Quyết định 3136/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá

Số hiệu 3136/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/09/2014
Ngày có hiệu lực 25/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Ngọc Hồi
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3136/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 25 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CÁC ĐIỂM DU LỊCH LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 3327/QĐ-UBND ngày 09 tháng 10 năm 2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;

Xét đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 1008/TTr-SCT ngày 06 tháng 9 năm 2014 về việc phê duyệt Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển các điểm du lịch làng nghề kết hợp hài hòa nhiều quy mô, nhiều loại hình tổ chức và hình thức sở hữu.

- Phát triển du lịch làng nghề gắn với hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa truyền thống của địa phương.

- Ưu tiên phát triển và xây dựng hình ảnh của làng nghề, của sản phẩm làng nghề gắn liền với bản sắc văn hóa của xứ Thanh trong mối quan hệ bền vững với phát triển du lịch.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng, hình thành các khu, điểm du lịch làng nghề; từng bước khai thác các sản phẩm đặc trưng của du lịch làng nghề nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của tỉnh; kết hợp quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử gắn với các thương hiệu, sản phẩm truyền thống của địa phương, đưa du lịch làng nghề trở thành điểm nhấn, là sản phẩm du lịch đặc sắc của du lịch tỉnh Thanh Hóa.

- Phát triển du lịch làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động vùng nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của các địa phương và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020, toàn tỉnh có 15 làng nghề trở thành điểm du lịch; thu hút 57.000 lượt khách du lịch quốc tế, chiếm khoảng 20 - 25% tổng lượt khách du lịch quốc tế và 1,3 - 1,5 triệu lượt khách nội địa, chiếm khoảng 15 - 17% tổng số khách du lịch nội địa. Tổng số cơ sở sản xuất của 15 làng nghề là 3.274 cơ sở, trong đó có từ 65 - 70 là doanh nghiệp, hợp tác xã; tạo việc làm cho 12.400 lao động; Tổng doanh thu đạt 670 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt trên 5 triệu USD.

Toàn tỉnh có 04 Khu trưng bày - Giới thiệu sản phẩm các làng nghề, trong đó 02 Khu trưng bày tại thành phố Thanh Hóa và 02 Khu trưng bày tại thị xã Sầm Sơn.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Quy hoạch các làng nghề thành điểm du lịch

a) Lựa chọn 15 làng nghề để đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch làng nghề trong năm 2015, từng bước hoàn chỉnh các làng nghề du lịch giai đoạn 2016 - 2020, gồm:

1 - Làng nghề Bánh gai Tứ Trụ - xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân.

2 - Làng nghề Sản xuất chiếu cói Cụm công nghiệp liên xã - thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn.

3 - Làng nghề Đúc đồng - xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.

4 - Làng nghề Dệt thổ cẩm - xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy.

[...]