Quyết định 299-BCNNg-TV năm 1963 về việc ban hành chính thức quy tắc hạch toán và quản lý giá thành sản phẩm trong xí nghiệp công nghiệp nặng do Bộ trưởng Bộ công nghiệp nặng ban hành

Số hiệu 299-BCNNg-TV
Ngày ban hành 27/03/1963
Ngày có hiệu lực 27/03/1963
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công nghiệp nặng
Người ký Vũ Anh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán

BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

 

Số: 299-BCNNg-TV

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH THỨC BẢN QUY TẮC HẠCH TOÁN VÀ QUẢN LÝ GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TRONG CÁC XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP NẶNG

Căn cứ nghị định số 43-CP ngày 16-9-1960 của Hội đồng Chính phủ về việc lập và hạch toán giá thành;
Căn cứ vào các điều 7, 29, 42 Điều lệ tổ chức kế toán của Nhà nước;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ kế toán tài vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành chính thức bản quy tắc hạch toán và quản lý giá thành sản phẩm trong các xí nghiệp công nghiệp nặng kèm theo quyết định này.

Điều 2. – Các xí nghiệp phải coi việc đấu tranh hạ giá thành sản phẩm là nghĩa vụ và là việc làm thường xuyên của toàn thể công nhân, viên chức trong xí nghiệp và phải tìm mọi biện pháp tích cực hoàn thành nhiệm vụ hạ thấp giá thành sản phẩm theo quy định của Bộ.

Điều 3. – Các ông Giám đốc các xí nghiệp có trách nhiệm tạo mọi điều kiện dễ dàng cho kế toán trưởng thi hành đúng đắn bản quy tắc thống nhất về hạch toán và quản lý giá thành, đồng thời thi hành chế độ thưởng phạt đối với các bộ môn trong xí nghiệp trong việc thi hành quyết định này.

Điều 4. – Các ông Vụ trưởng Vụ kế toán, tài vụ, Vụ Kế hoạch, các ông Giám đốc các Cục quản lý, các ông Giám đốc và kế toán trưởng các xí nghiệp chiếu theo quyết định thi hành kể từ ngày ban hành.

 

 

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Anh

 

QUY TẮC

HẠCH TOÁN VÀ QUẢN LÝ GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TRONG XÍ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP NẶNG

Phần 1:

TÁC DỤNG CỦA VIỆC HẠ THẤP GIÁ THÀNH SẢN PHẨM

Điều 1. – Giá thành sản phẩm là một bộ phận chi phí sản xuất của xã hội biểu hiện dưới hình thức tiền tệ bao gồm các chi phí nguyên, nhiên, vật liệu, nhân công, hao mòn máy móc thiết bị, chi phí phân xưởng và quản lý phí xí nghiệp v.v…trong việc làm ra sản phẩm.

Điều 2. – Mọi hoạt động kinh tế từ nhỏ đến lớn trong xí nghiệp đều trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh qua giá thành sản phẩm. Việc sử dụng nhân công được phản ánh qua tiền lương; việc sử dụng thiết bị máy móc được phản ánh qua tiền khấu hao và tiền sửa chữa thiết bị máy móc; việc sử dụng kỹ thuật được phản ánh qua chi phí vật tư; việc tổ chức và quản lý sản xuất được phản ánh qua chi phí về quản lý, phí xí nghiệp…Cho nên việc phân tích giá thành sản phẩm là một công cụ sắc bén để giám đốc thúc đẩy sản xuất phát triển, chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Điều 3. – Không ngừng hạ thấp giá thành sản phẩm có một ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Số tiền tiết kiệm được do hạ giá thành là nguồn tích lũy rất lớn cho ngân sách. Hạ thấp giá thành sản phẩm tạo điều kiện để Nhà nước thực hiện từng bước và có kế hoạch chủ trương giảm giá hàng nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân lao động. Hạ giá thành các sản phẩm cung cấp cho nông nghiệp tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và góp phần nâng cao mức sống của nông dân, do đó củng cố cơ sở phát triển của công nghiệp và củng cố khối công nông liên minh.

Ngoài ra hạ thấp giá thành sản phẩm còn có tác dụng thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh và tăng cường sự lãnh đạo của khu vực kinh tế quốc doanh.

Phần 2:

BIỆN PHÁP KHÔNG NGỪNG HẠ THẤP GIÁ THÀNH SẢN PHẨM

Điều 4. – Kết cấu giá thành sản phẩm công nghiệp nặng:

1. Chi phí về nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ của các xí nghiệp chế tạo máy móc và luyện kim chiếm 62% của các xí nghiệp vật liệu xây dựng chiếm 46% của các xí nghiệp khai khoáng phân bón chiếm 26%, của các xí nghiệp than chiếm 25% giá thành sản phẩm.

2. Chi phí về nhiên liệu và động lực của các xí nghiệp vật liệu xây dựng chiếm 26% của các xí nghiệp hóa chất chiếm 28%, của các xí nghiệp chế tạo máy móc chiếm 16% của các xí nghiệp than chiếm 10%, của các xí nghiệp phân bón và khai khoáng chiếm 7% giá thành sản phẩm.

3. Chi phí về lương và phụ cấp lương của các xí nghiệp than chiếm 25% của các xí nghiệp khai khoáng phân bón chiếm 19% của các xí nghiệp chế tạo máy móc chiếm 9% của các xí nghiệp vật liệu xây dựng chiếm 4% giá thành sản phẩm.

4. Số chi phí về kinh phí phân xưởng và quản lý phí xí nghiệp của các xí nghiệp chiếm một tỷ lệ lớn: xí nghiệp khai khoáng, phân bón chiếm 36%, xí nghiệp than chiếm 34%, xí nghiệp chế tạo máy chiếm 28%, xí nghiệp vật liệu xây dựng chiếm 22%.

Căn cứ vào tỷ trọng các loại chi phí trong cấu tạo giá thành sản phẩm, phương hướng hạ thấp giá thành sản phẩm của các xí nghiệp như sau:

[...]