Chỉ thị 26/2014/CT-UBND tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 26/2014/CT-UBND
Ngày ban hành 17/09/2014
Ngày có hiệu lực 27/09/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2014/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 9 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP NHẰM ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” giai đoạn 2011 đến 2015 tại Công văn số 1325/TTg-KGVX ngày 04 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ.

Hiện nay, bộ máy tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Thành phố đang được kiện toàn, thực hiện phân công, phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan bước đầu phát huy hiệu quả; thường xuyên triển khai công tác lấy mẫu giám sát, thanh tra, kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy nhiều sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn nhằm ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng các mô hình quản lý an toàn thực phẩm phù hợp với thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh; nhận thức về an toàn thực phẩm c ủa nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đã có nhiều chuyển biến trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; số vụ ngộ độc thực phẩm giảm, trung bình hàng năm giảm 28%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: một số nguồn nông sản, thực phẩm nhập vào Thành phố tiêu thụ chưa kiểm soát được nguồn gốc; việc kinh doanh và sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép, hoặc trong danh mục nhưng vượt quá hàm lượng cho phép vẫn còn xảy ra; nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; việc kiểm soát, xử lý thức ăn đường phố còn nhiều khó khăn; ngộ độc thực phẩm tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra; ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, nhà quản lý tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng trên là:

Nhận thức và ý thức trách nhiệm của người sản xuất - chế biến - kinh doanh chưa cao, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, nhiều cơ sở chỉ vì lợi nhuận nên sử dụng các chất phụ gia ngoài danh mục cho phép, không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tổ chức hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn chưa hoàn thiện, tuyến quận, huyện thiếu nhân sự, tuyến phường, xã, thị trấn chưa có cán bộ chuyên trách. Một số nơi cán bộ còn yếu về chuyên môn do công tác đào tạo chưa kịp thời.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực thi Luật An toàn thực phẩm chưa đầy đủ, còn chồng chéo; việc triển khai các giải pháp quản lý chưa quyết liệt và đồng bộ.

Thực phẩm không an toàn vẫn còn lưu thông vào Thành phố với nhiều hình thức khó kiểm soát.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Y tế

a) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện các quy hoạch tổng thể về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

b) Đầu mối hoạt động truyền thông, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm cho người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm trên các phương tiện truyền thông.

c) Kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng quy chế phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

d) Xây dựng kế hoạch chi tiết trình Ủy ban nhân dân Thành phố về bộ máy nhân sự theo Quyết định số 1865/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (về an toàn thực phẩm).

đ) Chủ trì phối hợp các Sở, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm các ngành khác ; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với nông sản, thực phẩm không đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật.

e) Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; đầu mối triển khai Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo “Chuỗi thực phẩm an toàn” tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 đến 2015.

g) Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp trong việc triển khai hệ thống tự kiểm tra tại các bếp ăn tập thể.

h) Tăng cường công tác lấy mẫu giám sát để có những thông tin cảnh báo, chấn chỉnh kịp thời về an toàn thực phẩm.

i) Thiết lập và vận hành hệ thống giám sát, cảnh báo, phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định.

k) Đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ, cơ chế quản lý cho các cơ sở sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng đến thức ăn đường phố; xây dựng tiêu chí về an toàn thực phẩm trong việc công nhận khu phố văn hóa, xã nông thôn mới, gia đình văn hóa; tham mưu cho Ủy ban nhân ahân Thành phố về việc bố trí ngân sách, nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn.

l) Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ đối với các bếp ăn tập thể, các cơ sở thực hiện hệ thống quản lý chất lượng; các cơ sở đầu tư cung cấp suất ăn tại các khu chế xuất, khu công nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2015 mỗi khu chế xuất, khu công nghiệp phải có 01 (một) cơ sở cung cấp suất ăn đạt chuẩn tại chỗ.

m) Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức vận động 100% cơ sở có bếp ăn tập thể trên địa bàn quản lý cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai hoạt động truyền thông thuộc lĩnh vực liên ngành và đẩy mạnh hoạt động truyền thông chuyên ngành trong lĩnh vực được phân công quản lý.

b) Xây dựng kế hoạch chi tiết trình Ủy ban nhân dân Thành phố về bộ máy nhân sự theo phân cấp; tổ chức huấn luyện, đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.

c) Quản lý chặt chẽ về điều kiện sản xuất, nuôi trồng, khai thác nông lâm thủy sản. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Tiếp tục triển khai Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

[...]