA CƠ QUAN, ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 359/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2017 của UBND thành ph Hà Nội)

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

Trong những năm gần đây, công cuộc cải cách hành chính nhà nước (CCHC) đã thu được nhiều kết quả khả quan. Nghị quyết 38-CP ngày 4/5/1994 của Chính phủ đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan, tổ chức hành chính và công dân. Tiếp đó, quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” ở các cơ quan hành chính được ban hành cùng với việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước bước đầu mang lại nhiều hiệu quả. Ngày 22/6/2007, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 93/2007/QĐ-TTg về ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương nhằm hoàn thiện hơn nữa việc thực hiện cơ chế “một cửa” phù hợp với từng loại thủ tục hành chính. Ngày 25/3/2015 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước địa phương. Chính phủ không những đã và đang thực hiện các đề án về đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là những người trực tiếp giao tiếp, giải quyết các yêu cầu của công dân mà còn thực hiện đề án hiện đại hoá hành chính nhà nước, đẩy mạnh xây dựng các công sở hành chính khang trang. Thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cải cách thủ tục hành chính trên phạm vi cả nước, theo cơ chế một cửa liên thông. Kết quả bước đầu của công tác này là quy trình, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch và tạo được sự thuận tiện cho tổ chức, công dân.

Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011­-2020 được ban hành tại Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ đặt ra một trong những mục tiêu quan trọng là “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 60% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020”. Để cụ thể hoá mục tiêu này, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng Đề án “Xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”. Qua quá trình triển khai xây dựng, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 1383/QĐ-BNV ngày 28/12/2012, phê duyệt Đề án “Xây dựng Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”. Theo đó, một phương pháp chung, thống nhất về đo lường, xác định Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (gọi chung là Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) đã được áp dụng để đánh giá kết quả, chất lượng cung cấp các dịch vụ hành chính công do các cơ quan hành chính nhà nước cung cấp.

Một trong những nội dung quan trọng của công tác cải cách hành chính là nâng cao chất lượng dịch vụ công và nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo sự hài lòng của người dân, tổ chức. Vấn đề cốt lõi này đã được thể hiện trong nhiều văn bản của Trung ương và thành phố: Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Chương trình số 08-CTr/TU ngày 18/10/2011 của Thành ủy Hà Nội Khóa XV về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-­2015”; Kế hoạch số 38-KH/BCĐ ngày 18/12/2011 của Ban Chỉ đạo của Thành ủy khóa XV về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015”; Quyết định số 1909/QĐ-UBND ngày 08/5/2012 của UBND thành phố Hà Nội trong đó nhấn mạnh công tác xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, hiện đại hóa hành chính, thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong thủ tục hành chính; Chương trình số 08-Ctr/TU ngày 26/4/2016: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020”.

Ngày 08/3/2016, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND quy định thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết công việc của cá nhân, tổ chức tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, trong đó đã quy định rõ việc lấy ý kiến người dân, cá nhân, tổ chức đánh giá về mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị là một khâu trong trình tự thực hiện thủ tục hành chính, do đó, cần ban hành Đề án hướng dẫn khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước để hoạt động này được tiến hành đồng bộ, thống nhất chung trong toàn Thành phố, bao quát các dịch vụ hành chính công do các cấp, ngành thực hiện thuộc Thành phố, trong đó xác định đơn vị chủ trì, điều phối công tác khảo sát là một đơn vị độc lập, các TTHC được khảo sát gắn với các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và việc này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính thành phố.

2. Sự cần thiết trên phương diện thực tiễn

a) Tình hình triển khai đo lường mức độ hài lòng trong cả nước

Năm 2015, Bộ Nội vụ lần đầu tiên đã công bố kết quả xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính dựa trên kết quả khảo sát 06 dịch vụ hành chính công: cấp CMND, Quyền sử dụng đất, Xây dựng nhà ở, Chứng thực, Kết hôn, Khai sinh (SIPAS 2015). Công việc khảo sát, đánh giá được tiến hành tại 10 tỉnh thành phố (chiếm 15,87% số tỉnh thành phố trong cả nước) và 36 quận/huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (chiếm 6% số quận/ huyện của cả nước). Tổng quát tỷ lệ số người được hỏi hài lòng về 06 thủ tục khảo sát theo 4 yếu tố cơ bản như sau:

[...]