Quyết định 34/2007/QĐ-UBND ban hành quy định về công tác phối hợp trong việc phòng chống tội phạm trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Số hiệu 34/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/10/2007
Ngày có hiệu lực 01/11/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thanh Tòng
Lĩnh vực Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính,Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2007/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 22 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRONG VIỆC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 03/2005/CT-BBCVT ngày 28 tháng 3 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông về đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tham nhũng trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BCA-BBCVT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ Công an, Bộ Bưu chính, Viễn thông hướng dẫn thực hiện mở và kiểm tra thư, bưu phẩm, bưu kiện, kiện, gói hàng hóa gởi qua mạng bưu chính công cộng và mạng chuyển phát nhằm phát hiện tội phạm về ma túy;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Bưu chính, Viễn thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác phối hợp trong việc phòng, chống tội phạm trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày và đăng Báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC PHỐI HỢP TRONG VIỆC PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2007/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 10 năm 2007 của UBND thành phố Cần Thơ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy định về công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành có liên quan, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Các loại tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, bao gồm: các loại tội phạm phá hoại mạng lưới bưu chính, viễn thông; vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; trộm cước viễn thông quốc tế; sản xuất, cung cấp và sử dụng các thiết bị thu, phát vô tuyến điện trái pháp luật; hacker, phá hoại các trang thông tin điện tử và đăng tải thông tin trái phép; viết và phát tán virus, truyền bá các tài liệu có nội dung phản động, đồi trụy, khiêu dâm kích dục lên mạng; kinh doanh trái pháp luật dịch vụ Internet; các loại tội phạm công nghệ cao khác trên lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

2. Quy định này áp dụng đối với tất cả các đối tượng hoạt động kinh doanh, ứng dụng và sử dụng phương tiện kỹ thuật thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố, bao gồm: các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh các thiết bị, các dịch vụ, các đại lý Internet; các công ty, xí nghiệp, dịch vụ du lịch, thương mại sử dụng phương tiện kỹ thuật thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Mạng bưu chính bao gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục gốc, bưu cục phát, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết nối với nhau bằng các tuyến vận chuyển và phát.

2. Mạng chuyển phát do doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để cung cấp dịch vụ chuyển phát thư, kiện, gói hàng hóa theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn thông và các quy định khác của pháp luật về vận chuyển hàng hóa.

3. Trộm cước viễn thông quốc tế là hành vi chuyển tải trái phép lưu lượng dịch vụ điện thoại quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài mà không thông qua các nhà cung cấp chính thức trong nước.

4. Thiết bị thu, phát vô tuyến điện là các thiết bị có khả năng phát và thu nhận, sử dụng sóng vô tuyến điện để truyền dẫn tín hiệu, thông tin. Các thiết bị này khi sử dụng ở Việt Nam phải có giấy phép, bảo đảm hoạt động đúng tần số và công suất theo quy định của Cục Tần số Vô tuyến điện.

5. Hacker là các cá nhân, tập thể nhờ có hiểu biết sâu và kỹ năng thành thạo trong lĩnh vực bảo mật; có thể sử dụng các chương trình, phần mềm để xâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nhằm đánh cắp thông tin, hay phá hoại các hệ thống máy tính với những mục đích khác nhau.

[...]