Quyết định 884/QĐ-UBND.HC năm 2014 phê duyệt Dự án: “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu, cụm và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”

Số hiệu 884/QĐ-UBND.HC
Ngày ban hành 11/09/2014
Ngày có hiệu lực 11/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 884/QĐ-UBND.HC

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN: “ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC KHU, CỤM VÀ LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010 về việc hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường;

Căn cứ Quyết định số 748/QĐ-UBND.HC ngày 29 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc phê duyệt Đề cương dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”;

Xét Tờ trình số 509/TTr-STNMT ngày 06 tháng 9 năm 2014 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu, cụm và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020” (kèm theo Báo cáo), với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu, cụm và làng nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020”

2. Địa điểm thực hiện dự án: trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

3. Mục tiêu:

Ngăn chặn gia tăng ô nhiễm, giảm thiểu nguồn thải, cải thiện chất lượng môi trường của các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề nhằm đảm bảo cho người lao động trong các KCN, CCN và làng nghề và nhân dân vùng xung quanh được sống và làm việc trong môi trường có chất lượng tốt. Đồng thời, hướng đến xây dựng, chuyển đổi các KCN, CCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh sang mô hình KCN sinh thái, làng nghề du lịch sinh thái thân thiện với môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cụ thể:

3.1. Mục tiêu đến 2015:

- 100% lượng rác thải công nghiệp tại các KCN, CCN đều được thu gom và xử lý, đặc biệt là chất thải nguy hại.

- Ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường tại các khu vực sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

- Phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất thuộc nhóm B, C như tái chế nhựa, nhuộm, giết mổ gia súc… và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoạt động trong các làng nghề được thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ sở phải lập kế hoạch khắc phục xử lý ô nhiễm.

- Quản lý chặt chẽ việc công nhận làng nghề gắn với các điều kiện về bảo vệ môi trường; hoàn thành việc rà soát lại danh mục làng nghề đã được công nhận, bảo đảm 100% làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường; hoàn thành việc phân loại các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

- Cơ bản hoàn thiện các công cụ chính sách, pháp luật cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường làng nghề, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho làng nghề truyền thống.

- Phân công, phân cấp cụ thể về trách nhiệm quản lý làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề giữa các Sở, ngành và chính quyền địa phương để triển khai, phối hợp đồng bộ, hiệu quả.

- Quản lý thống nhất từ tỉnh đến địa phương thông tin về số lượng và hiện trạng sản xuất, hiện trạng môi trường các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống; đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng môi trường tại các làng nghề hiện đang ô nhiễm, công khai danh sách các làng nghề ô nhiễm môi trường.

3.2. Mục tiêu đến 2020:

- Các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong KCN, CCN và làng nghề đều được tiếp cận khái niệm sản xuất sạch hơn và từng bước thay đổi công nghệ, áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn nhằm hạn chế tối thiểu lượng chất thải phát sinh.

- 100% các KCN, CCN tập trung đi vào hoạt động hoàn thành hạ tầng về bảo vệ môi trường và xử lý chất thải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định

- Công khai và cập nhật thường xuyên danh sách, thông tin về thực trạng các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống trên phạm vi toàn tỉnh.

- Quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.

- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các công cụ chính sách, pháp luật đặc thù cho công tác bảo vệ môi trường cho làng nghề và chính sách, pháp luật về phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường.

- Triển khai thường xuyên, liên tục các công cụ quản lý môi trường làng nghề, đặc biệt là công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề chưa được công nhận.

[...]