Quyết định 290/QĐ-UB năm 1984 quy định tạm thời về tổ chức hợp tác kinh doanh trong ngành thương nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 290/QĐ-UB
Ngày ban hành 08/11/1984
Ngày có hiệu lực 08/11/1984
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Võ Danh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 290/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 11 năm 1984

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC HỢP TÁC KINH DOANH TRONG NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH

- Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-06-1983 ;
- Căn cứ văn bản số 127/V15-M của Hội đồng Bộ trưởng về công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường ;
- Theo đề nghị của đồng chí Trưởng Ban cải tạo thương nghiệp tư doanh thành phố, đồng chí Giám đốc Sở Thương nghiệp và đồng chí Trưởng Ban Quản lý thị trường thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về tổ chức hợp tác kinh doanh trong ngành thương nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2 : Các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quân huyện, căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.

Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4 : Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Võ Danh

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ HỢP TÁC KINH DOANH TRONG CÁC NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 290/QĐ-UB ngày 08-11-1984 của Ủy ban Nhân dân thành phố).

Để thực hiện tốt chủ trương về kế hoạch cải tạo, xây dựng, quản lý các ngành kinh doanh thương nghiệp của thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố tạm thời qui định về việc tổ chức, hoạt động và quản lý đối với các cửa hàng hợp tác kinh doanh trong các ngành thương nghiệp như sau:

I-NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Cửa hàng hợp tác kinh doanh thương nghiệp gồm một bên là Công ty Thương nghiệp quốc doanh hoặc Công ty Thương nghiệp hợp tác xã cấp thành phố hoặc cấp quận, huyện với một bên là chủ tư nhân (vựa, chành, cửa hàng hoặc sạp) chuyên mua buôn bán buôn, có quy mô kinh doanh lớn và vừa, có tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh.

Các hợp tác xã mua bán và các đơn vị kinh doanh thương nghiệp ở cấp phường, xã không được thực hiện hợp tác kinh doanh dưới bật kỳ hình thức nào.

Điều 2: Cửa hàng hợp tác kinh doanh thương nghiệp là đơn vị hạch toán định mức từng phần trực thuộc Công ty Thương nghiệp quốc doanh hoặc Công ty Thương nghiệp hợp tác xã cấp thành phố hoặc cấp quận huyện. Cửa hàng được Nhà nước bảo trợ; hoạt động theo sự hướng dẫn của đơi vị chủ quản, phải chấp hành đầy đủ các chế độ hiện hành theo quy định của Nhà nước (Tài chánh, Thuế, Ngân hàng, Giá, Quản lý thị trường,…)

Điều 3: Đối tượng thực hiện hợp tác kinh doanh trong các ngành thương nghiệp là các hộ chuyên mua buôn bán buôn, có quy mô kinh doanh với mức thuế doanh nghiệp loại A và loại B (xấp xỉ A); có tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh.

Trước mắt tập trung cho các ngành thiết yếu cho sán xuất và đời sống sau đây:

1. Kinh doanh lương thực (gạo, bột mì bao gồm cả mặt hàng chế biến).

2. Kinh doanh nông sản thực phẩm thiết yếu: thịt heo, trâu, bò và gia cầm; chất đốt; rau quả; cá.

3. Kinh doanh công nghệ phẩm chủ yếu: vải và quần áo may sẵn, các sản phẩm dệt kim; đồ nhôm chính phẩm; đồ nhựa chính phẩm; giấy; thuỷ tinh; cao su; nylon; xe đạp và phụ tùng; da và giả da.

4. Thu mua phế liệu phế thải.

Đối với các ngành hàng khác sẽ được xem xét và có quyết định sau.

Điều 4: Người chủ tư nhân và những người lao động chính trong gia đình trước đây trực tiếp tham gia kinh doanh nay được tiếp tục lao động và phát huy tay nghề kỹ thuật trong cửa hàng hợp tác hợp tác kinh doanh. Trường hợp người cổ đông tư nhân không thể trực tiếp lao động được nữa, thì vẫn được hưởng một phần tiền chia lời căn cứ vào số vốn lưu động đã góp vào Cửa hàng hợp tác kinh doanh.

Điều 5: Tất cả mọi lao động làm công tại cửa hàng kinh doanh của tư nhân trước đây đều đựơc giữ nguyên để phục vụ trong cửa hàng hợp tác kinh doanh; được đảm bảo mức thu nhâp như cũ; được khuyến khích phát huy tay nghề, phát huy khả năng mở rộng kinh doanh bằng các chế độ khoán việc hoặc chế độ khen thưởng thỏa đáng; được hưởng chế độ phúc lợi tập thể và các chế độ khác theo quy định.

[...]