ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
29/2019/QĐ-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày
16 tháng 7 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH
PHÚC
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC
Căn cứ Luật tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật
Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ
Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ
Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số /TTr-SGDĐT ngày tháng năm 2019; văn bản thẩm
định số 74/BC-STP ngày 04 tháng 5 năm 2019 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 7 năm 2019 và thay thế Quyết định số 50/2012/QĐ-UBND
ngày 05 tháng 12 năm 2012 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quy định về quản lý
dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Chánh Văn
phòng UBND tỉnh; thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Bộ GD&ĐT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQVN và các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- CPVP;
- Báo VP, Đài PT-TH tỉnh;
- TT công báo tỉnh, cổng TT-GT điện tử tỉnh;
- Như Điều 2;
- Lưu: VT, VX2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Trì
|
QUY ĐỊNH
VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2019 của
UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Văn bản
này quy định chi tiết về dạy thêm, học thêm có thu tiền bao gồm: Thu, quản lý
và sử dụng tiền học thêm; Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm,
học thêm; Trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; Thanh tra, kiểm tra
và xử lý vi phạm.
2. Các nội dung khác về hoạt động
dạy thêm, học thêm thực hiện theo quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày
16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết tắt là Thông tư
17/2012/TT-BGDĐT).
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
1. Văn bản này áp dụng đối với
người dạy thêm, người học thêm và các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy
thêm, học thêm hoặc có liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Việc phụ đạo cho những học
sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường,
không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm.
Điều 3.
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
Thực hiện theo Điều 3 Thông tư
17/2012/TT-BGDĐT:
1. Hoạt động dạy thêm, học thêm
phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học
sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng học quá nhiều
vượt quá sức tiếp thu của người học.
2. Không cắt giảm nội dung
trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không
dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
3. Đối tượng học thêm là học
sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được
dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
4. Không tổ chức lớp dạy thêm,
học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học
thêm phải có học lực tương đương nhau.
5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt
động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin
phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Điều 4. Các
trường hợp không được dạy thêm
Thực hiện theo Điều 4 Thông tư
17/2012/TT-BGDĐT:
1. Không dạy thêm đối với học
sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao,
rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh.
2. Không dạy thêm đối với học
sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
3. Cơ sở giáo dục đại học, cao
đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học
thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
4. Đối với giáo viên đang hưởng
lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm,
học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
b) Không được dạy thêm ngoài
nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự
cho phép bằng văn bản của Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Thu
và quản lý tiền học thêm
1. Đối với dạy thêm, học thêm
trong nhà trường
a) Mức thu
Mức thu tiền học thêm do phụ
huynh học sinh và nhà trường thỏa thuận nhưng không vượt quá mức quy định dưới
đây:
- Đối với học sinh học chương
trình THCS: 18.000đ (3 tiết học, 135 phút)/1 học sinh.
- Đối với học sinh học chương
trình THPT: 25.000đ/1 buổi (3 tiết học, 135 phút)/1 học sinh.
- Các lớp học Tin học được thu
thêm tiền điện, với mức thu không quá 5.000đ/1 máy/1 buổi.
b)
Mức chi: Tối thiểu 70% chi cho giáo viên trực
tiếp giảng dạy; tối đa 15% chi cho công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà
trường (bao gồm công tác chủ nhiệm, quản lý, phục vụ, bảo vệ, trông xe và các
nhiệm vụ liên quan); chi tiền điện, nước văn phòng phẩm, vệ sinh, sửa chữa cơ sở
vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước
khác (nếu có) theo quy định. Phần chênh lệch còn lại (nếu có) thực hiện trích
nguồn cải cách tiền lương, bổ sung các loại quỹ theo quy định của pháp luật.
c)
Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông
qua bộ phận tài vụ của nhà trường theo quy định hiện hành.
2. Đối
với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Thực
hiện theo Điều 7 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT:
a) Mức
thu tiền học thêm theo thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh với tổ chức, cá nhân
tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
b) Tổ
chức, cá nhân tổ chức chức dạy thêm, học thêm thực hiện các quy định hiện hành
về quản lý tài chính đối với tiền học thêm.
Điều 6. Thẩm quyền cấp giấy phép; gia hạn, thu hồi giấy phép;
đình chỉ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm
Thực
hiện theo Điều 11, Điều 14 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT:
1. Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép, gia hạn, thu hồi giấy phép, đình chỉ tổ
chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc ủy quyền cho Giám đốc Sở Giáo dục và Đào
tạo cấp giấy phép, gia hạn, thu hồi giấy phép, đình chỉ tổ chức hoạt động dạy
thêm, học thêm đối với tổ chức, cá nhân hoạt động dạy thêm, học thêm có nội
dung thuộc chương trình trung học phổ thông hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng
có chương trình cao nhất là chương trình trung học phổ thông.
2. Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố cấp giấy phép, gia hạn, thu hồi giấy
phép, đình chỉ tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm hoặc ủy quyền cho Trưởng
phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện đối với tổ chức, cá nhân hoạt động dạy
thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình trung học cơ sở hoặc thuộc nhiều
chương trình nhưng có chương trình cao nhất là chương trình trung học cơ sở.
Điều 7. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt
động dạy thêm, học thêm
Hồ
sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm được
thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Chương III
TRÁCH NHIỆM
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Là
cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn
vị liên quan triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và chịu trách nhiệm
trước Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn
tỉnh.
2. Cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép, đình chỉ tổ chức
hoạt động dạy thêm, học thêm nếu được ủy quyền theo quy định.
3.
Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện; tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan,
ban, ngành liên quan phổ biến, thanh tra, kiểm tra về chương trình, nội dung dạy
thêm, học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ
quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Tổng
hợp kết quả quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục
và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Quản
lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
2. Cấp giấy phép, gia hạn, thu hồi giấy phép, đình chỉ tổ
chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định hoặc ủy quyền cho Trưởng phòng
Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
3. Chỉ
đạo việc thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn để phát
hiện các sai phạm, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử
lý.
4. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có
trách nhiệm xác nhận vào hồ sơ xin cấp hoặc gia hạn giấy phép tổ chức hoạt động
dạy thêm, học thêm cho các tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại
Điều 8, Điều 9, Điều 10 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
Điều 10. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Là
cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển
khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân
dân cấp huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm
trên địa bàn.
2. Cấp giấy phép, gia hạn, thu hồi giấy phép, đình chỉ tổ
chức hoạt động dạy thêm, học thêm nếu được ủy quyền theo quy định.
3.
Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện; tổ chức hoặc phối hợp với các cơ
quan, ban, ngành liên quan phổ biến, thanh tra, kiểm tra về nội dung dạy thêm,
học thêm; phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có
thẩm quyền xử lý vi phạm.
4. Tổng
hợp kết quả quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở
Giáo dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu.
Điều 11. Trách nhiệm của Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở
giáo dục
1. Thực
hiện các quy định tại Điều 19 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT.
2.
Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học
thêm cho giáo viên thuộc đơn vị mình quản lý. Có trách nhiệm xử lý các trường hợp
giáo viên vi phạm theo quy định hiện hành.
3. Tổng
hợp kết quả quản lý dạy thêm, học thêm báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo
dục và Đào tạo khi kết thúc năm học hoặc theo yêu cầu.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động
dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
Thực
hiện theo Điều 20 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT và phải báo cáo bằng văn bản xin
xác nhận của đơn vị cấp phép dạy thêm, học thêm ngay khi thay đổi hoặc mở thêm
địa điểm, thay đổi giáo viên, thay đổi người tổ chức.
Điều 13. Thanh tra, kiểm tra
1. Hoạt
động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục,
của các cơ quan thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan, của
chính quyền các cấp theo quy định hiện hành.
2. Sở
Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố trong việc hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt
động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Điều 14. Xử lý vi phạm
1. Cơ
sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo
tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định số
138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực giáo dục.
2.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước
quản lý vi phạm về quy định dạy thêm, học thêm thì bị xử kỷ luật theo quy định.
3. Cơ
sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy
thêm, học thêm dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội thì bị xử
lý theo các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình
sự theo quy định của pháp luật./.