Quyết định 3159/QĐ-UBND năm 2008 về Đề án đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến 2020

Số hiệu 3159/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/11/2008
Ngày có hiệu lực 24/11/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Huỳnh Đức Hòa
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3159/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 24 tháng 11 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, NÂNG CAO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 20/10/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 507/TTr-SNV ngày 04/11/2008 về việc Ban hành Đề án đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đào tạo, nâng cao và phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và định hướng đến 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

ĐỀ ÁN

ĐÀO TẠO, NÂNG CAO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3159/QĐ-UBND ngày 24 tháng 11 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

I. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Năm 2004, đã quyết định phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực là một trong sáu chương trình trọng tâm của tỉnh. Bên cạnh đó UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2006-2010 và một số chính sách hỗ trợ khác như: trợ cấp đi học và khen thưởng cho cán bộ công chức; hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ cho con em người dân tộc, đào tạo theo chế độ cử tuyển, đào tạo ngoại ngữ, tin học...Thực hiện các quyết định và chính sách trên, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực và đạt được những kết quả: trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý Nhà nước, ngoại ngữ, tin học của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều được nâng lên. Đội ngũ trí thức tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đào tạo nghề có chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần hàng năm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng được đầu tư, nâng cấp.

- Tổng số công chức hành chính 2.238 người. Trong đó trình độ chuyên môn: sau đại học: 1,92%, đại học: 60,50%, cao đẳng: 3,44%, trung cấp: 21,85 %, công chức phục vụ: 12,29%.

- Tổng số viên chức sự nghiệp: 20.408 người. Trong đó trình độ chuyên môn: sau đại học: 1,48%, đại học: 31,51%, cao đẳng: 25,64%, trung học: 34,82%, viên chức phục vụ: 6,55%.

- Tổng số cán bộ chuyên trách cấp xã: 1487 người. Trình độ học vấn: THPT: 59,7%, THCS: 38,94%, tiểu học: 1,36%. Trình độ chuyên môn: cao đẳng, đại học: 6,52%, trung cấp: 26,6%, sơ cấp: 10,2%, chưa đào tạo 56,68 %.

- Tổng số công chức cấp xã: 919 người. Trình độ học vấn: THPT: 77,7%, THCS: 21,9%, tiểu học: 0,4%. Trình độ chuyên môn: cao đẳng, đại học: 6,52%, trung cấp: 45,1%, sơ cấp: 13,27%, chưa đào tạo: 35,11%.

Theo thống kê, đến ngày 01/7/2007 lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh: 633.947 người. Trong đó: lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản: 72,6%, công nghiệp, xây dựng: 9,6%, dịch vụ: 17,8%. Lao động qua đào tạo: 10,3% được đào tạo trình độ từ trung học chuyên nghiệp trở lên, 14% qua đào tạo nghề. Riêng trong các doanh nghiệp thì tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn: 14% có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học; 11,13% có trình độ trung học chuyên nghiệp; 38% được đào tạo nghề; còn lại 36,87% chưa qua đào tạo. Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong những năm qua.

2. Những hạn chế, yếu kém

- Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi.

- Đội ngũ cán bộ, công chức hành chính tuy cơ bản đã được chuẩn hoá nhưng thiếu tính chuyên nghiệp theo yêu cầu tiêu chuẩn, chức danh cần thiết của nền công vụ mới. Nhận thức về lý luận chính trị, về tư tưởng của cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Trình độ ngoại ngữ, tin học của hầu hết đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ công chức, viên chức có trình độ sau đại học còn thấp.

[...]