Quyết định 1638/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012-2015

Số hiệu 1638/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/08/2012
Ngày có hiệu lực 17/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trương Tấn Thiệu
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1638/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 17 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CHỦ LỰC TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2012-2015.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5//2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 443/QĐ-BCT ngày 18/01/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 2819/QĐ-UBND ngày 20/12/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình đánh giá xác định các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước tham gia hội nhập WTO giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 729/TTr-SCT ngày 22/6/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012-2015”.

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao các nội dung của Chương trình đã đề ra, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Công Thương; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Tài chính; Văn hóa, thể thao & Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch; Ban Quản lý Khu kinh tế; Cục Thuế; Cục Hải quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2012-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1638/QĐ-UBND ngày 17/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM CHỦ LỰC CỦA TỈNH GIAI ĐOẠN 2012-2015

I. THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU CÁC SẢN PHẨM CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2006-2010, NĂM 2011

1. Thuận lợi:

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu của tỉnh góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 01/6/2004 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hóa đến năm 2005 và năm 2010. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn đạt mức khá, giá trị kim ngạch xuất khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước; thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng, nhiều sản phẩm lợi thế được khẳng định rõ hơn.

Một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu đã quan tâm tới đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO, HACCP… nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và năng lực xuất khẩu; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, sản phẩm chế biến sâu làm thay đổi đáng kể chuỗi giá trị sản phẩm.

2. Khó khăn:

Tình hình sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh chưa thật sự ổn định, còn tiềm ẩn nhiều khó khăn do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu ngày càng cao của thị trường nhập khẩu, chưa đủ sức đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chủ yếu nhờ tăng giá xuất khẩu nên thiếu vững chắc và chưa có sự đột phá.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa chưa thật sự bền vững, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp, chưa phong phú và đang còn tập trung xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên luôn bị động trong điều chỉnh giá xuất khẩu hoặc bị đối tác ép giá.

[...]