Quyết định 3089/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050

Số hiệu 3089/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/09/2023
Ngày có hiệu lực 27/09/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Lê Hồng Vinh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3089/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 27 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH NGHỆ AN THỜI KỲ 2021-2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;

Căn cứ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017; Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 09/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị Quyết số 10/NQ-TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22/7/2022 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông tư số 13/2017/TT-BXD ngày 08/12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3011/TTr-SXD ngày 28/8/2023 và Công văn số 3227/SXD-KT&VLXD ngày 12/9/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Chiến lược), với những nội dung như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 phải phù hợp với Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan.

- Khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng gắn với phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; đảm bảo an ninh, quốc phòng; đảm bảo hài hòa lợi ích của tỉnh, người dân và doanh nghiệp.

- Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành công nghiệp VLXD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt các dự án đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại của nhà đầu tư nước ngoài; chú trọng đầu tư phát triển một số chủng loại VLXD có chất lượng và giá trị kinh tế cao.

- Phân bố đồng đều mạng lưới cơ sở khai thác, sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh, phù hợp với nguyên vật liệu hiện có của từng địa phương, đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu; phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến phù hợp với quy mô và chủng loại khoáng sản; khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiên phân bố vào các khu, cụm công nghiệp.

- Khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm VLXD đảm bảo cân đối cung - cầu trên cơ sở đáp ứng nhu cầu khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.

- Đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất VLXD có quy mô công suất vừa và lớn, công nghệ tiên tiến hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng, nhiên liệu, năng suất lao động cao, sản phẩm đạt chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước; đầu tư phát triển VLXD trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu của thị trường và các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch được duyệt.

[...]