Nghị quyết 170/2014/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Long An đến năm 2020

Số hiệu 170/2014/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2014
Ngày có hiệu lực 21/12/2014
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Đặng Văn Xướng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/2014/NQ-HĐND

Long An, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ THÔNG QUA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Hợp tác xã ngày 20/11/2012;

Căn cứ Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã;

Căn cứ Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác;

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn,

Sau khi xem xét Tờ trình số 4186/TTr-UBND ngày 27/11/2014 của UBND tỉnh về thông qua đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Long An đến năm 2020, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất Đề án phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh Long An đến năm 2020 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của Đại biểu HĐND tỉnh, thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND để điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh đề án và thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh trước khi tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao Thường trực, các Ban và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa VIII, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 11 tháng 12 năm 2014.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- UB Thường vụ QH (b/c);
- Chính phủ (b/c);
- VP.QH, VP.CP (TP.HCM) (b/c);
- TT.TU (b/c);
- UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu QH đơn vị tỉnh Long An;
- Đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII;
- Các sở ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT.HĐND, UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VP.UBND tỉnh;
- LĐ và CV VP. Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Đặng Văn Xướng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 170/2014/NQ-HĐND ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An)

Phần I:

MỞ ĐẦU

I. Sự cần thiết phải xây dựng đề án

Hội nghị lần thứ 5 ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy Long An ban hành Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 01/7/2002 về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt”, “Kinh tế tập thể mà cơ bản là các tổ hợp tác (THT) hợp tác xã (HTX) chính là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội”.

Hiệu quả hoạt động của các mô hình THT, HTX ngày càng được nâng lên, có nhiều mô hình THT, HTX đa ngành nghề, làm tốt công tác phục vụ kinh tế thành viên, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho HTX và thành viên. Cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh thời gian qua góp phần thúc đẩy sự phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện tại hiệu quả và vai trò của kinh tế tập thể vẫn chưa được phát huy, quy mô còn quá nhỏ (năm 2013 tổng sản phẩm chỉ đạt 60,3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,13% GDP của tỉnh); chất lượng hoạt động chưa thoát khỏi tình trạng yếu kém, số lượng thành lập mới HTX, THT thấp; đa số THT hoạt động theo thời vụ, thiếu sự liên kết; một số HTX không tích lũy vốn để sản xuất nên sau một thời gian hoạt động không còn hiệu quả. Trình độ học vấn, trình độ quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh còn yếu nên khả năng xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi không cao, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng tiếp nhận khoa học công nghệ còn hạn chế. Cán bộ kế toán và sổ sách ghi chép hạch toán trong các HTX phần đông còn yếu và thiếu công khai minh bạch; vốn điều lệ ít và thành viên góp không đủ; chế độ thông tin báo cáo của HTX, THT cho các ngành, các cấp chưa đầy đủ, kịp thời, không thường xuyên từ đó hạn chế rất lớn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ cho HTX. Việc lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp chính quyền chưa đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển.

Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế quốc dân, nhằm phát huy sức mạnh liên kết, hợp tác của kinh tế hộ, để tiếp tục củng cố, phát triển kinh tế tập thể, trong đó HTX là nòng cốt cần thiết phải xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể đến năm 2020, trong đó tập trung các chính sách hỗ trợ phát triển, tạo tiền đề phát triển cao trong giai đoạn tiếp theo.

II. Cơ sở xây dựng đề án

[...]