BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 296/QĐ-LĐTBXH
|
Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2018
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THỰC
HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 98/NQ-CP NGÀY 03/10/2017 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH
HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 03/6/2017 CỦA HỘI
NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày
03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư
nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP
ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày
03/10/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành
động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị
lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư
nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch
- Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kế hoạch hành động của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của
Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số
10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Kế hoạch kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài
chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành
quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Các Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Cổng TTĐT Bộ
LĐTB&XH;
- Lưu: VT, Vụ KHTC.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Ngọc Dung
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 98/NQ-CP NGÀY 03/10/2017 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY
03/6/2017 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII VỀ
PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ
TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 296/QĐ-LĐTBXH ngày 21/3/2018 của Bộ trưởng Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội)
Thực hiện Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày
03/10/2017 Chính phủ về ban hành chương trình hành động của
Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017
của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 Khóa XII về phát triển
kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch
hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết của Chính phủ với những nội dung chủ yếu
như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt và triển khai thực hiện
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ
năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở
thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ đến các cơ quan,
đơn vị thuộc Bộ.
2. Phân công, giao nhiệm vụ cụ thể
cho các đơn vị thuộc Bộ trong việc nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện chính sách
liên quan đến lao động, việc làm, an sinh xã hội đối với các doanh nghiệp tư
nhân để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày
03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
3. Rà soát các thủ tục hành chính, điều
kiện kinh doanh liên quan đến các lĩnh vực của ngành để đề xuất sửa đổi, bổ
sung hoặc bãi bỏ những thủ tục, điều kiện gây cản trở cho doanh nghiệp tư nhân
theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân đầu
tư, kinh doanh.
4. Cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải
pháp nhằm đẩy mạnh phát triển và thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân vào
các lĩnh của ngành như: Giáo dục nghề nghiệp; dịch vụ việc làm; quan hệ lao động;
an toàn lao động; trợ giúp xã hội; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống tệ nạn
xã hội.
5. Nâng cao trách nhiệm, vai trò lãnh
đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, Thủ trưởng đơn vị trong việc
lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết hội nghị
Trung ương 5 khóa XII.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI
PHÁP
1. Thống nhất
nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc
Bộ tổ chức nghiên cứu, học tập và tuyên truyền, phổ biến quan điểm chỉ đạo của
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị Ban Chấp hành
Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế
tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng
xã hội chủ nghĩa; quán triệt tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh
nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu
tư, kinh doanh; đồng thời, ngăn chặn mọi biểu hiện thao túng chính sách để trục
lợi bất chính.
2. Hoàn thiện
cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán, tạo lập môi trường đầu tư an toàn, ít rủi
ro nhằm thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân cạnh
tranh lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường:
2.1. Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan:
Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến
năm 2020 và Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 về tiếp tục thực hiện
những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.
2.2. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách
hành chính, nghiêm túc thực hiện Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn
2016-2020; ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính hằng năm;
thực hiện việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính để thực thi các giải pháp,
sáng kiến đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động, người có
công và xã hội.
2.3. Các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực
hiện đồng bộ, hiệu quả: Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ
ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số
05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình
tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh
tranh của nền kinh tế và Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 của Quốc hội
về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 63/NQ-CP
ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành chương trình hành động
thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
2016 - 2020.
2.4. Cục Quan hệ lao động và Tiền lương,
Cục Việc làm, Vụ Bảo hiểm xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan:
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp
luật về lao động, tiền lương, quan hệ lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội trên
cơ sở bảo đảm các nguyên tắc của thị trường; đồng thời nâng cao vai trò, hiệu lực,
hiệu quả quản lý của nhà nước; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động nhằm xây dựng quan hệ
lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, tạo điều kiện huy động
và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển đất nước; bảo đảm sự bình
đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân với các loại hình khác, góp phần khuyến khích
thành lập doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi
sang mô hình doanh nghiệp tư nhân để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất
- kinh doanh.
2.5. Cục Bảo trợ xã hội chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan:
Có giải pháp, chính sách khuyến khích,
thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng nhà nước trong thực hiện các chính
sách an sinh xã hội; đầu tư phát triển các cơ sở trợ giúp
xã hội, nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng yếu thế của ngành; đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực
trợ giúp xã hội.
2.6. Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội
chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế đầy
đủ và bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản
và bảo đảm thực thi minh bạch, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở cai
nghiện dân lập, doanh nghiệp tư nhân tham gia công tác cai nghiện ma túy.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp
khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân theo Nghị định
số 93/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của
Luật Phòng, chống mua bán người.
2.7. Trung tâm Thông tin chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan:
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
trong hoạt động của Bộ; xây dựng, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
đối với các thủ tục hành chính về lao động, người có công và xã hội theo Nghị
quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử và các Quyết định giao
nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ hằng năm; thuê doanh nghiệp thực hiện cung cấp
hoặc thực hiện một số khâu trong thủ tục cung cấp dịch vụ công.
3. Bãi bỏ các
rào cản, điều kiện kinh doanh không cần thiết:
3.1. Các đơn vị có liên quan tiến
hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các điều kiện kinh doanh các
lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các quy định hiện
hành khác. Phấn đấu bãi bỏ từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh và các thủ tục
hành chính trong lĩnh vực của ngành đang gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp. Cụ
thể theo từng lĩnh vực như sau:
a) Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thực
hiện rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
b) Cục Việc làm thực hiện rà soát các
điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ việc làm.
c) Cục Quản lý lao động ngoài nước thực
hiện rà soát trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước
ngoài theo hợp đồng.
d) Cục An toàn lao động thực hiện rà
soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ
sinh lao động.
e) Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thực
hiện rà soát các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cai nghiện, phục hồi
chức năng cho người nghiện ma túy.
3.2. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan:
- Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện đối
thoại định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời
giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp liên quan đến các chính sách
pháp luật về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
- Tổ chức triển khai thực hiện cơ chế
một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ.
4. Hỗ trợ doanh
nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn
nhân lực, năng suất lao động
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan:
- Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải
pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân
lực. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và các
tổ chức dịch vụ việc làm; huy động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; mở rộng
thực hiện cơ chế dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp
với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung
để hoàn thiện chính sách ưu đãi doanh nghiệp tự đào tạo nghề cho người lao động
và hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích tư nhân đầu tư cho
giáo dục nghề nghiệp, thành lập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
- Nghiên cứu,
đưa nội dung khởi nghiệp sáng tạo vào chương trình giảng dạy; thành lập các
trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng Đề
án gắn kết nội dung quản lý kinh doanh, thương mại quốc tế vào chương trình
trung học phổ thông và dạy nghề, theo hướng bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh
nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản lý, quản trị hiện đại, đạo đức
kinh doanh và tinh thần trách nhiệm với quốc gia, dân tộc
5. Nâng cao hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với
các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành
pháp luật về lao động - việc làm; an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện chính
sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo...,
bảo hiểm thất nghiệp; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài... Chú trọng công
tác hướng dẫn, khuyến nghị doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Thực hiện công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến
nghị, quyết định xử lý về thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố
cáo.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Thủ trưởng các đơn vị căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch của Bộ để xây dựng,
ban hành kế hoạch của đơn vị và tổ chức
thực hiện; trong đó, phải cụ thể bằng các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp, lộ
trình, đề án triển khai thực hiện và phân công trách nhiệm
cụ thể. Định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính,
Văn phòng Bộ) trước ngày 05/12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo quy
định.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì,
phối hợp với Văn phòng Bộ theo dõi, đôn đốc tình hình tiến độ và kết quả thực
hiện kế hoạch; tổng hợp, báo cáo Bộ tình hình và kết quả thực hiện.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện
Kế hoạch, nếu thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ cụ thể, các đơn vị
chủ động đề xuất, báo cáo Bộ (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) xem xét, quyết định./.