Quyết định 3539/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 29-KL/TU thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 3539/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/12/2021
Ngày có hiệu lực 02/12/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Trí Thanh
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3539 /QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 02 tháng 12 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 29-KL/TU NGÀY 04/5/2021 CỦA TỈNH ỦY (KHÓA XXII, HỘI NGHỊ LẦN THỨ 3) VỀ THỰC HIỆN BA NHIỆM VỤ ĐỘT PHÁ CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/5/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 04/12/2020 của Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình hành động số 07-Ctr/TU ngày 30/6/2021 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng;

Căn cứ Kết luận số 29-KL/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam(khóa XXII, hội nghị lần thứ 3) về thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 2960/QĐ-UBND ngày 19/10/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2369/SKHĐT-QHTH ngày 09/11/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 29-KL/TU ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy (khóa XXII, Hội nghị lần thứ 3) về thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2025, với những nội dung chính sau:

1. Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị

a) Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng

Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là bảo đảm kết nối các vùng, địa phương trong tỉnh với ngoài tỉnh và cả nước, kết nối các tuyến giao thông và đô thị. Cơ cấu lại đầu tư theo vùng, theo ngành phù hợp với cơ cấu nền kinh tế. Định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực: Đô thị, giao thông, năng lượng, khu công nghiệp, thủy lợi, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch... Trong giai đoạn 05 năm đến, phấn đấu huy động hơn 220 nghìn tỷ đồng đầu tư toàn xã hội; trong đó, vốn đầu tư ngoài nhà nước khoảng 80%, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước khoảng 20%. Năng lực vận tải được nâng cao, các điểm nghẽn được tháo gỡ, giao thông được thông suốt, an toàn; hệ thống thủy lợi tưới, tiêu chủ động cho diện tích lúa 02 vụ và các vùng cây công nghiệp, nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản tập trung; chủ động phòng, tránh lũ, bão, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hạ tầng năng lượng điện; công trình hạ tầng thiết yếu, từng bước hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư các trung tâm du lịch, hệ thống dịch vụ, phục vụ sản xuất kinh doanh; hệ thống thông tin truyền thông, dịch vụ tín dụng, điện tử tiện ích; nâng cấp cơ sở vật chất giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực và quan tâm đến cơ sở y tế khám, chữa bệnh chất lượng cao.

Ưu tiên tập trung khắc phục sớm hậu quả thiên tai gây ra về hạ tầng và nhà ở cho Nhân dân; sớm ổn định đời sống, phát triển sản xuất của các ngành, khôi phục phát triển kinh tế gắn với kiểm soát dịch bệnh. Tiếp tục đầu tư hoàn thành dứt điểm các công trình trọng điểm đang triển khai để đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách, nhất là dự án hệ thống đường ven biển, đường nối giữa đường ven biển với đường quốc lộ và đường cao tốc; các dự án đường đến vùng nguyên liệu.

Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng cao, các quy hoạch chuyên ngành, kế hoạch trung hạn và hằng năm có tầm nhìn, gắn với tình hình thực tiễn tại mỗi ngành, địa phương; tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, khu công nghiệp để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư mới. Huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng Đông theo hướng dịch vụ du lịch - công nghiệp - kinh tế biển - nông nghiệp công nghệ cao. Phát triển vùng Đông nhằm thu hút các dự án trọng điểm, chiến lược quốc gia, làm động lực để lan tỏa thúc đẩy phát triển cho cả tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tập trung triển khai các dự án nạo vét sông cổ Cò, Trường Giang; xây dựng các công trình cầu vượt sông, cầu vượt đường sắt, cầu vượt Quốc lộ 1A. Phát triển hệ thống cảng biển và sân bay Chu Lai, hạ tầng các khu công nghiệp gắn với nhóm dự án về dịch vụ vận tải, hậu cần cảng và logistics nhằm thu hút các dự án quy mô lớn, trọng điểm, chiến lược để thúc đẩy phát triển, phù hợp với định hướng phát triển không gian xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai thời gian đến.

Phát triển, khớp nối các tuyến Đông - Tây để thuận lợi hơn trong phát triển vùng phía Tây gắn với cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến - sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại - du lịch văn hóa - cộng đồng. Đầu tư phát triển đồng bộ về hạ tầng xã hội (văn hóa, giáo dục, y tế...), trường học, bệnh viện chất lượng cao để phục vụ nhu cầu của Nhân dân. Hoàn thành sắp xếp dân cư bền vững khu vực miền núi, ổn định phát triển sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới.

b) Về phát triển đô thị

Giai đoạn 2021 - 2025, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; trong đó, vốn ngân sách nhà nước tập trung cho công tác lập quy hoạch và thiết kế đô thị, đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược và các dịch vụ thiết yếu; tích cực vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FD1), nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn vốn trong các doanh nghiệp và trong Nhân dân để đầu tư phát triển đô thị đạt các tiêu chí theo quy hoạch, cùng với nâng cao chất lượng các đô thị hiện có; mở rộng không gian phát triển đô thị ở những nơi có điều kiện, nhất là đô thị tỉnh lỵ. Phấn đấu xây dựng thành phố tỉnh lỵ Tam Kỳ cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I vào năm 2025; từng bước xây dựng đô thị sinh thái, thông minh và đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Chú trọng phát triển các đô thị mới, tăng nhanh tỷ lệ đô thị hóa; phát triển theo hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, sử dụng công nghệ làm nền tảng cho việc quản lý và phát triển đô thị; phấn đấu nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 37% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030, đi đôi với nâng cao chất lượng và phát triển du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân. Các chỉ tiêu về phát triển đô thị cơ bản bám theo mục tiêu chung được xác định tại Chương trình phát triển đô thị tỉnh, cụ thể:

Về phía Đông: (1) Đối với Cụm động lực số 1, phát triển đô thị Hội An thành đô thị đặc thù tương đương tiêu chí đô thị loại II, Điện Bàn thành đô thị loại III, hướng đến là thành phố trực thuộc tỉnh giai đoạn 2025 - 2030; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho Ái Nghĩa. (2) Đối với Cụm động lực số 2, hình thành 03 đô thị mới (Duy Hải - Duy Nghĩa, Bình Minh và Bình Hải) là đô thị loại V và từng bước kết nối hình thành chuỗi đô thị Nam Hội An đạt các tiêu chí đô thị loại IV theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho Nam Phước, Hà Lam, Đông Phú; xây dựng Duy Xuyên hướng đến là thị xã vào năm 2030. (3) Đối với Cụm động lực số 3, hình thành chuỗi đô thị phía Nam gồm Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành, lấy Tam Kỳ làm trung tâm, định hướng xây dựng đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Về phía Tây: (1) Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đối với các đô thị loại V (trung tâm hành chính của huyện) theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Từng bước đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại IV cho các đô thị: Thạnh Mỹ, Khâm Đức, Trà My, Prao và trở thành đô thị trung tâm của vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang và các cơ sở kinh tế - kỹ thuật trong vùng; khẩn trương hoàn thành thủ tục để công nhận đô thị loại V cho Việt An (Hiệp Đức), hình thành cấp hành chính là thị trấn cho các đô thị: ATiêng (Tây Giang), Trung Phước (Nông Sơn), Tắc pỏ (Nam Trà My). (2) Tiếp tục triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện theo Quyết định số 676/QĐ-TTg, ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát các trung tâm cụm xã để xây dựng các đô thị mới theo tiêu chí đô thị loại V.

- Nghiên cứu các giải pháp chống ngập úng tại đô thị, bảo, lũ, từ đó đề xuất các kế hoạch, giải pháp để triển khai, ứng dụng có hiệu quả.

- Chú trọng huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường; xử lý tốt rác thải, chất thải, nước thải và cung cấp nước sạch cho Nhân dân. Bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững.

2. Về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động tham gia tích cực, có lộ trình nhằm ứng dụng hiệu quả những thành tựu cơ bản, thiết thực. Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số của bộ máy công vụ, quản lý nhà nước, dữ liệu dân cư để hướng đến phát triển kinh tế số; phấn đấu xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút, tuyển dụng và sử dụng nhân tài; tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực, khả năng tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ số. Rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2025 gắn với các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển và nhu cầu sử dụng lao động. Xây dựng Trường Cao đẳng Quảng Nam theo hướng tự chủ, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, gắn nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ với công tác chuyển đổi số. Phát triển mạnh đào tạo nghề và hỗ trợ đào tạo kỹ năng cho chuyển đổi công việc. Thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Chuẩn hoá và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; theo đó, tập trung khai thác các Hiệp định song phương và đa phương mà Chính phủ đã ký kết để mở rộng thị trường, tận dụng vốn, công nghệ, kỹ năng, trình độ quản lý nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo cơ hội có thêm việc làm. Nâng cao chất lượng nguồn lực trong hệ thống chính trị đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tạo việc làm mới tăng thêm 80.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 70 - 75%; giảm tỷ lệ lao động nông, lâm, ngư nghiệp từ 38% hiện nay xuống khoảng 28 - 29% vào năm 2025. Lấy người học làm trung tâm đào tạo nhằm hướng tới phát huy năng lực làm việc, tính sáng tạo của người lao động; lý thuyết đi kèm với thực hành để phát triển các kỹ năng mềm của người lao động, tăng tính thích ứng, thích nghi với môi trường làm việc thực tế. Khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao.

3. Về cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu về tầm quan trọng của công tác cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, làm thay đổi nhận thức từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, xem doanh nghiệp là “đối tượng phục vụ” thay cho “đối tượng quản lý”. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo nguyên tắc: “Công khai - minh bạch - chất lượng - đúng hẹn”; “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ”.

[...]