Công văn 2547/BKHĐT-QLKTTW năm 2022 về xin ý kiến dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Số hiệu 2547/BKHĐT-QLKTTW
Ngày ban hành 18/04/2022
Ngày có hiệu lực 18/04/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Người ký Trần Quốc Phương
Lĩnh vực Doanh nghiệp

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2547/BKHĐT-QLKTTW
V/v xin ý kiến dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Tài chính; Tư pháp; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Tờ trình và Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng đề nghị quý Cơ quan nghiên cứu, có ý kiến góp ý về dự thảo Tờ trình, Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ (gửi kèm) trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý và gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội; email: luyennt@mpi.gov.vn; ĐT: 08043455) trước ngày 05 tháng 05 năm 2022, để kịp hoàn thiện trình Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để p/h);
- Các đơn vị: các Cục: PTDN, Đ
KKD;
các Vụ: PC, TCTT, KTDV, KHGDTNMT;
Quỹ DNNVV; NIC (để góp ý);
- Lưu: VT, QLKTTW

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Quốc Phương

 

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /TTr-BKHĐT

Hà Nội, ngày  tháng  năm 2022

 

DỰ THẢO

 

 

TỜ TRÌNH

V/V XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 3/6/2017 CỦA HỘI NGHỊ LẦN THỨ NĂM BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG KHÓA XII VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN TRỞ THÀNH MỘT ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Kính gửi: Chính phủ

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (sau đây gọi tắt là Dự thảo Chương trình hành động).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình xây dựng và nội dung chính của Dự thảo Chương trình hành động như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 16/2021/QH15 ngày 27 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

- Nghị quyết số 31/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

- Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026.

- Nghị quyết số 01/2022/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

2. Căn cứ thực tiễn

a) Kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 10) giai đoạn 2017-2021:

Sau khi Nghị quyết 10 được Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thông qua, ngày 03/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong giai đoạn 2017-2021, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao[1] và mang lại nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát kiểm soát, từ đó tạo lập môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Hàng ngàn quy định không phù hợp được bãi bỏ, sửa đổi, đơn giản hóa; chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện đáng kể. Công tác xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã tập trung vào giải pháp cụ thể góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Cải cách hành chính được triển khai quyết liệt. Các bộ, ngành đã tích cực rà soát và kiến nghị Chính phủ ban hành, sửa đổi, bãi bỏ quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện giảm đáng kể. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm hoặc đơn giản hóa, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Việc tổ chức gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp được duy trì. Đặc biệt, giai đoạn đại dịch Covid-19, người đứng đầu Chính phủ, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã liên tục đối thoại để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp,... Theo đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân, niềm tin của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước đã được cải thiện đáng kể.

Cũng trong giai đoạn này, phát triển kinh tế tư nhân cũng đạt những kết quả tích cực. Số lượng và quy mô kinh tế tư nhân đã tăng đáng kể[2]. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cải thiện, đặc biệt những doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, quản trị tốt[3]. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, liên kết, tham gia chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu. Kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội[4], tạo diện mạo, vị thế mới trên trường quốc tế[5]. Kinh tế tư nhân cũng đóng góp lớn trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và thực hiện các hoạt động an sinh, xã hội[6].

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tăng nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020[7], mật độ doanh nghiệp so với dân số thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới; quy mô của các chủ thể kinh tế tư nhân chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ và phần lớn hoạt động phi chính thức. Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp tư nhân thấp[8]; năng lực công nghệ không cao[9]; tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp tư nhân khá yếu[10]. Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự phát triển bền vững, sức chống chịu hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng mạnh[11]. Ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp tư nhân chưa thật sự đa dạng, chưa gắn liền với các ngành sản xuất, dịch vụ có nhiều giá trị gia tăng. Vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân cho phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế, chưa phản ánh đúng tiềm năng. Đóng góp của kinh tế tư nhân vào GDP chưa đạt mục tiêu đề ra và phần lớn đóng góp đến từ khu vực hộ kinh doanh (khoảng 30%), đóng góp của khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10%.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ