CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 46-NQ/TW NGÀY 23/02/2005 CỦA BỘ
CHÍNH TRỊ VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TRONG TÌNH
HÌNH MỚI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2006/QĐ-UBND ngày 07/9/2006 của Ủy ban
nhân dân tỉnh).
Căn cứ Nghị quyết số:
46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số: 24-NQ/TU ngày
23/8/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số: 243/2005/QĐ-TTg ngày
05/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động của Chính
phủ thực hiện Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác
bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Xuất phát từ tình hình thực
tế của tỉnh, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới với các nội dung trọng
tâm sau:
I/ MỤC
TIÊU.
1. Mục tiêu chung:
Phấn đấu để mọi người dân được
hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng
các dịch vụ y tế có chất lượng. Mọi người đầu được sống trong cộng đồng an
toàn, phát triển tốt thể chất và tinh thần. Giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong,
nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng
cao chất lượng cuộc sống.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến
năm 2010:
- Khống chế các bệnh truyền
nhiễm gây dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh: Không để dịch xảy ra, phát hiện sớm,
điều trị kịp thời các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra dịch, khống chế để
không xảy ra dịch tả, dịch hạch; giảm tỷ lệ mắc các bệnh dịch: Viêm não virut,
Cúm A (H5N1), sốt xuất huyết, sốt rét, thương hàn v.v... Duy trì kết quả tiêm
chủng mở rộng 7 loại văcxin cho trẻ em dưới 1 tuổi đầy đủ ở mức cao 95%, tỷ lệ
phụ nữ có thai tiêm đầy đủ 2 mũi uốn ván từ 90% trở lên, phấn đấu đạt mục tiêu
loại trừ uốn ván sơ sinh và khống chế bệnh sởi.
- Thực hiện an toàn truyền
máu ở tất cả các bệnh viện trong toàn tỉnh, đảm bảo 100% túi máu truyền được
sàng lọc vi rut HIV. Thực hiện quản lý, giám sát người nhiễm HIV ở 100% huyện,
thị xã, thành phố.
- Giảm tỷ lệ mắc sốt
rét/1000 dân số xuống còn 4,0 (hiện nay 5,3/1000 dân).
- Khống chế tỷ lệ lưu hành bệnh
phong xuống dưới 0,2/10.000, khống chế tỷ lệ mắc và chết do lao giảm 50% so với
năm 2005.
- Giảm tỷ lệ trẻ em SĐ dưới
5 tuổi xuống dưới 25% (hiện nay 33,4%).
- Không ngừng nâng cao chất
lượng khám chữa bệnh.
- Phát triển bảo hiểm 80% dân
số của tỉnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, thực hiện đạt
chỉ tiêu giường bệnh viện 19,5/10.000 dân vào năm 2010 (hiện nay: 15,5),
trong đó giường bệnh tư nhân chiếm 5-7%.
- Phấn đấu đạt được tỷ lệ
bác sĩ/10.000 dân là 5.6 (hiện nay: 3.7/10.000 dân), số cán bộ y tế
trung bình 6 nhân viên y tế/trạm y tế (hiện nay: 3,8 nhân viên/trạm y tế),
tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ là 60% (hiện nay 30%), tỷ lệ trạm y tế xã
có nữ hộ sinh trung học là 100% (hiện nay là 83%), 30% số xã đạt chuẩn quốc
gia y tế xã, 100 thôn làng có nhân viên y tế thôn bản hoạt động được đào tạo cơ
bản.
II/ NHIỆM
VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRONG CÔNG TÁC BẢO VỆ CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN ĐẾN
2010
Triển khai tốt Nghị quyết:
46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày
23/8/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe nhân dân trong tình hình mới.
1. Các
nhiệm vụ:
a. Xây dựng và phát triển
mạng lưới y tế cơ sở.
Thực hiện phát triển mạng lưới
y tế cơ sở: thành lập Phòng y tế, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, TTYT dự phòng
huyện theo Thông tư: 11/2005/TTLB-BYT-BNV ngày 12/04/2005 Liên bộ Y tế - Nội vụ
và quyết định Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời khẩn trương hoàn thành việc xây dựng
quy chế về mối quan hệ phối hợp hoạt động của các đơn vị này, về sự lãnh đạo,
chỉ đạo của ngành và của chính quyền địa phương trong hoạt động của các đơn vị
y tế các cấp.
Củng cố và hoàn thiện mạng
lưới y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế, nâng cao
chất lượng dịch vụ y tế cấp cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của
toàn dân, đồng thời thực hiện được một số kỹ thuật đơn giản trong khám, điều trị
một số bệnh chuyên khoa về mắt, răng, tai mũi họng, sức khỏe sinh sản và sức khỏe
trẻ em. Xây dựng và phát triển hệ thống y tế tỉnh theo hướng tăng cường công
tác xã hội hóa, trong đó y tế công lập đóng vai trò chủ đạo, đủ khả năng giải
quyết cơ bản nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, bảo đảm sự
công bằng và hiệu quả trong khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, dự phòng và
nâng cao sức khỏe. Tăng cường công tác quân dân y kết hợp trong công tác bảo vệ
và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đầu tư phát triển mạng lưới
y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh,
nhằm làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật gây ra.
Phát triển mạng lưới khám chữa
bệnh theo cụm dân cư không phân biệt địa giới hành chính; các đơn vị chuyên môn
y tế ở địa phương được quản lý theo ngành, bảo đảm cho mọi người tiếp cận một
cách thuận lợi với các dịch vụ khám chữa bệnh tại các tuyến.
- Phấn đấu đến năm 2010,
100% trạm y tế có cơ sở vật chất kiên cố, 60% trạm y tế có bác sĩ, 100% trạm y
tế có Nữ hộ sinh trung học. Bảo đảm tối thiểu có 5 cán bộ y tế theo chức danh
do Bộ y tế quy định cho 01 trạm y tế xã, trung bình mỗi cán bộ y tế phục vụ từ
1000 đến 1200 dân. Ở Thành phố Pleiku, thị xã An Khê số lượng cán bộ y tế được
cân đối theo tỷ lệ cứ 1400 đến 1500 dân có 01 cán bộ y tế phường phục vụ.
- Bảo đảm mỗi thôn, bản có từ
1 - 2 nhân viên y tế có trình độ sơ học y trở lên hoạt động.
- Các doanh nghiệp có số lượng
công nhân từ 200 đến 500 người phải có ít nhất 01 cán bộ y tế phục vụ, các
doanh nghiệp có từ 500 người trở lên phải thành lập Trạm y tế doanh nghiệp.
- Bảo đảm mỗi trường phổ
thông có 10 cán bộ y tế phục vụ. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên
nghiệp có trạm y tế cơ sở.
Khuyến khích các cá nhân và
tổ chức tư nhân đủ điều kiện được đăng ký thành lập cơ sở hành nghề y dược,
khuyến khích thành lập bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân, nhà điều
dưỡng, trung tâm tư vấn sức khỏe ở nơi tập trung đông dân cư và các khu vực xa
cơ sở y tế công lập.
b. Công tác y tế dự
phòng.
Tập trung cho việc khống chế
bênh truyền nhiễm gây dịch, hạn chế tử vong các loại dịch bệnh: sốt rét, sốt xuất
huyết, viêm não virut, cúm A (H5N1)...v.v...
Tiếp tục củng cố phát triển
hệ thống y tế dự phòng, nâng cao năng lực giám sát và phòng chống dịch bệnh, đặc
biệt HIV/AIDS và các dịch bệnh mới phát sinh; phát hiện sơm, điều trị kịp thời
các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra dịch, phòng chống dịch phải chủ động,
triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.
Đầu tư nâng cấp các phòng
xét nghiệm của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đủ năng lực thực hiện hầu hết các
xét nghiệm để phục vụ công tác y tế dự phòng đạt tiêu chuẩn an toàn học sinh cấp
I, có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngang tầm với các tỉnh trong khu vực. Nâng cấp
Labo Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm đủ khả năng, năng lực để
kiểm nghiệm. Hoàn thiện các Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm
truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh. Đến năm 2007, thành lập Trung tâm Phòng chống
HIV/AIDS.
Đến cuối năm 2006, hoàn tất
việc thành lập và đưa vào hoạt động các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện.
Xây dựng và phát triển trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện đủ năng lực thực hiện
các nhiệm vụ: Giám sát dịch tễ, vệ sinh phòng bệnh, phòng chống dịch, thực hiện
các chương trình y tế quốc gia, kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, truyền thông
giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe sinh sản và xây dựng làng văn hóa sức khỏe.
Triển khai mạnh mẽ các biện
pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về an toàn vệ
sinh thực phẩm từ tỉnh đến xã. Đến năm 2010, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, các
Trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố phải có khoa an toàn vệ sinh
thực phẩm.
Phấn đấu đến năm 2010, 70%
các Trung tâm y dự phòng huyện, thị xã, thành phố được đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất ổn định, 70% các Trung tâm y tế dự phòng huyện, thị xã, thành phố triển
khai phòng xét nghiệm và có đủ năng lực để triển khai các xét nghiệm thông thường.
c. Công tác khám, chữa bệnh.
Hình thành mạng lưới khám chữa
bệnh theo tuyến kỹ thuật từ thấp đến cao, bảo đảm tính liên tục về cấp độ
chuyên môn. Mỗi cơ sở đảm nhiệm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho một cụm dân
cư (không phụ thuộc vào địa giới hành chính), bảo đảm đạt tiêu chuẩn xếp hạng bệnh
viện theo quy định của Bộ Y tế.
Đảm bảo được công tác khám
chữa bệnh, cấp cứu cho nhân dân cho địa bàn tỉnh, đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh cho
nhân dân, tăng cường đầu tư các thiết bị mới, ứng dụng những kỹ thuật mới phục
vụ cho công tác khám chữa bệnh. Xây dựng và nâng cấp các bệnh viện, đặc biệt là
bệnh viện đa khoa tuyến huyện để có đủ khả năng giải quyết một cách cơ bản nhu
cầu khám chữa bệnh. Xây dựng và nâng cấp các bệnh viện đa khoa tuyến huyện để
có đủ khả năng giải quyết một cách cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân
ngay tại địa phương, ưu tiên đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh đạt trình độ chuyên
môn kỹ thuật ngang tầm với các tỉnh trong khu vực để đáp ứng nhu cầu khám chữa
bệnh ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Phấn đấu đến cuối năm 2010, bệnh viện
đa khoa tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I. Củng cố và hiện đại hóa Bệnh viện
Y học cổ truyền tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng
II, thành lập bộ môn y học cổ truyền tại Trường Trung học y tế. Phấn đấu đến
năm 2010, 100% bệnh viện đa khoa tuyến huyện có khoa y học cổ truyền, 60% trạm
y tế xã ứng dụng KCB bằng y học cổ truyền. Củng cố và nâng cao năng lực hệ thống
điều dưỡng - phục hồi chức năng, phát triển mạng lưới điều dưỡng và phục hồi chức
năng ở tuyến cơ sở.
Triển khai thực hiện khám chữa
bệnh cho các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế tư nhân.
Đến năm 2010, hoàn thành việc
xây dựng các bệnh viện chuyên khoa tại tỉnh như: Bệnh viện Lao và bệnh phổi, bệnh
viện Tâm thần, bệnh viện Phong và Da liễu. Ưu tiên đầu tư cho 2 bênh viện đa
khoa khu vực là Ayun Pa và An Khê, xác định đây là 2 bệnh viện đa khoa khu vực
có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhát trong vùng với chất lượng cao. Phát
triển bệnh viện đa khoa Thành phố Pleiku thành bệnh viện chuyên khoa năm 2012.
Quy mô giường bệnh ở tuyến
huyện từ 50 - 200 giường và tùy theo địa lý, dân cư mà cân đối số giường bênh
theo tỷ lệ 01 giường bệnh phục vụ từ 1.500 đến 1.700 người dân. Duy trì và phát
triển phòng khám đa khoa khu vực thuộc bệnh viện huyện tại các xã, điều kiện đi
lại khó khăn, đảm bảo cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho nhân dân địa phương, tiếp
tục đầu tư phát triển và mở rộng mạng lưới vận chuyển cấp cứu.
Thực hiện đạt chỉ tiêu giường
bệnh viện: 19,5/10.000 dân vào năm 2010 (trong đó giường bệnh tư nhân chiếm
5-7%).
2. Các
giải pháp.
a. Giải pháp về tài chính
y tế.
Cần đổi mới và hoàn thiện
chính sách tài chính y tế theo hướng tăng tỷ trọng nguồn tài chính y tế công
(ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế), giảm tỷ trọng nguồn tài chính từ việc
thanh toán viện phí trực tiếp từ người bệnh.
- Xây dựng và thực hiện tốt
lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2010. Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục để mọi người dân đều tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế. Củng cố
tổ chức và nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hệ thống bảo hiểm y tế, bảo
đảm người tham gia bảo hiểm y tế được chăm sóc với chất lượng tốt, không phân
biệt đối xử trong khám chữa bệnh.
- Từ nay đến năm 2010, tỉnh
ta cần đầu tư mạnh để nâng cấp các cơ sở y tế, ưu tiên củng cố hoàn thiện mạng
lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng. Đảm bảo kinh phí khám chữa bệnh cho
người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6
tuổi.
- Thực hiện chính sách viện
phí, lệ phí phù hợp trên cơ sở tính đủ, tính đúng các chi phí trực tiếp phục vụ
bệnh nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh, y tế dự phòng. Đảm bảo kinh phí khám chữa
bệnh cho người co công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc, trẻ em dưới 6
tuổi và các đối tượng chính sách.
- Đẩy mạnh việc giao quyền tự
chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài
chính đối với các cơ sở y tế công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày
25/04/2006 của Chính phủ nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, nâng cao tinh
thần trách nhiệm và hiệu quả công tác của cơ sở.
b. Phát triển nguồn nhân
lực.
Phát triển nguồn nhân lực y
tế cân đối và hợp lý, các chỉ số cơ bản sau: Có trên 5 bác sĩ/10.000 dân, tuyến
huyện có từ 1 - 2 dược sĩ đại học, cơ cấu cán bộ y tại các cơ sở khám chữa bệnh
là 3,5 điều dưỡng/bác sĩ, 60% trạm y tế có bác sĩ, 100% trạm y tế xã có nữ hộ
sinh trung học, 100% cán bộ lãnh đạo các đơn vị y tế từ tuyến huyện trở lên có trình
độ chuyên môn sau đại học, 40 - 50% số bác sĩ trong toàn tỉnh có trình độ sau đại
học.
Kiện toàn đội ngũ cán bọ y tế
cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, chú trọng công tác đào tạo cán bộ y tế
chuyên khoa sâu ở các tuyến huyện, tỉnh. Tăng cường đào tạo cán bộ y tế, bác sĩ
là người dân tộc thiểu số theo hình thức cử tuyển, đẩy mạnh công tác đào tạo
cán bộ quản lý y tế, nhất là cán bộ quản lý bệnh viện. Đảm bảo cơ cấu hợp lý về
nhân viên y tế giữa các tuyến tỉnh, huyện, xã; giữa trình độ và chuyên môn được
đào tạo về y dược, các ngành chuyên khoa về tỷ lệ cán bộ có trình độ sau đại học,
đại học, trung học ở các tuyến. Nâng cấp Trường Trung học y tế thành Cao đẳng y
tế vào năm 2010 để phục vụ cho công tác đào tạo nguồn nhân lực tỉnh nhà.
Luân chuyển cán bộ y tế từ tỉnh
xuống huyện, xã và ngược lại nhằm giúp y tế cơ sở nâng cao năng lực để thực hiện
các hoạt động phòng bệnh, khám chữa bệnh cho nhân dân.
Ban hành các chính sách ưu đãi
đối với cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở, Bác sĩ cán bộ y tế làm việc
ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới. Bảo đảm có chế độ phụ cấp đãi ngộ
thích hợp với cán bộ y tế đi công tác tăng cường tuyến dưới.
e. Công tác tuyền thông
giáo dục sức khỏe.
Nâng cao năng lực, đảm bảo
tài chính, trang thiết bị, kiện toàn mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe từ
tỉnh đến cơ sở, phải xác định công tác truyền thông giáo dục sức khỏe là khâu
then chốt để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh,
xây dựng nếp sống văn minh, rèn luyện thân thể, hạn chế tối đa những lối sống
và thói quen có hại đối với sức khỏe, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
g. Giải pháp về quản lý.
Đổi mới về cơ chế quản lý,
điều hành, tài chính, nhân lực tại các cơ sở y tế để phát huy tối đa tính năng
động, sáng tạo của các đơn vị y tế trong việc huy động, quản lý và sử dụng có
hiệu quả các nguồn nhân lực.
Củng cố và nâng cao hoạt động
của các Phòng y tế tuyến huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra,
thanh tra y tế.
Xây dựng lộ trình, tiến hành
từng bước vững chắc việc thực hiện tự chủ tài chính của các cơ sở khám chữa bệnh
công, cùng với tiến trình mở rộng bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn
dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính sâu rộng trong toàn ngành y tế, tiến tới bảo
hiểm y tế toàn dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính sâu rộng trong toàn ngành y tế.
Các đơn vị chuyên môn về y tế trên địa bàn tỉnh được quản lý thống nhất bởi
ngành y tế.
Kiện toàn hệ thống thanh tra
y tế, nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra để thực hiện tốt quản lý Nhà nước bằng
Pháp luật. Đối mới và kiện toàn bộ phận quản lý nhà nước về dược và vệ sinh, an
toàn thực phẩm.
h. Xã hội hóa công tác y
tế.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa
công tác y tế, phát triển bảo hiểm y tế, khuyến khích mở bệnh viện, phòng khám
tư nhân, bác sĩ gia đình; vận động mọi người tham gia chăm sóc và bảo vệ sức khỏe
cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Khuyến khích các cá nhân, tổ
chức trong nước hoạt động từ thiện, cung cấp, hỗ trợ các thiết bị y tế và hỗ trợ
khám chữa bệnh.
III/ TỔ
CHỨC THỰC HIỆN.
Các Sở, ngành, đoàn thể:
Nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Nghị quyết và Chương trình hành động, cụ
thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết và Chương trình hành động này
trong kế hoạch hàng năm của các ngành và địa phương.
Tổ chức triển khai đồng bộ
các nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nhiệm vụ
cụ thể như sau:
1. Sở Y tế có
trách nhiệm:
- Phối hợp với
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các Sở, Ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội
và các địa phương tổ chức phổ biến rộng rãi Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị
quyết của Tỉnh ủy và chương trình hành động này.
- Xây dựng các kế
hoạch, các đề án, các dự án theo sự phân công trình UBND tỉnh để thực hiện tốt
chương trình hành động này.
- Theo dõi, đôn đốc,
kiểm tra việc thực hiện Chương trình này và định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch
- Đầu tư: Chủ trì phối hợp với
Sở Tài chính cân đối ngân sách hàng năm tăng kinh phí đầu tư về xây dựng cơ bản,
tạo bứt phá để nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các bệnh
viện đa khoa huyện, tỉnh; bệnh viện chuyên khoa.
3. Sở Tài
chính: Chủ trì phối hợp với Sở Y
tế cấn đối đảm bảo ngân sách cung cấp đủ kinh phí khám chữa bệnh cho người
nghèo, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính
sách xã hội khác; hướng dẫn các đơn vị y tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng từ
nguồn ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế, giảm dần hình thức thanh toán viện phí
trực tiếp từ người bệnh.
4. Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng đề án
tăng cường tính tự chủ cho các đơn vị y tế, đề án thu hút bác sĩ về công tác tại
các xã vùng sâu, vung xa; tăng cường biên chế cho các tuyến y tế, đặc biệt là y
tế cơ sở.
5. Sở Văn hóa
và Thông tin: Phối hợp với Sở Y
tế đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động nhân dân hưởng ứng
và tự giác tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe. Phối hợp với Sở Y tế xây dựng,
củng cố và nâng cao chất lượng chuyên mục Sức khỏe và đời sống
trên Đài PT - TH tỉnh và Báo Gia Lai. Phối hợp với UBMT Tổ Quốc tỉnh, Sở y tế
triển khai phong trào xây dựng Làng văn hóa sức khỏe ở các thôn, làng.
6. Sở Giáo dục
- Đào tạo:
- Đưa nội dung
giáo dục sức khỏe vào chương trình học chính khóa, giáo dục học sinh về nếp sống
văn minh, hợp vệ sinh, khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động bảo vệ,
nâng cao sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ
y tế theo hình thức cử tuyển ở các xã nghèo, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
- Phối hợp với Sở
Y tế nâng cấp trường Trung cấp y tế thành trường Cao đẳng y tế.
7. UB Dân số,
Gia đình và Trẻ em tỉnh:
- Thực hiện tốt
chức năng quản lý Nhà nước và điều phối các hoạt động tuyên truyền, vận động, dịch
vụ kỹ thuật trên lĩnh vực Dân số, Gia đình và Trẻ em nhằm giảm mức sinh, bảo vệ
và chăm sóc trẻ em, đặc biệt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xây dựng
gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững.
- Phối hợp chặt
chẽ với Sở Y tế để triển khai tốt công tác chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi.
8. Bảo hiểm xã
hội tỉnh: Phối hợp các ngành thực
hiện việc vận động nhân dân mua bảo hiểm y tế. Phấn đấu đến năm 2010, 80% dân số
của tỉnh có thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Xây dựng Đề án phát triển y tế
toàn dân đến năm 2010.
9. Sở Thể dục
- Thể thao: Tổ chức và vận động
nhân dân tham gia các phong trào rèn luyện thân thể để nâng cao sức khỏe.
10. Sở Lao động - TB -
XH:
- Phối hợp với ngành y tế thực
hiện tốt chính sách khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách, người nghèo,
người có công...v.v...Thực hiện phòng chống các tệ nạn xã hội có ảnh hưởng tới
sức khỏe như: Mại dâm, nghiên hút..v.v..
- Xây dựng và thực hiện các
chương trình phòng chống tai nạn lao động, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người
lao động, phối hợp với ngành y tế triển khai tốt việc khám chữa bệnh cho người
nghèo và các đối tượng chính sách.
11. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh:
Phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh
các hoạt động Chương trình kết hợp Quân - dân y trong bảo vệ, chăm sóc và nâng
cao sức khỏe nhân dân và các lực lượng vũ trang.
12. Sở Y tế và các ngành
của tỉnh phối hợp UBMT TQ tỉnh, Hội chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức thành viên:
Thực hiện vận động nhân dân
tham gia các hoạt động nâng cao sức khỏe, cùng với ngành y tế và các đơn vị
liên quan thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Gia Lai, vận động nhân dân
tham gia hiến máu nhân đạo, giúp đỡ bệnh nhân là người nghèo khi ốm đau, bệnh tật,
hình thành các mô hình từ thiện vì bệnh nhân nghèo.
13. UBND các huyện, thị xã,
thành phố:
- Chỉ đạo, tổ chức triển
khai toàn diện và có hiệu quả các nội dung nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị,
Nghị quyết của Tỉnh ủy và Chương trình hành động này.
- Xây dựng kế hoạch triển
khai Nghị quyết 46 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 24 của Ban Thường
vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động của UBND tỉnh.
- UBND các cấp huyện, thị
xã, thành phố trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phân bổ, bố trí ngân sách Nhà nước
đảm bảo cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm phù hợp với
yêu cầu thực tế địa phương, phù hợp với định hướng, mục tiêu chung đã được xác
định tại Nghị quyết 46-NQ/TW.
- Tổ chức chỉ đạo, triển
khai, giám sát và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả hoạt động y tế của địa
phương.
- Các Sở, Ban, ngành của tỉnh,
UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào Chương trình hành động của UBND tỉnh
và xuất phát từ tình hình thực tế của đơn vị, xây dựng kế hoạch phù hợp Nghị
quyết số: 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24-NQ/TU
ngày 23/8/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định 243/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình
hình mới và tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Chương trình này.