Quyết định 3198/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh An Giang từ năm 2017 đến năm 2025

Số hiệu 3198/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/10/2017
Ngày có hiệu lực 26/10/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3198/QĐ-UBND

An Giang, ngày 26 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỈNH AN GIANG TỪ NĂM 2017 ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 10/2017/QĐ-TTg ngày 03 tháng 04 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1842/TTr-SCT ngày 13 tháng 10 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này là Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh An Giang từ năm 2017 đến năm 2025.

Điều 2. Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh An Giang từ năm 2017 đến năm 2025.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở, doanh nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- Như Điều 3;
- TT. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTN, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ TỈNH AN GIANG TỪ NĂM 2017 ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3198/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH

Kết quả điều tra, khảo sát về tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp (CS, DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh năm 2017, hiện trạng ngành CNHT của tỉnh như sau:

1. Về số lượng cơ sở, doanh nghiệp chọn khảo sát

- Có 89 cơ sở (CS), doanh nghiệp (DN), bao gồm 77 CS và 12 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan được chọn thực hiện khảo sát, thuộc các nhóm ngành: Dệt - may; Da - giày; Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; Cơ khí, cơ khí chế tạo; Sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy móc, thiết bị và phương tiện vận tải...

- Các CS, DN được chọn điều tra thuộc địa bàn thành phố Long Xuyên, Châu Đốc, các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Thoại Sơn, Tri Tôn và thị xã Tân Châu.

2. Hiện trạng

2.1. Thông tin chung của cơ sở, doanh nghiệp chọn khảo sát

- Về tình hình sử dụng lao động: tổng số lao động hiện nay các doanh nghiệp đang sử dụng là 3.245 người, trong đó, nhóm ngành sản xuất trang phục là sử dụng nhiều lao động nhất. Thu nhập bình quân của người lao động là 3,8 triệu đồng/tháng, cao nhất thuộc nhóm ngành sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu.

- Về tình hình đầu tư sản xuất: tổng vốn điều lệ đăng ký kinh doanh là 118.749 triệu đồng; tổng diện tích nhà xưởng là 55.168 m2; vốn đầu tư máy móc, thiết bị là 65.864 triệu đồng.

- Việc quản lý chất lượng trong sản xuất: các Hệ thống/Công cụ quản lý chất lượng trong sản xuất theo Quy chuẩn, tiêu chuẩn (như: TQM, ISO, 5S, KAIZEN, Just In Time, PDCA,…) rất ít được áp dụng, chỉ có 7,9% trên tổng số CS, DN điều tra, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, hầu hết tập trung ở các doanh nghiệp. Đa phần các cơ sở và doanh nghiệp có quy mô nhỏ đều quản lý theo kinh nghiệm.

[...]