ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3157/QĐ-UBND
|
Cần Thơ, ngày 13 tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ KINH TẾ
- KỸ THUẬT - CÔNG NGHỆ VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ NHÀ MÁY XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN
NGUY HẠI (Y TẾ VÀ CÔNG NGHIỆP) THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006
của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu
tư;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007
của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12 tháng 12 năm 2008
của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động
đầu tư cho quản lý chất thải rắn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình
số 2697/TTr-SKHĐT-KT ngày 04 tháng 12 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ tiêu chí kinh tế - kỹ thuật - công
nghệ và cơ chế chính sách đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn nguy hại (y tế và
công nghiệp) thành phố Cần Thơ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Y
tế, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận Ô Môn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Thị Hồng Ánh
|
BỘ TIÊU CHÍ
KINH TẾ - KỸ THUẬT - CÔNG NGHỆ VÀ CƠ
CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ NHÀ MÁY XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN NGUY HẠI (Y TẾ VÀ CÔNG
NGHIỆP) THÀNH PHỐ CẦN THƠ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3157/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2012 của
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
I. CÁC TIÊU CHÍ VỀ KINH TẾ - KỸ THUẬT – CÔNG NGHỆ ĐỂ LỰA
CHỌN ĐƠN VỊ ĐẦU TƯ NHÀ MÁY XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN NGUY HẠI (Y TẾ VÀ CÔNG NGHIỆP)
THÀNH PHỐ CẦN THƠ:
1. Địa điểm:
Vị trí: Khu vực Thới Bình, Thới Trinh, phường Phước Thới và
Thới An, quận Ô Môn.
- Cự ly: cách trung tâm thành phố 17 km về hướng Bắc, cặp
đường vào nhà máy nhiệt điện Ô Môn về phía trái đường số 2, cách ngã ba Quốc lộ
91 từ 1000m – 1.500m.
- Hiện trạng đất: Đất nông nghiệp đã giải phóng mặt bằng.
2. Ưu tiên các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư
xây dựng cơ sở xử lý chất thải nguy hại, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái
định cư theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; đồng thời, được hạch toán
vào vốn đầu tư của dự án.
3. Công suất: Từ 10 tấn chất thải rắn nguy hại (y tế và
công nghiệp)/ngày (có khả năng mở rộng tối đa là 20 tấn chất thải rắn nguy hại/ngày).
4. Giải pháp xử lý: Áp dụng công nghệ đảm bảo các yêu cầu
đồng bộ, tiên tiến, xử lý triệt để chất thải, tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo vệ
sinh môi trường xung quanh.
5. Nguồn vốn đầu tư: Vốn tự có, huy động và vay ưu đãi.
6. Quy mô tổng diện tích sử dụng đảm bảo các hoạt động Khu
xử lý chất thải rắn nguy hại (y tế và công nghiệp) công suất 10 tấn/ngày: Nhỏ
hơn 01 ha. Ưu tiên xem xét, lựa chọn sử dụng quy mô đất tiết kiệm, hiệu quả.
(Lưu ý: phải có bản vẽ bố trí tổng mặt bằng xây dựng dự án
cụ thể).
7. Tỷ lệ chôn lấp sau khi đốt còn không quá 3% (ưu tiên xem
xét lựa chọn công nghệ có tỷ lệ chôn lấp thấp nhất). Sau khi đốt, phần chôn lấp
phải đảm bảo thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi
trường của pháp luật Việt Nam.
8. Môi trường: Đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về môi trường theo quy định hiện hành.
9. Phương án công nghệ và chi phí xử lý chất thải rắn:
- Công nghệ đốt đảm bảo xử lý, tiêu hủy triệt để các thành
phần nguy hại (ưu tiên công nghệ Plasma).
- Chi phí xử lý chất thải rắn được thu trực tiếp từ chủ
nguồn thải hoặc thông qua chủ thu gom, vận chuyển (Chi phí thu gom, vận chuyển
rác y tế, bệnh phẩm của các cơ sở y tế về khu xử lý đối với thùng nhựa, cự ly
bình quân 40km là 2.696.070 đồng/tấn rác; chi phí xử lý rác y tế, bệnh phẩm
bằng lò gas là 14.534.884 đồng/tấn rác).
- Ưu tiên xem xét lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện tổ chức
thu gom, vận chuyển theo quy định; đồng thời, có chi phí xử lý và thu gom vận
chuyển hợp lý nhất.
10. Thời gian đầu tư xây dựng nhà máy: Không quá 12 tháng kể
từ khi khởi công xây dựng.
11. Hình thức đầu tư: Vốn tự có, huy động và vay ưu đãi của
nhà đầu tư.
12. Thời gian hoạt động nhà máy không quá 20 năm.
13. Sau khi kết thúc hoạt động của dự án, nhà đầu tư có
trách nhiệm tiến hành phục hồi và cải thiện cảnh quan khu vực, đồng thời có các
biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
14. Nhà đầu tư thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án là
3%/tổng mức đầu tư theo giấy chứng nhận đầu tư, trước mắt tạm tính là 3% trên
tổng mức đầu tư theo khái toán dự án và được nêu trong chủ trương đầu tư.
15. Nhà đầu tư trong quá trình thực hiện và vận hành dự án
nếu vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam và các tiêu chí đã đăng ký, sẽ
bị đóng cửa và thu hồi dự án; đồng thời, không được bồi thường chi phí đã đầu
tư vào dự án.
16. Nhà đầu tư cung cấp đầy đủ các hồ sơ đăng ký kinh doanh
về lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn y tế nguy hại; hồ sơ
chứng minh năng lực kinh nghiệm và tài chính đảm bảo thực hiện dự án. Ưu tiên
xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có chứng nhận công nghệ của cơ quan chức năng theo
quy định và đã, đang quản lý vận hành thực tế.
II. CÁC CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ:
Nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn
tại thành phố Cần Thơ được hưởng các chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị
định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất
thải rắn và Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ
về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động môi trường, Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12
tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính
đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn và những hỗ trợ của thành
phố Cần Thơ, cụ thể như sau:
1. Điều kiện hưởng cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính:
- Đơn vị xin đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn phải tuân
thủ theo quy định tại phần I Bộ tiêu chí này.
- Ngoài ra, đơn vị xin đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất
thải rắn phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:
+ Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư xây
dựng cơ sở xử lý chất thải nguy hại.
+ Có dự án đầu tư xây dựng toàn bộ hoặc từng hạng mục công
trình cơ sở xử lý chất thải nguy hại phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa
phương và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng,
bảo vệ môi trường.
2. Chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với cơ sở xử lý
chất thải rắn nguy hại: đối với tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy xử lý
chất thải rắn nguy hại đáp ứng được đầy đủ các điều kiện hướng dẫn tại Mục 1
Phần II Bộ tiêu chí này.
a) Ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí giải
phóng mặt bằng
- Được Nhà nước giao đất đã giải phóng mặt bằng (đất sạch)
để đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn trả (nộp vào ngân sách thành phố) chi
phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với phần đất sạch được giao.
- Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
b) Hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi:
Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn
nguy hại được hỗ trợ về tín dụng theo các hình thức vay đầu tư, hỗ trợ lãi
suất vay đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư từ ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ
bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương (nếu có)
khi có đủ điều kiện đối với từng hình thức hỗ trợ. Việc hỗ trợ đầu tư thực hiện
theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định của tổ chức cho vay.
c) Ưu đãi về thuế: Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt
Nam về thuế.
d) Ngoài ra, nhà đầu tư được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư
tại Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân
thành phố Cần Thơ về việc ban hành Quy định về hỗ trợ đầu tư trên địa bàn thành
phố Cần Thơ.
PHỤ LỤC:
CÁC THÔNG SỐ, YÊU CẦU VỀ TIÊU CHÍ
CÔNG NGHỆ
(Nhà đầu tư lập bảng giải pháp theo
mẫu này)
STT
|
Tiêu chí
|
Nội dung
|
1
|
Loại hình công nghệ xử lý
|
- Công nghệ xử lý tổng hợp và phải đảm bảo các yêu cầu như
đồng bộ, tiên tiến, xử lý triệt để chất thải, tiết kiệm quỹ đất và đảm bảo
các yếu tố về mặt môi trường theo quy định pháp luật;
- Nhà đầu tư phải trình bày rõ công nghệ do mình đề xuất
đã được áp dụng thành công ở đâu (trong hoặc ngoài nước) và có các hồ sơ
chứng minh;
- Được thực hiện thẩm tra công nghệ đạt yêu cầu.
|
2
|
Tỷ lệ chôn lấp
|
- Nhỏ hơn 3%;
- Ưu tiên xem xét lựa chọn công nghệ có tỷ lệ chôn lấp
thấp nhất.
|
3
|
Công suất
|
- Từ 10 tấn chất thải rắn nguy hại (y tế và công
nghiệp)/ngày trở lên (có khả năng mở rộng tối đa khoảng 20 tấn/ngày);
- Ưu tiên xem xét các phương án công nghệ có khả năng mở
rộng, nâng công suất khi cần thiết;
- Liệt kê rõ tính năng động của công suất (thấp nhất, cao
nhất, trung bình).
|
4
|
Chi phí xử lý
|
- Do nhà đầu tư đề xuất trên cơ sở tổng chi phí đầu tư của
dự án, thời gian thu hồi vốn và có lãi;
- Ưu tiên xem xét lựa chọn nhà đầu tư có chi phí xử lý và
thu gom vận chuyển hợp lý nhất.
|
5
|
Mức độ tiên tiến của dây chuyền công nghệ
|
- Có ứng dụng kỹ thuật số và ít nhất 1/3 tính theo giá trị
các thiết bị tự động điều khiển theo chương trình;
- Không có các khâu lao động thủ công nặng nhọc;
- Mức độ tiêu thụ điện, nước và các loại nguyên, nhiên
liệu khác của công nghệ.
|
6
|
Tính hợp lý của công nghệ
|
- Công nghệ xử lý phải phù hợp với điều kiện của khu vực
triển khai dự án và của thành phố Cần Thơ;
- Có các giải pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố và các giải
pháp thay thế khi xảy ra sự cố trong quá trình hoạt động.
|
7
|
Nguyên, nhiên, vật liệu, phụ liệu cho sản xuất
|
- Chủng loại, khối lượng, giá trị tính trên 1 tấn chất
thải nguy hại (y tế và công nghiệp) cần xử lý;
- Nguồn cung cấp:
+ Sử dụng nguyên liệu tại địa phương;
+ Nguyên vật liệu trong nước.
+ Nhập ngoại: nhiên liệu, phụ liệu phải thực sự cần thiết.
|
8
|
Trang thiết bị
|
- Tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ;
+ Danh mục các thiết bị của dự án đầu tư phải thể hiện các
công đoạn trong dây chuyền công nghệ;
+ Đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng các sản phẩm;
- Ký mã hiệu, các đặc tính, tính năng kỹ thuật;
- Xuất xứ của thiết bị;
- Công xuất thiết bị;
- Năm chế tạo thiết bị;
- Tình trạng của thiết bị (mới hoặc cũ);
- Thời gian bảo hành;
- Phương thức mua sắm, tập kết, lắp đặt và vận hành thử
các trang thiết bị trong dây chuyền công nghệ.
|
9
|
Môi trường
|
- Đảm bảo xử lý toàn bộ các loại chất thải phát sinh và
đảm bảo điều kiện môi trường xung quanh đạt các tiêu chuẩn môi trường, quy
chuẩn kỹ thuật môi trường của Việt Nam (hoặc của các nước tiên tiến trong
trường hợp Việt Nam chưa có quy định).
- Nếu làm ảnh hưởng môi trường trong quá trình thực hiện
và vận hành sẽ bị đóng cửa và thu hồi dự án, đồng thời không được bồi thường
chi phí đã đầu tư vào dự án.
|
10
|
Sản phẩm của dự án
|
- Liệt kê các sản phẩm hữu dụng phù hợp với nhu cầu kinh
tế xã hội và môi trường của dự án;
- Khả năng tạo nguồn thu từ các sản phẩm này.
|
11
|
Hiệu quả kinh tế - Xã hội và môi trường
|
- Khả năng tạo năng lực sản xuất mới, ngành nghề mới, sản
phẩm mới;
- Khả năng mở rộng thị trường;
- Tạo việc làm cho người lao động;
- Đóng góp ngân sách cho Nhà nước;
- Và các lợi ích kinh tế xã hội môi trường khác.
|