Quyết định 29/2011/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 29/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/09/2011
Ngày có hiệu lực 06/10/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2011/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 26 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN VÀ SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 20/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/7/2011 của Tỉnh ủy Kon Tum về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực;

Căn cứ Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 05/8/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum về xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 45/2010/QĐ-UBND, ngày 24/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh giai đoạn 2011 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1489/TTr- SKHĐT ngày 09/9/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, với một số nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

- Giai đoạn 2011-2015:

+ Xây dựng, phát triển 5 ngành, nhóm ngành: (1) trồng cây lâu năm; (2) trồng rừng và chăm sóc rừng; (3) công nghiệp chế biến nông lâm sản([1]); (4) sản xuất sản phẩm từ khoáng sản([2]); (5) sản xuất, truyền tải và phân phối điện trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

+ Xây dựng, phát triển 9 sản phẩm: (1) cà phê, (2) cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su, (3) sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn, (4) sâm Ngọc Linh, (5) rau hoa xứ lạnh, (6) thủy sản nước ngọt([3]), (7) bột giấy và giấy, (8) gạch ngói, (9) điện([4]) trở thành các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2015: Diện tích cao su đạt 70 ngàn ha, sản lượng trên 50 ngàn tấn; cà phê đạt 12 ngàn ha, sản lượng trên 25 ngàn tấn; sắn 25 ngàn ha, sản lượng trên 340 ngàn tấn; sâm Ngọc Linh 500 ha (trong đó diện tích thu hoạch năm 2015 khoảng 100 ha) sản lượng trên 40 tấn; rau hoa xứ lạnh 500 ha (trong đó hoa xứ lạnh khoảng 100 ha), sản lượng trên 6.750 tấn; sản lượng cá Tầm, cá Hồi đạt khoảng 500 tấn. Chế biến 6 ngàn tấn cà phê bột; 100 ngàn tấn tinh bột sắn; 100 triệu lít cồn sinh học; 100 ngàn sản phẩm sản xuất từ cao su([5]); 130 ngàn tấn bột giấy và giấy; 120 triệu viên gạch tuynen; 30 triệu viên gạch không nung; 1 tỷ kwh điện([6]). Tổng giá trị gia tăng các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2015 chiếm khoảng 30-35% tổng sản phẩm trong tỉnh.

- Giai đoạn 2016-2020:

Xây dựng, phát triển thêm ngành Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch (du lịch sinh thái) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm Du lịch sinh thái Măng Đen trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2020: Sản lượng cao su đạt 90-95 ngàn tấn; cà phê 25-30 ngàn tấn; sắn 20 ngàn ha, sản lượng trên 400 ngàn tấn; diện tích sâm Ngọc Linh 1.000 ha (trong đó diện tích thu hoạch năm 2020 khoảng 300 ha), sản lượng đạt trên 150 tấn; rau hoa xứ lạnh 2.000 ha (trong đó hoa xứ lạnh 500 ha), sản lượng đạt 45 ngàn tấn; sản lượng cá Tầm, cá Hồi đạt 1.000 tấn. Chế biến 10 ngàn tấn cà phê bột; 3 ngàn tấn cà phê hòa tan; 136 ngàn tấn tinh bột sắn, 140 triệu lít cồn sinh học; 3 triệu sản phẩm sản xuất từ cao su([7]); 200 ngàn tấn bột giấy và giấy; 500-600 triệu viên gạch (tuynen và không nung); 2,2 tỷ kwh điện([8]); trên 200 ngàn lượt khách du lịch đến Măng Đen. Tổng giá trị gia tăng các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực đến năm 2020 chiếm khoảng 40-45% tổng sản phẩm trong tỉnh.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

2.1. Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch:

Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kon Tum đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẩn trương xây dựng quy hoạch và rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến (cao su, cà phê, sắn, rừng nguyên liệu giấy, rau hoa xứ lạnh và các loại cây dược liệu), quy hoạch chế biến nông-lâm-thủy sản trên địa bàn tỉnh, quy hoạch vật liệu xây dựng đến năm 2020, quy hoạch các công trình, dự án thủy điện vừa và nhỏ, quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực đến năm 2020 (đối với các sản phẩm chưa có quy hoạch)...; Loại bỏ khỏi danh mục dự án đầu tư đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, các dự án đầu tư khác có tác động tiêu cực tới môi trường, chiếm diện tích đất sản xuất lớn, hiệu quả đầu tư thấp.

2.2. Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến:

- Quản lý chặt quỹ đất đã quy hoạch phát triển đối với từng loại cây trồng. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được giao, thuê diện tích đất chưa sử dụng và liên kết với các hộ dân chuyển đổi một phần diện tích đất cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cao su; đồng thời thực hiện có hiệu quả, đúng pháp luật việc chuyển rừng nghèo kiệt và đất lâm nghiệp sang trồng cao su. Khẩn trương nghiên cứu trồng thử nghiệm giống cao su xứ lạnh ở địa bàn đất dốc thuộc vùng Đông Trường Sơn để nhân rộng sau năm 2015. Hoàn thành việc sắp xếp các nông, lâm trường theo chủ trương của Trung ương, trên cơ sở đó tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, quan tâm bố trí đất sản xuất cho nhân dân.

- Hỗ trợ nhân dân cải tạo, thay thế các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng giống cà phê mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống sâu bệnh.

- Tiếp tục triển khai các dự án trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, chủ yếu bằng hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và nhân dân. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc di thực, nuôi cấy mô để trồng rộng rãi ở môi trường phù hợp.

- Ổn định diện tích trồng sắn đi đôi với tăng cường sử dụng giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất; khuyến khích hợp tác đầu tư phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu tại các tỉnh giáp biên của Lào và Cămpuchia nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và các cơ sở chế biến cồn sinh học, xăng sinh học trên địa bàn. Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển cây Jatropha phục vụ chế biến nhiên liệu sinh học.

- Đẩy mạnh trồng rừng trên toàn bộ diện tích đất chưa có rừng theo quy hoạch, gắn với việc xây dựng và thực hiện chính sách nâng cao thu nhập từ rừng cho nhân dân. Quy hoạch và phấn đấu phát triển thêm khoảng 100 ngàn ha rừng nguyên liệu giấy đến năm 2020. Nghiên cứu chủ trương điều tiết diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng rừng giàu và rừng trung bình để đưa vào khai thác theo tiêu chí quản lý rừng bền vững với sản lượng khoảng 30.000 m3 gỗ tròn/năm.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ