QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÁC CƠ
QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH HẢI DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2011-2015
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng
6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007
của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày
06/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển
CNTT-TT Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 48/2009/QĐ-TTg ngày
31/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông
tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010;
Căn cứ Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày
27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng
công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 – 2015;
Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày
22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành
nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”;
Căn cứ Quy
hoạch tổng thể phát triển Bưu chính, Viễn thông và ứng dụng CNTT tỉnh Hải Dương
giai đoạn 2006-2010 và định hướng phát triển đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền
thông tại Tờ trình số 594/TTr-STTTT ngày 12/11/2010 V/v phê duyệt Kế hoạch ứng
dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn
2011-2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong
các cơ quan nhà nước tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015, bao gồm các nội dung
cơ bản sau:
I. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát:
Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất
lượng công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước; tăng cường trao đổi
công việc trên môi trường điện tử giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan
nhà nước với các tổ chức, cá nhân; đồng thời đẩy mạnh phát triển các dịch vụ
công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước:
- Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức
đạt 100%.
- Đảm bảo trao đổi thông tin giữa
hai mạng của cơ quan nhà nước với mạng của các cơ quan Đảng trên cùng địa bàn.
- Bảo
đảm 100% các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành, 100% thông tin chỉ đạo,
điều hành của lãnh đạo tỉnh được đưa lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- 100% cán bộ, công chức có hộp
thư điện tử công vụ và 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện, 50% công chức
cấp xã thường xuyên sử dụng thư điện tử qua hệ thống thư điện tử công vụ trong
công việc.
- 100% đơn vị sử dụng phần mềm Quản
lý văn bản và trao đổi văn bản điện tử qua mạng.
- 100% các cuộc giao ban giữa
Trung ương với tỉnh, 70% các cuộc họp giao ban giữa cấp tỉnh với cấp huyện, 30%
các cuộc họp giao ban giữa cấp huyện với cấp xã được thực hiện qua môi trường mạng.
b) Ứng dụng CNTT phục vụ người
dân và doanh nghiệp:
- 100% các Sở, Ngành, UBND cấp huyện
có trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử với đầy đủ thông tin và
được kết nối với Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- 100% các dịch vụ công cấp Sở,
ngành, huyện được cung cấp trực tuyến mức độ 2 (cho phép tải về các mẫu đơn, hồ
sơ để in ra giấy).
- 25% các dịch vụ công cấp Sở,
ngành, huyện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 (cho phép điền và gửi trực tuyến
các mẫu đơn, hồ sơ).
- 10% các dịch vụ công cấp Sở,
ngành, huyện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (việc thanh toán chi phí được thực
hiện trực tuyến, gửi và nhận kết quả qua đường bưu điện hoặc qua mạng).
- 100% cấp Sở, 50% - 70% cấp huyện
ứng dụng hệ thống thông tin theo mô hình “một cửa”.
II. CÁC NHIỆM VỤ:
Nhiệm vụ 1: Phát triển hạ tầng
kỹ thuật
1. Trang bị bổ sung hoặc thay thế
máy tính và các thiết bị tin học; trang bị phần mềm hệ thống, nâng cấp hoàn thiện
các mạng LAN của các Sở, Ngành, UBND cấp huyện; tăng cường thiết bị cho các xã,
phường, thị trấn.
2.
Hoàn thiện mạng WAN các cơ quan Nhà nước đảm bảo 100% các Sở, Ngành, UBND cấp
huyện, UBND cấp xã có thể truy cập liên kết, chia sẻ thông tin.
3. Kết nối mạng chuyên dùng của
các cơ quan Đảng và Nhà nước với mạng nội bộ các đơn vị.
4. Xây dựng hệ thống giao ban trực
tuyến tới 100% cấp Sở, Ngành, UBND cấp huyện.
5. Xây dựng các hệ thống bảo đảm
an toàn, an ninh thông tin; ứng dụng chữ ký số; xây dựng hạ tầng giao tiếp với
người dân.
Nhiệm vụ 2: Ứng dụng CNTT trong
nội bộ cơ quan nhà nước
1. Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ
liệu đủ mạnh của tỉnh; tổ chức số hoá 100% các văn bản quy phạm pháp luật giúp cho
các cơ quan, doanh nghiệp, người dân dễ dàng truy cập, tìm kiếm thông tin.
2. Duy trì và phát triển Cổng
thông tin điện tử của tỉnh, xây dựng và phát triển các trang thông tin điện tử/cổng
thông tin điện tử của các Sở, Ban, Ngành, UBND cấp huyện, UBND các phường, thị
trấn và một số xã.
3. Đảm bảo cung cấp các dịch vụ
công trên môi trường mạng theo yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành
chính.
4. Ứng dụng công nghệ số hoá bản đồ
trong quản lý quy hoạch, xây dựng kế hoạch đặc biệt trong các ngành xây dựng,
giao thông, quản lý tài nguyên...
5. Phát triển/xây dựng mới phần mềm
quản lý văn bản và điều hành theo hướng tăng cường chức năng chỉ đạo, điều
hành, quản lý nội dung tổng thể, mở rộng sự kết nối liên thông giữa các cấp;
phát triển các ứng dụng nâng cao hiệu quả quản lý nội bộ như quản lý cán bộ,
tài chính - kế toán...
6. Duy trì và phát triển hệ thống
thư điện tử.
7. Phát triển các ứng dụng CNTT
chuyên ngành phục vụ các công tác nghiệp vụ khác theo đặc thù của mỗi cơ quan.
8. Phát triển hệ thống quản lý
thông tin tổng thể.
Nhiệm vụ 3: Ứng dụng CNTT phục
vụ người dân và doanh nghiệp
1. Xây dựng và cung cấp các dịch vụ
công trực tuyến mức độ 2, 3, 4. Ưu tiên cung cấp trực tuyến
tối thiểu mức độ 3 nhóm các dịch vụ công sau (theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg
ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ):
- Đăng ký kinh doanh;
- Cấp giấy
phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện;
- Cấp giấy phép xây dựng;
- Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động
xây dựng;
- Cấp giấy phép đầu tư;
- Cấp giấy đăng ký hành nghề y, dược;
- Lao động, việc làm;
- Cấp, đổi giấy phép lái xe;
- Giải quyết
khiếu nại, tố cáo;
- Đăng ký tạm trú, tạm vắng;
- Dịch vụ đặc thù.
2. Phát triển ứng dụng CNTT tại bộ
phận “một cửa” tới tất cả các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố: Cổng thông
tin điện tử cấp huyện; dịch vụ hành chính công một cửa; phần mềm văn phòng điện
tử; phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
3. Phát triển các hệ thống thông
tin thiết yếu phục vụ cho công dân và doanh nghiệp như dân cư, đất đai, kinh tế,
đầu tư...
Nhiệm vụ 4: Phát triển nguồn
nhân lực cho ứng dụng CNTT
1. Đào tạo 100% cán bộ, công chức
sử dụng thành thạo các hệ thống thông tin dùng chung: quản lý văn bản, thư điện
tử, giao ban điện tử... Đào tạo cán bộ, công chức nâng cao năng lực ứng dụng
CNTT.
2. Đào tạo ít nhất 02 cán bộ/đơn vị
về quản lý CNTT cho các Sở, Ngành, UBND cấp huyện: quản lý dự án CNTT, xây dựng
kế hoạch, quản lý nhà nước về CNTT...
3. Phối hợp với Bộ Thông tin và
Truyền thông trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an toàn, an ninh
thông tin.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp tài chính: Cần tăng cường bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho ứng dụng CNTT, gắn
kinh phí thu thập, cập nhật, tạo lập thông tin, duy trì hệ thống thông tin vào
kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh thu hút các nguồn
tài trợ; xác định đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không tràn lan.
2. Giải pháp triển khai: Gắn chặt giữa ứng dụng CNTT và cải cách hành chính; triển khai thí điểm
mô hình ứng dụng CNTT cho từng cấp sau đó có đánh giá, rút kinh nghiệm và triển
khai nhân rộng; triển khai gắn liền với đôn đốc, kiểm tra, báo cáo, khen thưởng
và phê bình.
3. Giải pháp tổ chức: Kiện toàn bộ máy quản lý chuyên trách CNTT ở các cấp; ở các Sở có nhiều
ứng dụng CNTT như Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng,
Công thương... xem xét việc thành lập Phòng Khoa học và Công nghệ thông tin;
các Sở khác xem xét, bố trí công chức CNTT trong Phòng Kế hoạch và Tài chính; mỗi
UBND cấp huyện xem xét có một Trung tâm Công nghệ thông tin; tuyển dụng, bố trí
cán bộ phụ trách CNTT trình độ cao đẳng CNTT trở lên cho tất cả các đơn vị, ít
nhất 01 cán bộ/đơn vị.
Thành lập các Trung tâm CNTT theo
hướng chuyên môn hoá đủ mạnh trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông làm nhiệm
vụ chuyên trách về CNTT cho tỉnh.
4. Giải pháp môi trường chính
sách:
- Có chính sách thu hút, đãi ngộ đối
với nhân lực có trình độ về CNTT vào làm trong các cơ quan nhà nước.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số
trong các cơ quan, đơn vị.
- Có quy chế gắn thi đua khen thưởng
với bắt buộc việc trao đổi thông tin điện tử trong và giữa các cơ quan, đơn vị;
với việc cập nhập thông tin cho trang thông tin điện tử của đơn vị...
- Xây dựng các chính sách, quy chế
đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí: 210 tỷ đồng
và 500 nghìn USD.
Trong đó:
1. Nguồn tài trợ: 500 nghìn USD.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ: 10 tỷ
đồng.
3. Nguồn vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn
khác: 200 tỷ đồng.
Điều 2. Phân công thực hiện:
1. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối
hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị tài trợ,
các đơn vị liên quan để tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch.
2.Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ Kế
hoạch đã được phê duyệt tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho việc thực hiện
Kế hoạch.
3. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị
xã, căn cứ Kế hoạch được duyệt có trách nhiệm xây dựng các Dự án, nhiệm vụ ứng
dụng CNTT năm 2011 của đơn vị mình để làm căn cứ triển khai thực hiện.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Thông tin và
Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Kho bạc Nhà
nước tỉnh Hải Dương, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan
có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.