Quyết định 3526/2004/QĐ-BYT phê duyệt chương trình hành động truyền thông giáo dục sức khỏe đến năm 2010 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 3526/2004/QĐ-BYT
Ngày ban hành 06/10/2004
Ngày có hiệu lực 03/11/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3526/2004/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2004 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHOẺ ĐÊN NĂM 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ nghị định 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tố chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001 – 2010;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động Truyền thông giáo dục sức khoẻ đến năm 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Ông, Bà: Chánh văn phòng, Chánh thanh tra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ Y tế, Cục trưởng Cục quản lý Dược Việt Nam, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục an toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế ngành, Giám đốc sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
 



Trần Thị Trung Chiến

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHOẺ ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3526/2004/QĐ – BYT ngày 06 tháng10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I- CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ NHU CẦU TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHOẺ

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tácChăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân (CS&BVSKND) như: Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989, Pháp lệnh Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 1995, Pháp lệnh An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2003, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân năm 2003, Chiến lược CS&BVSKND giai đoạn 2001- 2010, Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2001- 2010, Chiến lược Quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2001- 2010, Chiến lược quốc gia về phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm (phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống sốt xuất huyết, phòng chống phong, phòng chống bư­ớu cổ, tiêm chủng mở rộng, bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng…), và nhiều chính sách quốc gia khác. Các chương trình này đã và đang được triển khai thực hiện bằng nội lực của toàn ngành y tế và được sự quan tâm lãnh đạo của tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các đoàn thể quần chúng và nhân dân, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế.

Để góp phần thực hiện được thành công các chính sách nêu trên, công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ (GDSK) đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, việc xây dựng Chương trình hành động truyền thông GDSK đến 2010 là nhu cầu cần thiết và cấp bách.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao nhận thức và thực hành của tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, các tổ chức Chính trị- xã hội, cộng đồng và mỗi người dân về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2001- 2010.

2. Các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể đến 2010

2.1- Làm cho tổ chức Đảng và chính quyền các cấp và mọi người dân hiểu biết các chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Chỉ tiêu cụ thể:

- 100% tổ chức Đảng và chính quyền các cấp nhận thức đầy đủ về vai trò của y tế cơ sở và nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở (Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

- Tỷ lệ người dân được tiếp cận với thông tin về các chính sách chăm sóc vàbảo vệ sức khoẻ nhân dân: 100% ở đồng bằng, 90% ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

- Tỷ lệ người dân hiểu biết về chính sách, pháp luật về lĩnh vực y tế; về phong trào thi đua yêu nước, gương người tốt, việc tốt của ngành y tế: 70% ở đồng bằng và 50% ở miền núi.

2.2- Nâng cao nhận thức của người dân để họ tự thay đổi hành vi không có lợi cho sức khoẻ bằng hành vi có lợi cho sức khoẻ, chủ động phòng chống dịch bệnh, tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và tích cực tham gia công tác chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng.

Chỉ tiêu cụ thể:

- Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% nhân dân ở khu vực thành thị và 80% ở khu vực nông thôn, miền núi hiểu đúng và biết cách dự phòng HIV/AIDS (Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020).

- Tỷ lệ hộ gia đình nắm được các thực hành sức khoẻ cơ bản và y học thường thức: 60% đối với đồng bằng, 50 % đối với miền núi (Chuẩn Quốc gia về y tế xã).

- Tỷ lệ bà mẹ có kiến thức và kỹ năng thực hành về dinh dưỡng đúng cho trẻ em đạt 60% vào 2010 (Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2001- 2010).

[...]