Quyết định 3582/QĐ-BCT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 3582/QĐ-BCT
Ngày ban hành 03/06/2013
Ngày có hiệu lực 03/06/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3582/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYÊT “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÙNG ĐÔNG NAM BỘ ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển công nghiệp vùng Đông Nam Bộ phải đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế-xã hội của Vùng, phát triển công nghiệp cả nước và phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Phát huy lợi thế của Vùng và của từng địa phương hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở phân bố hợp lý về không gian lãnh thổ, về cơ cấu các ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng.

b) Tập trung nguồn lực cho phát triển các ngành công nghiệp có các quá trình, quy trình công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn để thúc đẩy phát triển Vùng và các vùng khác.

c) Tận dụng tối đa các cơ hội quốc tế theo hướng hiện đại; tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực và thế giới; đẩy mạnh liên kết công nghiệp và hiệp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành, các vùng và với các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

d) Huy động hiệu quả các nguồn lực của mọi khu vực kinh tế, trong đó động lực phát triển là khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài.

đ) Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, hài hòa với các ngành khác và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung: Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành công nghiệp Vùng Đông Nam Bộ vẫn giữ vị trí đầu tàu của công nghiệp cả nước; đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại; áp dụng các quá trình, quy trình công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao với các sản phẩm chất lượng cao thân thiện với môi trường; sử dụng nguyên liệu, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh trong hội nhập, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt khoảng 2.584 ngàn tỷ đồng (giá 2010); năm 2020 đạt khoảng 4.374 ngàn tỷ đồng (giá 2010) và năm 2030 đạt khoảng 11.645 ngàn tỷ đồng (giá 2010). Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 là 11,5-12%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 10,5-11%/năm; giai đoạn 2021-2030 là 10-10,5%/năm;

- Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là 9,5-10%/năm; giai đoạn 2016-2020 là 9,0-9,5%/năm; giai đoạn 2021- 2030 là 8-8,5%/năm;

- Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng trong GDP chiếm 53-54% năm 2015; 51-52% năm 2020 và 47-48% năm 2030;

- Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt 4.200 USD năm 2015; 7.800 USD năm 2020 và 18.000-20.000 USD năm 2030;

- Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm đến năm 2030;

- Giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và áp dụng công nghệ cao đạt khoảng 45-50% năm 2020 và 60-80% năm 2030.

3. Định hướng phát triển

- Ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng.

- Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các nhóm sản phẩm cơ khí, nhựa-cao su, điện-điện tử có khả năng tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng cho các ngành sản xuất trong nước.

- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như: Khai thác dầu khí; cơ khí chế tạo; hóa chất, hóa dầu; điện tử và sản xuất phần mềm; chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng tiêu dùng, dệt may, da, giầy, nhựa; sản xuất và phân phối điện; công nghiệp vật liệu xây dựng.

- Chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn và an ninh quốc phòng;

[...]