ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
35/2021/QĐ-UBND
|
Cà Mau, ngày 12
tháng 11 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI HỘ GIA
ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019);
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2020;
Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai
ngày 19 tháng 6 năm 2013, được bổ sung tại khoản 11, Điều 1, Luật Sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai
và Luật Đê điều ngày 17
tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Nhà ở ngày 25 tháng 11
năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP
ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 450/TTr-SNN ngày 08 tháng 10 năm
2021, Công văn số 4110/SNN-PCTT ngày 09/11/2021, Báo cáo số 393/BC-STP ngày 09
tháng 9 năm 2021 của Sở Tư pháp, Công văn số 5356/VP-XD ngày 12 tháng 11 năm
2021 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định tiêu chí bảo
đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công
trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng
công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có
liên quan đến hoạt động phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
1. Nhà ở an toàn là nhà ở
không ở khu vực có rủi ro cao và có đủ 07 nhận diện an toàn gồm: Tường thu hồi
dài được gia cố; các góc, cạnh, rìa mái được bảo vệ; đòn tay/xà gồ mái được neo
buộc chắc chắn; tấm lợp mái được bảo vệ; mái hiên tách rời mái chính; cửa đi, cửa
sổ kín khít, chắc chắn và móng nhà vững chắc.
2. Nhà ở không an toàn là nhà ở
có 01 nhận diện trở lên trong 07 nhận diện không an toàn gồm: Tường thu hồi dài
và chưa được gia cố; các góc, cạnh, rìa mái chưa được bảo vệ; đòn tay/xà gồ mái
chưa được neo buộc; tấm lợp mái chưa được bảo vệ; mái hiên không tách rời mái
chính; cửa đi, cửa sổ chưa kín khít, chắc chắn và móng nhà chưa gia cố.
3. Khu vực rủi ro cao đối với
công trình, nhà ở là các khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ cao bị ảnh
hưởng bởi thiên tai; khu vực nguy cơ bị sạt lở, sụt lún, xói mòn; khu vực dễ bị
ngập lụt.
4. Khu vực rủi ro thấp đối
với công trình, nhà ở là các khu vực có che chắn mạnh đã loại trừ các khu vực
rủi ro cao.
Điều 3. Nguyên tắc
sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân đảm bảo
yêu cầu phòng chống thiên tai
1. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản
trong phòng, chống thiên tai được quy định tại Điều 4 Luật Phòng chống thiên
tai.
2. Tuân thủ quy định, yêu cầu về
phòng, chống thiên tai của cơ quan có thẩm quyền.
3. Sử dụng công trình, nhà ở không
làm gia tăng rủi ro thiên tai.
Chương II
CÁC TIÊU CHÍ BẢO ĐẢM YÊU CẦU PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI ĐỐI VỚI HỘ GIA
ĐÌNH, CÁ NHÂN SỬ DỤNG CÔNG TRÌNH, NHÀ Ở
Điều 4. Tiêu chí
về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới, dông
lốc
1. Đối với các
công trình, nhà ở hiện hữu
a) Định kỳ tổ chức cắt tỉa cây xanh xung quanh nhà ở, công trình;
b) Thực hiện gia cố phòng, chống tốc
mái, chống sập, chống đổ ngã đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão.
2. Đối với công trình, nhà ở xây mới
a) Vị trí xây dựng công trình, nhà ở,
ở khu vực rủi ro thấp;
b) Có ít nhất 01 gian kiên cố chịu được
bão cấp 12;
c) Đảm bảo các nội dung quy định tại
khoản 1 Điều 4 Quyết định này.
3. Gia cố công trình, nhà ở theo cấp
bão, áp thấp nhiệt đới
a) Đối với nhà ở không an toàn phải
gia cố ngay khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp;
b) Đối với nhà ở an toàn phải gia cố
khi có dự báo bão mạnh (cấp 11) ảnh hưởng trực tiếp.
4. Đối với công trình bồn chứa nước
trên cao, dàn nóng máy điều hòa nhiệt độ lắp đặt trên mái và tường ngoài công
trình, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời trên mái công trình, nhà ở và
các công trình trên cao khác phải được gia cường đảm bảo an toàn tuyệt đối.
5. Đối với công trình, nhà ở đang thi
công phải có phương án đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và công
trình lân cận; thực hiện neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, lưới bao che, hàng
rào tôn, cần trục tháp, máy vận thăng, thiết bị thi công trên cao (nếu có) đảm
bảo an toàn.
Điều 5. Tiêu chí
về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống sét
1. Lắp đặt bổ sung cột thu lôi chống
sét cho một số công trình, nhà ở có mái tôn, nhà cao tầng, nhà ở vị trí riêng lẻ
hiện hữu chưa có hệ thống chống sét.
2. Đối với công trình, nhà ở xây dựng
mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của công trình, hạng mục công
trình phải bảo đảm hệ thống chống sét theo quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về
phòng cháy và chữa cháy.
Điều 6. Tiêu chí
về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống nước dâng, ngập lụt
1. Đối với các công trình, nhà ở hiện
hữu, tại các vị trí nước có thể tràn vào phải được gia cố bằng bao cát, ván gỗ
và các vật liệu khác để ngăn nước tràn vào.
2. Đối với các công trình, nhà ở xây
mới, ngoài đảm bảo quy định về xây dựng phải đảm bảo cao trình nền cao hơn mực
nước triều lịch sử và mực nước ngập lụt cao nhất một khoảng an toàn.
Điều 7. Tiêu chí
về công trình, nhà ở bảo đảm yêu cầu phòng, chống sạt lở, sụt lún đất
1. Đối với công trình, nhà ở hiện hữu;
a) Gia cố phòng, chống sạt lở, sụt
lún đất;
b) Các biện pháp gia cố phải đảm bảo
không làm tăng gia tải công trình, nhà ở;
c) Di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đối
với các công trình, nhà ở đã xuất hiện các dấu hiệu sạt lở, sụt lún đất.
2. Đối với công trình, nhà ở xây mới
phải đảm bảo không xây dựng ở khu vực ven sông, ven biển có nguy cơ cao xảy ra
sạt lở, sụt lún đất. Đối với khu vực nền đất yếu phải gia cố móng phù hợp theo
tiêu chuẩn hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm
của Sở Xây dựng
1. Biên soạn tài liệu hướng dẫn thực
hiện các Tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình,
cá nhân sử dụng công trình, nhà ở trên địa bàn tỉnh Cà Mau quy định tại các Điều
5, 6, 7, 8 Quyết định này.
2. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ
năng đánh giá theo các Tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với
hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở.
3. Hàng năm, đánh giá kết quả thực hiện
theo các Tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình,
cá nhân sử dụng công trình, nhà ở; gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Tiêu chí.
Điều 9. Trách nhiệm
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực
hiện và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp với
tình hình thực tế của địa phương.
Điều 10. Trách
nhiệm của Sở Tài chính
Tham mưu bố trí ngân sách hàng năm và các nguồn hợp pháp khác cho các
hoạt động triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn, rà soát,
đánh giá việc thực hiện các Tiêu chí
bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng
công trình, nhà ở trên địa bàn tỉnh theo
quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định hiện hành.
Điều 11. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức thực hiện các Tiêu chí bảo
đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công
trình, nhà ở thuộc phạm vi quản lý. Thực hiện công tác thông tin, truyền thông,
giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công
trình, nhà ở;
2. Thông tin, cảnh báo sớm về thiên tai đến người dân; xác định mức
độ ảnh hưởng của thiên tai xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn quản lý để đề xuất
lựa chọn địa điểm tái định cư đảm bảo an toàn cho người dân;
3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của
địa phương trong việc quản lý nhà nước về đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai
đối với công trình, nhà ở trên địa bàn quản lý;
4. Theo thẩm quyền tổ chức kiểm tra,
đánh giá hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra đánh giá việc thực
hiện nội dung đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai trong việc sử dụng công
trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân;
5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi
phạm về đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai trong việc sử dụng công trình,
nhà ở thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân. Tổ chức vận động, cưỡng chế
khi cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi thiên tai
xảy ra.
Điều 12. Trách
nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và
triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Tổ chức chỉ huy việc phòng tránh, ứng
phó, khắc phục hậu quả thiên tai đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia
đình, cá nhân; thống kê thiệt hại đối với công trình, nhà ở thuộc sở hữu hộ gia
đình, cá nhân do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Điều 13. Trách
nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở
1. Có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các Tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống
thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình quy định tại Quyết định này;
2. Tuân thủ các quy định về yêu cầu
phòng, chống thiên tai của cơ quan có
thẩm quyền. Chấp hành việc kiểm tra, giám sát, xử lý của cơ quan quản lý nhà nước
có thẩm quyền trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình đối với việc sử dụng
công trình, nhà ở;
3. Tham gia đầy
đủ các buổi tuyên truyền, tập huấn về rủi ro thiên tai do
địa phương tổ chức để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng,
chống thiên tai đảm bảo an toàn cho gia đình, cá nhân và cộng
đồng. Kịp thời phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các hộ gia đình khác trong đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống thiên tai;
4. Khi phát hiện các hoạt động, hành
vi và sự cố công trình có thể ảnh hưởng đến an toàn công trình, nhà ở và hoạt động
phòng chống thiên tai đối với công trình, nhà ở phải kịp thời thông tin, báo
cáo cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để xử lý, khắc phục. Trường hợp
các hoạt động, hành vi và sự cố xảy ra nghiêm trọng và không xử lý được hoặc việc
phối hợp xử lý chưa đạt yêu cầu thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trực tiếp để được
hỗ trợ, xử lý;
5. Phân công, sắp xếp nhiệm vụ cho
các thành viên trong gia đình để chủ động ứng phó và hỗ trợ lẫn nhau khi có
tình huống thiên tai xảy ra, đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương;
6. Thực hiện gia cố, giằng chống, đảm
bảo an toàn công trình, nhà ở trước mùa mưa bão. Sau mỗi đợt thiên tai, thực hiện
kiểm tra công trình, nhà ở để kịp thời sửa chữa, gia cố và khắc phục các hư hại
do thiên tai gây ra. Có trách nhiệm với cộng đồng trong việc khắc phục hậu quả
sau thiên tai;
7. Thường xuyên theo dõi thông tin dự
báo thời tiết, cảnh báo thiên tai
trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh.
Điều 14. Hiệu lực
thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày 27 tháng 11 năm 2021.
Điều 15. Triển
khai thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, các tổ chức chính trị - xã hội
và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành
tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các xã, phường, thị trấn và các hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Sử
|