ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3167/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
25 tháng 11 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1210/QĐ-TTG NGÀY 24
THÁNG 7 NĂM 2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH
GIAO THÔNG VẬN TẢI PHỤC VỤ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ PHÁT TRIỂN
BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-TTg
ngày 24 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu
ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao
thông vận tải tại Tờ trình số 3187/TTr-SGTVT ngày 06 tháng 11 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển
khai thực hiện Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ
về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp Công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, thực hiện
trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh. Giám đốc các Sở: Giao
thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Trưởng ban Ban quản lý
Khu Kinh tế Vân Phong, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và thủ trưởng
các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ GTVT (b/c);
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Website tỉnh;
- Lưu: VT+HN
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đức Vinh
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1210/QĐ-TTG NGÀY 24/7/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3167/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2014 của
UBND tỉnh Khánh Hòa)
Thực hiện Quyết định số 1210/QĐ-TTg ngày 24/7/2014
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải
phục vụ sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn
đến năm 2020, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết
định số 1210/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa như sau:
I. Quan điểm:
1. Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng
trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước
một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế -
xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Phát triển hạ tầng giao thông vận tải là tiền đề
thúc đẩy thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Nghị
quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Khánh Hòa lần thứ XVI đề ra.
II. Mục tiêu:
1. Rà soát, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển
kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải.
2. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút,
tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong Giao thông vận tải.
Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của Khánh Hòa để
tái cơ cấu phát triển Giao thông vận tải một cách hợp lý, hiệu quả. Ưu tiên
phát triển vận tải hành khách công cộng, sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường,
ưu tiên bố trí quỹ đất cho giao thông tĩnh, dịch vụ logistics.
3. Tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh
của các doanh nghiệp Giao thông vận tải, chú trọng, đề cao phát triển bền vững,
đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
4. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng
bộ, hợp lý, từng bước đi vào hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn,
liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn,
ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới nhằm hạ giá thành đầu tư công trình, kết hợp
thực hiện bảo trì và sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông. Tái cơ cấu vận
tải, phát triển vận tải theo hướng hiện đại với chi phí hợp lý, nhanh chóng đổi
mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
5. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thực hiện tốt
cải cách hành chính, đổi mới thể chế, hỗ trợ tối đa cho tổ chức và nhân dân thực
hiện quyền tự do kinh doanh, phát triển sản xuất trong hội nhập kinh tế.
III. Kế hoạch thực hiện:
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh xây dựng
kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2015 - 2020 như sau:
1. Lĩnh vực đường bộ:
1.1. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ đối ngoại:
- Qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 3 tuyến Quốc
lộ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý gồm QL1 dài 152km; QL26 dài 32km; QL26B dài
14,3km và Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa được ủy thác quản lý 2 tuyến QL1C dài
17km và QL27B dài 8,66km. Trong giai đoạn 2015-2020, thực hiện đầu tư nâng cấp
mở rộng tuyến QL1, hầm đường bộ đèo Cả, QL26 và 26B.
- Từng bước hoàn chỉnh giao thông liên vùng, cụ thể:
Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2012 đường Nha Trang - Đà Lạt, đoạn Diên
Khánh - Khánh Vĩnh dài 34km với TMĐT 550 tỷ đồng kết nối với đường Khánh Lê -
Lâm Đồng, riêng đoạn tuyến từ Nha Trang - Diên Khánh dài 9,9km đang triển khai
thi công dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Hiện nay, công trình này đã phát
huy hiệu quả khá tốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Khánh
Hòa và Lâm Đồng, vì vậy hai tỉnh đang đề nghị Chính phủ cho phép nâng cấp đường
Nha Trang - Đà Lạt thành Quốc lộ 20, dự kiến năm 2015 sẽ hoàn chỉnh các thủ tục.
1.2. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ đối nội:
1.2.1. Về phát triển giao thông vận tải đô thị:
- Về phát triển, hạ tầng giao thông:
+ Dự án đường Nha Trang - Diên Khánh dài 9,9km đã
triển khai thi công dự kiến hoàn thành trong năm 2017;
+ Dự án đường Phong Châu dài 2km (bao gồm cả 2 cầu)
khởi công tháng 9/2014 dự kiến hoàn thành năm 2016; Các tuyến đường ở khu vực
phía Tây Lê Hồng Phong (đường số 4, đường số 28..) khởi công năm 2013 bàn giao
năm 2015;
+ Dự án đường vành đai thành phố Nha Trang
(ĐT.657D), đoạn từ cầu Bình Tân đến đường 23 tháng 10 dài 6,5km (đường bờ kè số
1), đầu tư giai đoạn 2016-2020;
+ Dự án Nút giao thông Ngọc Hội, đường 23 tháng 10,
thành phố Nha Trang, đầu tư giai đoạn 2016-2020.
+ Dự án nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm -
Hà Ra thành phố Nha Trang (giai đoạn I) dài 932m, đầu tư giai đoạn 2015-2019;
+ Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tỉnh lộ 3 (đoạn Từ
Nghĩa trang Phước Đồng đến Quốc lộ 1A) (ĐT.657K) dài 9,6km, đầu tư giai đoạn
2016-2020; Dự án đường Tỉnh lộ 2 (đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi), huyện Diên
Khánh dài 5,8 km, đầu tư giai đoạn 2015-2018; dự án cầu Phú Kiểng, đường vành
đai núi Sạn (Nha Trang).
- Trong giai đoạn 2015-2020, Thành phố Nha Trang từng
bước thực hiện tổ chức quản lý giao thông đô thị thông minh, sử dụng công nghệ
và thiết bị hiện đại như hệ thống camera, hệ thống giao thông thông minh (ITS),
xây dựng trung tâm điều khiển giao thông và lắp đặt thiết bị, giai đoạn này sẽ
thí điểm điều khiển giao thông cho khu vực trung tâm thành phố nhằm cụ thể Đề
án phát triển, tổ chức giao thông đường bộ thành phố Nha Trang đến năm 2015 và
định hướng đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2337/QĐ-UBND
ngày 09/9/2010.
1.2.2. Về phát triển giao thông địa phương:
Giai đoạn 2015-2020, tiếp tục đầu tư các dự án
trong khu kinh tế Vân Phong như:
+ Dự án Đường trục chính khu tổng hợp Đầm Môn; Kè
và đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đến thị xã Ninh Hòa
(ĐT.651B);
+ Dự án đường vào Kho xăng dầu ngoại quan Vân
Phong;
+ Dự án Cải tuyến tỉnh lộ 1B - đoạn từ Huyndai
Vinashin đến Ninh Tịnh (ĐT.652D);
+ Dự án đường vào nhà máy đóng tàu STX, huyện Ninh
Hòa (ĐT.652). Đối với các địa phương còn lại thực hiện đầu tư:
+ Dự án Nâng cấp và làm mới đường Tỉnh lộ 6 (đoạn
II: Km6+768 - Km18+929) dài 12,2 km qua hai huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.
+ Dự án Nâng cấp Hương lộ 39, huyện Diên Khánh.
+ Dự án cầu Long Hồ (ĐT.657I); dự án hệ thống tuyến
đường nhánh Khu du lịch bán đảo Cam Ranh giai đoạn 2; Dự án đường phía Tây bán
đảo Cam Ranh (ĐT.655).
1.3. Bảo trì đường bộ và phát triển giao thông
nông thôn
1.3.1. Công tác sửa chữa vừa các tuyến đường tỉnh
Quản lý khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ theo hướng tăng cường xã hội hóa và ứng dụng khoa học, công nghệ
trong quản lý khai thác:
- Giai đoạn 2010-2014, ngân sách cấp 211,814 tỉ đồng
để sửa chữa, nâng cấp 557 km đường tỉnh và đường huyện, trong đó ngân sách tỉnh
170 tỉ, ngân sách Trung ương 41,814 tỉ (Quỹ Bảo trì đường bộ TW cấp), đã thực
hiện nâng cấp tuyến đường từ mặt đường 3,5m lên mặt đường 5,5m, 6m và 6,5m là
30km; sửa chữa mặt đường láng nhựa theo mặt đường hiện trạng là 33,30 km; thực
hiện tăng cường mặt đường BTN theo mặt đường hiện trạng là 23,4 km.
- Phấn đấu giai đoạn 2015-2020, bằng nguồn vốn sửa
chữa đường bộ hàng năm từ ngân sách tỉnh và Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cấp,
thực hiện nâng cấp mở rộng mặt đường từ 3,5 m - 5,5m từ 40-50km, thực hiện tăng
cường mặt đường theo hiện trạng là 30-40 km và thảm bê tông nhựa tăng cường 40
- 50km.
1.3.2. Công tác bảo dưỡng thường xuyên đường bộ
+ Triển khai thực hiện quản lý, khai thác, bảo trì
kết cấu hạ tầng giao thông hệ thống đường tỉnh theo các quy định mới hiện hành:
Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về
quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số
52/2013/NĐ-CP ngày 12/12/2013 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì
công trình đường bộ; Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ
quy định việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ. Triển khai thực hiện Quyết định số 538/QĐ-BGTVT ngày 06/3/2013 của Bộ trưởng
Bộ GTVT phê duyệt đề án “Đổi mới toàn diện công tác quản lý, bảo trì hệ thống
quốc lộ”.
+ Từng bước xã hội hóa công tác bảo trì hệ thống đường
tỉnh và các đường địa phương, đặc biệt đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường
xuyên; triển khai phương thức đấu thầu thay cho phương thức đặt hàng hiện nay.
Thực hiện định mức bảo dưỡng thường xuyên đường bộ theo Quyết định số
3409/QĐ-BGTVT ngày 08/9/2014 của Bộ GTVT.
+ Tăng cường kinh phí bảo trì đường bộ đối với nguồn
vốn từ thu phí sử dụng đường bộ. Quỹ bảo trì đường bộ địa phương phối hợp với
các Sở, Ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với
mô tô, thực hiện kế hoạch thu nộp phí và phân bổ kinh phí cho các địa phương thực
hiện bảo trì đường bộ. Nghiên cứu phương pháp triển khai thực hiện thu phí có
hiệu quả để đẩy mạnh việc thu phí, gắn trách nhiệm thu phí với nguồn vốn đầu tư
cơ sở hạ tầng cụ thể cho từng xã, phường, địa phương trong toàn tỉnh.
+ Ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTG
của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện lập lại trật tự hành lang đường bộ,
đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
1.3.3. Phát triển giao thông nông thôn
Tính đến tháng 6/2014 trên địa bàn toàn tỉnh hiện
đã có 23 xã đạt chỉ tiêu chung về tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia
về nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 24,47%. Phấn đấu đến năm 2020, 100% xã trên địa
bàn tỉnh đạt chỉ tiêu chung về tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về
nông thôn mới.
- Về tiêu chí giao thông, hiện nay trên địa bàn tỉnh
đã đạt Tiêu chí 2.1. Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được bê tông hóa hoặc nhựa
hóa đạt 100%.
- Phấn đấu đến năm 2020, đạt các tiêu chí còn lại.
Cụ thể như sau:
+ Tiêu chí 2.2 - Tỷ lệ km đường trục thôn, xóm được
cứng hóa đạt 70%.
+ Tiêu chí 2.3 - Tỷ lệ km đường ngõ, xóm sạch và
không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%, cứng hóa đạt 70%.
+ Tiêu chí 2.4 - Tỷ lệ km đường trục chính nội đồng
được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 70%
- Kinh phí thực hiện: Tổng cộng số km cần thực hiện
cho 3 tiêu chí nói trên trong toàn tỉnh là 1.200km tương đương 1.850 tỷ đồng,
trong đó:
+ Vốn ngân sách nhà nước: 950 tỷ đồng;
+ Vốn tín dụng: 380 tỷ đồng;
+ Vốn doanh nghiệp: 270 tỷ đồng;
+ Vốn cộng đồng, dân cư: 250 tỷ đồng.
Suất đầu tư căn cứ và chi phí được tính toán căn cứ
theo cấp thiết kế đường tại Quyết định 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ trưởng
Bộ GTVT về việc ban hành Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông
nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2010 - 2020. Mặt bằng giá tính tại thời điểm tháng 6 năm 2014.
+ Cơ chế huy động vốn:
Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển
khai thực hiện:
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương
trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa
bàn, bao gồm:
Huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện,
xã) để tổ chức triển khai Chương trình.
Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các
công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng
đầu tư phát triển của Nhà nước hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được
ngân sách nhà nước hỗ trợ sau đầu tư và được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định
của pháp luật;
Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của
nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể, do Hội đồng nhân dân xã thông qua;
2. Lĩnh vực vận tải:
2.1. Lĩnh vực vận tải bộ:
- Phát triển phương tiện vận tải đường bộ theo hướng
ưu tiên vận tải công cộng, phương tiện đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia và thân thiện với môi trường.
- Tập trung phát triển hệ thống xe buýt, các tuyến
vận tải công cộng khối lượng lớn và tăng cường kiểm soát các phương tiện xe
máy, ô tô cá nhân. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động vận tải hành khách bằng
xe buýt, đầu tư các tuyến xe buýt theo quy hoạch Giao thông vận tải tỉnh Khánh
Hòa đến năm 2020:
+ Năm 2014-2015: Triển khai tuyến xe buýt Ninh
Hòa-Dốc Lết, Nha Trang-Ninh Thủy, Nha Trang-Ninh Phước ; Diên Khánh-Khánh Bình.
+ Năm 2016-2020: Xây dựng tuyến Nha Trang-Diên
Khánh (đường Cao Bá Quát-Cầu Lùng); Cam Ranh-Khánh Sơn.
- Phát triển hiệu quả mạng lưới vận tải hành khách
theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh. Tăng cường trật tự vận tải, nhất là tại
các đô thị, có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn nạn xe ‘dù’, bến ‘cóc’ xe open tour
núp bóng xe hợp đồng.
- Bổ sung quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách nội
tỉnh, ưu tiên các tuyến có tính kết nối, có nhu cầu vận tải cao và các tuyến đường
đã đưa vào cấp kỹ thuật.
- Thực hiện quy hoạch bến xe trên địa bàn tỉnh, hiện
đại hóa các bến xe đã có đáp ứng nhu cầu đưa đón khách đi lại, phù hợp với quy
chuẩn kỹ thuật quốc gia. Thực hiện xây dựng mới các bến xe ở khu vực ngoài
thành: Bến xe phía Nam Nha Trang, Bến xe Cam Ranh, bến xe Diên Khánh...nhằm triển
khai chủ trương di dời kết cấu hạ tầng ra khỏi trung tâm nội thị. Khảo sát, xác
định 15-20 vị trí các điểm dừng đón trả khách tuyến cố định trên đường quốc lộ
đi qua địa phương, phê duyệt trong năm 2014 theo quy định tại Điều 12, Thông tư
18/2013/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
- Hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phương
tiện, khai thác có hiệu quả tránh tình trạng cung vượt cầu như hiện nay. Khuyến
khích các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách:
Đầu tư bến, đầu tư các trạm dừng, đầu tư phương tiện mới-hiện đại, đào tạo nguồn
nhân lực...để đảm bảo phục vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Tăng cường
công tác quản lý vận tải qua thiết bị giám sát hành trình.
2.2. Lĩnh vực đường thủy nội địa:
- Phát triển phương tiện thủy nội địa theo hướng
phát triển du lịch và đáp ứng nhu cầu dân sinh của địa phương; Nâng cấp và xây
dựng các bến thủy để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách.
- Nâng cấp các bến dân sinh. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ
thuật, vệ sinh môi trường, chất lượng phục vụ cho tàu du lịch thủy nội địa,
thành lập đội tàu du lịch chất lượng cao. Tổ chức, phối hợp đào tạo nguồn nhân
lực, mở các lớp đào tạo thuyền trưởng máy trưởng đáp ứng nhu cầu phát triển của
xã hội.
- Triển khai đồng bộ các biện pháp giảm thiểu tai nạn
giao thông từ khâu thiết kế, xây dựng công trình giao thông, nghiên cứu tổ chức
quản lý giao thông hợp lý đến công tác cấp đăng ký, đăng kiểm phương tiện vận tải
thủy.
2.3. Lĩnh vực hàng hải:
- UBND tỉnh Khánh Hòa nhận bàn giao Cảng Nha Trang
từ Vinalines sớm chuyển đổi công năng của Cảng Nha Trang thành cảng hành khách
và tổ hợp dịch vụ để phát triển dịch vụ du lịch, khai thác trong giai đoạn
2015-2020.
- Tiếp tục thực hiện việc nâng cấp Cảng Ba Ngòi
thành Cảng tổng hợp do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam quản lý, đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhất là
khi cảng Nha Trang chuyển đổi công năng thành cảng hành khách, chuyển chức năng
vận chuyển hàng hóa sang cảng Ba Ngòi.
2.4. Lĩnh vực hàng không:
- Phối hợp Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt
Nam và các đơn vị liên quan từng bước nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế
Cam Ranh theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của
khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; thực hiện đầu tư mở rộng nhà ga hành khách, đường
cất hạ cánh số 2 đạt tiêu chuẩn cấp 4E (theo phân cấp của ICAO) để có thể đón
nhận 2,5 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm, đầu tư trong giai đoạn
2015-2018.
3. Công tác an toàn giao thông:
- Chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chỉ đạo của
chính phủ về giảm thiểu tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí: số vụ, số người
chết, số người bị thương.
- Định kỳ hàng quý, tiến hành kiểm điểm, đánh giá
việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về công tác ATGT và công khai
kết quả thực hiện. Tổ chức Lễ ra quân “Năm An toàn giao thông”; Xây dựng
“Chương trình phối hợp vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao
thông”…
- Tăng cường giải quyết tình trạng lấn chiếm hành
lang an toàn đường bộ, đường sắt và xử lý các điểm đen, khắc phục các đường
ngang đường sắt không an toàn; tăng cường tuần tra kiểm soát trật tự an toàn
giao thông.
- Nâng cao chất lượng đào tạo, cấp giấy phép lái
xe, bằng thuyền trưởng, chất lượng kiểm định phương tiện, tăng cường công tác
tuyên truyền giáo dục về ATGT, đặc biệt nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp
của đội ngũ lái ô tô.
4. Tái cơ cấu các doanh nghiệp:
- Tiếp nhận phần vốn chủ sở hữu nhà nước, tổ chức
quản lý và đầu tư phát triển Cảng Nha Trang thành cảng hành khách phục vụ vận
chuyển khách du lịch trong nước và quốc tế.
- Cổ phần hóa thành công Công ty TNHH một thành
viên Dịch vụ vận tải Khánh Hòa. Giảm tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Quản
lý và xây dựng giao thông Khánh Hòa.
- Ổn định hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh,
năng lực quản lý điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động theo mô
hình dịch vụ hỗ trợ.
- Nâng cao năng lực tài chính, SXKD cho các doanh
nghiệp nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa gặp khó khăn trong hoạt động.
- Chú trọng đầu tư nhằm tăng cường năng lực cạnh
tranh, mở rộng sản xuất kinh doanh, không những đáp ứng nhu cầu hoạt động trước
mắt mà còn có tính chiến lược, chuẩn bị cho các bước phát triển lâu dài về sau.
IV. Giải pháp thực hiện
1. Có chính sách phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển ngành giao thông vận tải và tiến trình hội
nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện rà soát các thủ tục hành chính tại Sở Giao
thông Vận tải, rút ngắn thời gian thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản
lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.
2. Tiếp tục xây dựng các văn bản liên quan đến công
tác quản lý ngành giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Triển khai hiệu
quả Quyết định số 1123/QĐ-UBND ngày 07/5/2014 về cấp bù lãi suất và các cơ chế
hỗ trợ phát triển vận tải hành khách công cộng.
3. Phối hợp các cơ quan chức năng lập kế hoạch di dời
một số kết cấu hạ tầng giao thông ra khỏi khu vực trung tâm nội thành, ưu tiên
bố trí quỹ đất cho bãi đỗ xe công cộng, cho phát triển dịch vụ logistics.
4. Ban hành kịp thời cơ chế, chính sách khuyến
khích phát triển vận tải hành khách công cộng, vận tải đa phương thức, vận tải
hàng hóa khối lượng lớn trên các hành lang chính và vận tải đến các vùng sâu,
vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
5. Điều chỉnh Quy hoạch giao thông vận tải tỉnh
Khánh Hòa giai đoạn năm 2006 đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 để phù hợp với
tình hình thực tế và quy định hiện hành.
6. Thực hiện triển khai Quy hoạch đấu nối vào quốc
lộ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và Quy hoạch chi tiết hệ thống đường gom dọc quốc
lộ nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ các đường nhánh dọc quốc lộ theo
quy hoạch đã phê duyệt.
7. Thực hiện các dự án đầu tư mang tích động lực,
trọng điểm nhằm tiết kiệm nguồn vốn và đầu tư hiệu quả các dự án trên địa bàn tỉnh.
8. Nâng cao công tác thẩm tra, thẩm định các dự án
trên địa bàn tỉnh theo phân cấp. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra chất
lượng trong đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy định, tăng cường
kiểm tra phương tiện quá tải tham gia giao thông.
9. Thực hiện hiệu quả công tác bảo trì đường bộ, đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới, vật liệu mới, nhiên liệu thân
thiện môi trường trong quản lý, khai thác hệ thống Giao thông vận tải.
Triển khai thí điểm việc bán quyền quản lý, khai
thác, thu phí 1 số tuyến đường giao thông nhằm tăng nguồn vốn công tác xây dựng
cơ bản và giảm chi phí công tác bảo trì đường bộ.
10. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ
tầng giao thông, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), lựa chọn
các dự án ưu tiên để thực hiện nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên
cơ sở nghiên cứu lựa chọn mô hình xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh
Khánh Hòa.
Có các chính sách phù hợp để tăng tỷ lệ nguồn vốn đầu
tư ngoài ngân sách trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho Giao thông vận tải.
11. Tập trung chỉ đạo triển khai, hướng dẫn thực hiện
tốt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ GTVT. Phát huy vai trò của
các tổ chức cơ sở Đảng, từ tổ Đảng đến Đảng ủy, phát huy tính tiền phong gương
mẫu của mỗi đảng viên cũng như vai trò của các tổ chức đoàn thể: Công đoàn, phụ
nữ, thanh niên. Chú trọng, tăng cường các mối quan hệ phối hợp công tác với các
cơ quan, đơn vị và địa phương để nâng cao hiệu quả công tác.
V. Tổ chức thực hiện:
1. Sở Giao thông vận tải:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, căn
cứ vào kế hoạch này tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đầu tư phát triển mới
hàng năm; nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông các tuyến đường do tỉnh quản lý.
- Phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các doanh
nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực giao thông vận tải thực hiện đầu tư đổi
mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và hoạt động kinh doanh
đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh.
- Hàng năm tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện,
đề xuất bổ sung các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan
tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn hàng năm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông theo kế hoạch.
- Nghiên cứu cơ chế thu hút vốn đầu tư từ các thành
phần kinh tế ngoài nhà nước và vận dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu
để phân bố vốn cho các địa phương phát triển giao thông nông thôn.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện
nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế các ngành, lĩnh vực của tỉnh, kịp thời đề xuất các
biện pháp giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham
mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ cho phát triển vận tải hành
khách công cộng, vận tải đa phương thức, trợ giá xe buýt, phí trông giữ phương
tiện.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
Căn cứ kế hoạch này kết hợp với các chương trình
kinh tế, chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng
giao thông của địa phương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và
phát triển bền vững giai đoạn đến 2020 tại địa phương.
Trong quá trình triển khai Kế hoạch, nếu có vướng mắc,
đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị phản ảnh về Sở Giao thông vận tải
tổng hợp trình UBND tỉnh giải quyết./.