Nghị định 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường

Số hiệu 04/2009/NĐ-CP
Ngày ban hành 14/01/2009
Ngày có hiệu lực 28/02/2009
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Tài nguyên - Môi trường

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 04/2009/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2009

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ ƯU ĐÃI, HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí đối với hoạt động bảo vệ môi trường; trợ giá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường và các ưu đãi, hỗ trợ khác đối với hoạt động và sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Các ưu đãi, hỗ trợ không quy định trong Nghị định này thực hiện theo các quy định của pháp luật khác liên quan.

3. Nghị định này không áp dụng đối với hoạt động bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của chủ đầu tư theo quy định của pháp luật; hoạt động bảo vệ môi trường được thực hiện bằng nguồn kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; cơ quan quản lý nhà nước các lĩnh vực liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

2. Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư mới; dự án đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ trong việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường; dự án đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường và cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời (sau đây gọi chung là Dự án đầu tư hoạt động bảo vệ môi trường).

3. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Xử lý chất thải là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật làm giảm, loại bỏ, tiêu hủy các thành phần có hại hoặc không có ích trong chất thải; thu hồi, tái chế, tái sử dụng lại các thành phần có ích trong chất thải.

2. Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là việc sản xuất năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt.

3. Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm mà trong quá trình khai thác nguyên liệu, sản xuất, tồn tại, sử dụng và sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại và được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận.

4. Sản phẩm thay thế nguyên liệu tự nhiên có lợi cho môi trường là sản phẩm do con người tạo ra có khả năng thay thế cho các nguyên liệu tự nhiên mà trong quá trình tồn tại, sử dụng hoặc sau khi thải bỏ gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm được thay thế.

5. Công nghệ thân thiện với môi trường là công nghệ được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và tiêu dùng mà trong quá trình hoạt động, sử dụng gây hại ít hơn cho môi trường so với công nghệ tương tự và sản phẩm được tạo ra từ công nghệ đó là sản phẩm thân thiện với môi trường.

6. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời là cơ sở Danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

7. Cơ sở xử lý chất thải là cơ sở vật chất bao gồm đất đai, nhà xưởng, dây chuyền công nghệ, trang thiết bị và các công trình phụ trợ sử dụng cho hoạt động xử lý chất thải được bố trí phân tán tại các vị trí thích hợp.

8. Cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung là tổ hợp của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt hoặc công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt liên hoàn và các hạng mục công trình phụ trợ được bố trí tập trung tại một địa điểm theo quy hoạch.

9. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung là tổ hợp của một hoặc nhiều hạng mục công trình xử lý nước thải sinh hoạt có công suất thiết kế đạt từ 2.500 m3 nước thải sinh hoạt trở lên trong một ngày đêm hoặc xử lý nước thải cho 5.000 hộ gia đình trở lên đối với khu vực đô thị hoặc có quy mô xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cho một điểm dân cư đối với khu vực nông thôn.

10. Hệ thống kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp làng nghề bao gồm khu thu gom, xử lý nước thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại.

11. Doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động bảo vệ môi trường là doanh nghiệp, hợp tác xã, thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại phần A và phần B của Danh mục hoạt động, sản phẩm từ hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ ban hành kèm theo Nghị định này.

[...]