Quyết định 2994/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015

Số hiệu 2994/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/08/2013
Ngày có hiệu lực 26/08/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đình Xứng
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2994/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 26 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM CHỢ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định 1228/QĐ-TTg ngày 7/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh ATTP giai đoạn 2012-2015;

Căn cứ Công văn số 4513/BCT-TTTN ngày 28/5/2012 của Bộ Công thương về việc xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1088/TTr-SCT ngày 27/5/2013 về việc đề nghị ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Kế hoạch xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Xứng

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM CHỢ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2994/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

I. THỰC TRẠNG AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH

Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo và đã có những chuyển biến đáng kể theo chiều hướng tích cực từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Tuy nhiên, việc đảm bảo ATTP còn nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, cụ thể:

- Trong khâu sản xuất: Phần lớn các tổ chức và cá nhân sản xuất thực phẩm chưa tuân thủ quy trình, các quy định về giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh,… dẫn đến chất lượng nông sản thực phẩm sản xuất ra chưa đảm bảo yêu cầu về ATTP, ảnh hưởng đến sự an toàn của người tiêu dùng.

- Trong khâu lưu thông: Trên địa bàn tỉnh hiện có 440 chợ, bao gồm 9 chợ hạng 1; 33 chợ hạng 2 và 398 chợ hạng 3, với khoảng 17.000 thương nhân có điểm bán cố định và kinh doanh thường xuyên hàng thực phẩm trong chợ, chưa kể đến số lượng lớn các hộ kinh doanh không thường xuyên; bình quân 1,44 xã, phường, thị trấn và tương đương khoảng 7.900 người dân/1 chợ. Ngoài ra, còn có hơn 85 chợ cóc, chủ yếu kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống với sự tham gia của hàng nghìn người bán hàng rong. Tuy nhiên, đa số các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại các chợ chưa được tập huấn kiến thức ATTP, chưa thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Qua khảo sát, thống kê cho thấy lượng thực phẩm tiêu thụ qua chợ hiện chiếm khoảng 70% tổng thực phẩm tiêu dùng của xã hội nhưng đa phần các chợ chưa được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị cần thiết đảm bảo ATTP khi kinh doanh; các hộ kinh doanh thực phẩm tại các chợ chưa quan tâm đến vấn đề ATTP; khu giết mổ gia cầm và khu bán hàng thực phẩm bố trí chưa phù hợp, không đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, văn minh thương mại,…

- Trong khâu tiêu dùng: Phần lớn người tiêu dùng nhận thức được tác hại của thực phẩm không đảm bảo an toàn đối với con người; một bộ phận người dân đã có ý thức cảnh giác khi mua thực phẩm bày bán trong các chợ nhưng chưa có cơ sở để nhận biết thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn; đa số người tiêu dùng biết nguy cơ không đảm bảo an toàn của thực phẩm bán tại chợ nhưng vẫn mua dùng do thói quen hoặc do không có điều kiện để mua những thực phẩm an toàn giá cao.

Công tác quản lý nhà nước về ATTP ngày càng được tăng cường song vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập từ khâu ban hành quy định, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến khâu tổ chức, triển khai thực hiện; các văn bản hiện nay chưa quy định đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chính trong quản lý nhà nước về ATTP mà đang quy định riêng đối với từng cấp, từng ngành dẫn đến công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan trong kiểm tra, kiểm soát ATTP thiếu chặt chẽ, có lúc, có nơi còn buông lỏng, người tiêu dùng thiếu thông tin về chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập về ATTP nêu trên, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng, việc ban hành Kế hoạch xây dựng các chợ ATTP trên địa bàn toàn tỉnh để triển khai thực hiện là thực sự cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU XÂY DỰNG CHỢ ATTP

1. Quan điểm

- Xây dựng chợ đảm bảo ATTP là triển khai tổng hợp các giải pháp, các quy định của pháp luật về quản lý thương mại, quản lý ATTP để xây dựng phương thức kinh doanh mới trên nền chợ truyền thống; là hình thức tổ chức lại hoạt động thương mại trong chợ theo hướng hàng hóa nông sản, thực phẩm có xuất xứ, được chứng nhận sản phẩm đảm bảo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), có quy trình chế biến đảm bảo quy định về ATTP, trên cơ sở hoàn chỉnh nội quy, quy định quản lý kinh doanh trong chợ, đào tạo, tập huấn cho thương nhân, đầu tư sắp xếp, nâng cấp quầy sạp, hệ thống cấp thoát nước.

- Chợ đảm bảo ATTP là mô hình liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, thực phẩm, trong đó tiêu thụ là khâu quyết định, thông qua quản lý chặt chẽ chất lượng khâu tiêu thụ để quản lý quy trình sản xuất, đảm bảo cung ứng sản phẩm bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP đến người tiêu dùng.

- Xây dựng chợ đảm bảo ATTP phải gắn với công tác chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh, khai thác chợ; đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài cho thương nhân, đơn vị quản lý khai thác chợ, người tiêu dùng và phải có lộ trình thích hợp.

[...]