Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 3480/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Phương án thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 3480/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/11/2013
Ngày có hiệu lực 11/11/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Đinh Văn Thu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3480/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 11 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ CÁC MẶT HÀNG TIÊU DÙNG THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội;

Theo Công văn số 14719/BTC-NSNN ngày 26/10/2012 của Bộ Tài chính về việc bố trí nguồn kinh phí và kiểm soát sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá; Công văn số 11272/BCT-TTTN ngày 21/11/2012 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1318/TTr-SCT ngày 29 tháng 10 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án thực hiện Chương trình bình ổn thị trường giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (sau đây gọi là Chương trình) với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu, góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Gắn liền với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, định hướng, khuyến khích người tiêu dùng có thói quen, ưu tiên sử dụng hàng Việt.

- Đảm bảo đầy đủ, thường xuyên số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa bán trên thị trường; hàng hóa phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định.

- Mạng lưới phân phối, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu phải được phân bố đều và rộng khắp trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xác định nhóm hàng, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cần bình ổn thị trường giá cả

Căn cứ Luật Giá ban hành năm 2012, Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính, danh mục mặt hàng bình ổn những năm trước và một số tính chất sau để xác định nhóm, mặt hàng cần bình ổn thị trường giá cả:

- Có tính chất thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân trên địa bàn tỉnh; khó chủ động về số lượng và nguồn hàng cung ứng một cách ổn định.

- Các mặt hàng lương thực thực phẩm cân đối cung - cầu tại chỗ trên địa bàn tỉnh còn thiếu phải khai thác thu mua ở thị trường ngoài tỉnh.

Trên cơ sở đó, nhóm hàng, mặt hàng cần bình ổn thị trường giá cả được xác định là: gạo, muối, đường, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả. Riêng thời điểm phục vụ Tết có thêm bánh, mứt, kẹo, hạt dưa.

Ngoài ra, tùy theo đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội của từng năm, căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế của tỉnh sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung các nhóm, mặt hàng mới phù hợp tham gia Chương trình.

2. Đối tượng tham gia

Hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) do Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các huyện, thành phố xác định.

Tiêu chí lựa chọn ưu tiên như sau:

- Là những doanh nghiệp có uy tín, thực hiện tốt các quy định của pháp luật hiện hành, có kinh doanh mặt hàng bình ổn giá với số lượng lớn, ổn định và xuyên suốt trong thời gian thực hiện Chương trình.

[...]