UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
29/2006/QĐ-UBND
|
Tuyên
Quang, ngày 29 tháng 6 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY,
BIÊN CHẾ CỦA SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định chức năng các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số
19/2005/NĐ-CP ngày 28/5/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập
và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm;
Căn cứ Thông tư số
09/2004/TTLT-BTĐTBXH-BNV ngày 09/6/2004 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
- Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức của cơ quan
chuyên môn giúp UBND các cấp quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội
ở địa phương; Thông tư số 20/2005/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2005 của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số
19/2005/NĐ-CP ngày 28/5/2005 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập
và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm;
Căn cứ Nghị quyết số
55/2005/NQ-HĐND ngày 30/7/2005 của HĐND tỉnh Tuyên Quang kỳ họp thứ 4 phê chuẩn
cơ cấu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã;
Xét đề nghị của Sở Lao động -
Thương binh Xã hội tại Đề án số 357/ĐA-LĐTBXH ngày 23/5/2006 và đề nghị của Sở
Nội vụ tại Tờ trình số 151/TTr-SNV ngày 27/6/2006 về việc phê duyệt Đề án xác định
chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy,
biên chế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang:
I- Vị trí
và chức năng:
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện chức
năng quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội trên địa bàn tỉnh về
các dịch vụ công thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; thực hiện một
số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự ủy quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp
luật.
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND tỉnh, đồng
thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của Nhà
nước.
II- Nhiệm
vụ và quyền hạn:
1. Trình UBND tỉnh ban hành các
quyết định, chỉ thị về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở và chịu trách
nhiệm về nội dung các văn bản đã trình.
2. Trình UBND tỉnh kế hoạch dài
hạn, 5 năm và hàng năm các chương trình dự án thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở
phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội địa phương.
3. Trình UBND tỉnh quyết định việc
phân công phân cấp quản lý lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội đối với UBND
cấp huyện, cơ quan đơn vị thuộc UBND tỉnh theo quy định của pháp luật và chịu
trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
4. Hướng dẫn, kiểm tra tổng kết,
đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, chế độ
chính sách tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật thuộc các lĩnh vực quản lý của
Sở theo quy định của pháp luật.
5. Về lao động - việc làm - dạy
nghề:
5.1. Trình UBND tỉnh quyết định
chương trình và các giải pháp về việc làm của tỉnh.
5.2. Hướng dẫn kiểm tra việc thực
hiện các quy định của pháp luật về việc làm bao gồm:
- Tuyển lao động, hợp đồng lao động,
thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất;
- Tổ chức quản lý và sử dụng nguồn
lao động, thông tin thị trường lao động;
- Giải pháp tạo việc làm, giới
thiệu việc làm, lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, lao động
nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
- Tiền lương, tiền công, phụ cấp
và các hình thức trả lương trả công lao động và các chế độ vật chất khác thuộc
khu vực sản xuất kinh doanh;
- Chính sách đối với lao động nữ,
lao động người tàn tật, lao động chưa thành niên, lao động người cao tuổi;
- Nghĩa vụ lao động công ích;
- Các chính sách lao động việc
làm khác.
5.3. Cấp, thu hồi giấy phép lao
động đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức
kinh tế trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
5.4. Thẩm định, kiểm tra các đề
án, dự án về giải quyết việc làm, tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển thị
trường lao động và quản lý các tổ chức giới thiệu việc làm theo quy định của
pháp luật.
6. Về Bảo hiểm xã hội:
Hướng dẫn, kiểm tra việc thi
hành pháp luật về BHXH đối với các ngành, các cơ quan tổ chức sử dụng lao động,
người lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
7. Về an toàn lao động - vệ sinh
lao động (AT-VSLĐ):
7.1. Trình UBND tỉnh phê duyệt kế
hoạch thực hiện chương trình quốc gia về ATLĐ, VSLĐ trên địa bàn và chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện sau khi phê duyệt.
7.2. Chủ trì phối hợp với các cơ
quan liên quan hướng dẫn kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động,
vệ sinh lao động trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
7.3. Đăng ký các máy, thiết bị,
vật tư các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, VSLĐ trên địa bàn theo quy định
của pháp luật.
7.4. Chủ trì phối hợp tổ chức việc
điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn; hướng dẫn
các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động thực hiện điều tra, khai báo, xử lý và thống
kê báo cáo về tai nạn lao động; Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn lao động tại địa phương.
8. Về công tác dạy nghề:
8.1. Trình UBND tỉnh quy hoạch mạng
lưới, đề án về lĩnh vực dạy nghề trên địa bàn và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện
sau khi được phê duyệt.
8.2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực
hiện các quy định của pháp luật về dạy nghề.
9. Về công tác thương binh liệt
sĩ và người có công:
9.1. Trình UBND tỉnh quyết định
công nhận đối tượng là thương binh, liệt sĩ người có công đối với cách mạng
theo quy định, quản lý hồ sơ đối tượng sau khi được công nhận;
9.2. Hướng dẫn, kiểm tra các tổ
chức, UBND các huyện, thị xã thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với thương
binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;
9.3. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực
hiện nuôi dưỡng, điều dưỡng đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ,
người có công với cách mạng về việc cung cấp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình,
phương tiện trợ giúp khác cho thương binh, bệnh binh;
9.4. Hướng dẫn và thực hiện lễ
tưởng niệm liệt sĩ nhân các ngày lễ lớn, truy điệu liệt sĩ khi báo tử, phối hợp
tổ chức cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ,
cung cấp thông tin về tình hình mộ liệt sĩ theo hướng dẫn của Bộ Lao động
Thương binh và Xã hội; lập kế hoạch thăm hỏi các gia đình thương binh, bệnh
binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng và tổ chức thực hiện;
9.5. Thống nhất quản lý nghĩa
trang liệt sĩ, đài tưởng niệm và các công trình ghi công liệt sĩ ở địa phương,
chịu trách nhiệm quản lý nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm và các công trình
ghi công liệt sĩ được giao;
9.6. Là thành viên Hội đồng giám
định y khoa về thương tật và khả năng lao động cho thương binh, bệnh binh và đối
tượng chính sách xã hội.
10. Về công tác bảo trợ xã hội:
10.1. Trình UBND tỉnh quy định
chuẩn nghèo của địa phương, chủ trì thẩm định trình UBND tỉnh công nhận xã
nghèo, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh;
10.2. Hướng dẫn, kiểm tra việc
thực hiện kế hoạch, chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn;
10.3. Phối hợp chỉ đạo, kiểm tra
thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, cứu trợ xã hội, trợ giúp xã hội;
10.4. Chủ trì phối hợp với các
cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động nhân đạo từ thiện để giúp đỡ đời sống vật
chất, tinh thần đối với người tàn tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa, người gặp khó khăn hiểm
nghèo, nạn nhân chiến tranh và các đối tượng xã hội khác cần có sự cứu trợ, trợ
giúp của Nhà nước và xã hội.
10.5. Chỉ đạo kiểm tra các cơ sở
thực hiện nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
11. Về công tác phòng chống tệ nạn
xã hội:
11.1. Trình UBND tỉnh chương
trình kế hoạch về giải pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm, cai nghiện ma tuý và giải
quyết các vấn đề xã hội sau cai;
11.2. Chỉ đạo kiểm tra hoạt động
của các cơ sở chữa bệnh, giáo dục - lao động xã hội trên địa bàn tỉnh.
12. Hướng dẫn kiểm tra hoạt động
của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở, quản lý
các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.
13. Thực hiện hợp tác quốc tế
theo phân cấp của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật.
14. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng
các tiến bộ khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ, cung cấp số
liệu phục vụ công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ.
15. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp
vụ về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội đối với các cơ quan, đơn vị sự
nghiệp, UBND huyện, thị xã.
16. Tổng hợp thống kê báo cáo định
kỳ, đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
17. Thanh tra, kiểm tra, giải
quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật
trong lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội thuộc phạm vi quản lý theo quy định
của pháp luật.
18. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện
chương trình cải cách hành chính trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội
sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.
19. Quản lý cán bộ công chức,
viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh;
tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ xã, phường, thị
trấn làm công tác quản lý về lao động, thương binh và xã hội theo quy định của
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh.
20. Quản lý tài chính, tài sản của
Sở theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.
21. Thực hiện các nhiệm vụ khác
theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND
tỉnh.
III- Cơ cấu
tổ chức bộ máy và biên chế:
A. Về tổ chức bộ máy:
1. Lãnh đạo Sở:
Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội có Giám đốc và không quá hai (02) Phó Giám đốc.
- Giám đốc Sở là người đứng đầu
cơ quan, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và trước pháp luật về mọi mặt công tác của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội.
- Phó Giám đốc Sở là người giúp
việc Giám đốc, phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân
công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về các nhiệm vụ công
tác được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, Phó Giám đốc được Giám đốc uỷ nhiệm
điều hành các mặt hoạt động của Sở.
2. Các tổ chức giúp việc Giám đốc:
2.1. Văn phòng, gồm có:
- 01 Chánh Văn phòng;
- 01 Phó Văn phòng;
- Các công chức, nhân viên thuộc
các ngạch: Chuyên viên; kế toán; văn thư, lưu trữ, phục vụ; lái xe.
2.2 Phòng chính sách người có
công, gồm có:
- 01 Trưởng phòng;
- 01 Phó Trưởng phòng;
- Các chuyên viên.
2.3. Phòng Lao động việc làm -
Đào tạo nghề, gồm có:
- 01 Trưởng phòng;
- 01 Phó Trưởng phòng;
- Các chuyên viên.
2.4. Phòng Bảo trợ xã hội -
Phòng chống tệ nạn xã hội, gồm có:
- 01 Trưởng phòng;
- 01 Phó Trưởng phòng;
- Các chuyên viên.
2.5. Thanh tra Sở, gồm có:
- 01 Chánh thanh tra;
- Thanh tra viên.
3. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc
3.1. Trung tâm Giới thiệu việc
làm:
Đổi tên Trung tâm dịch vụ việc làm
thành Trung tâm Giới thiệu việc làm.
a) Vị trí, chức năng:
Trung tâm Giới thiệu việc làm là
đơn vị sự nghiệp có thu tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, trực thuộc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng giúp Giám đốc Sở tư vấn về việc
làm, học nghề, giới thiệu việc làm, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của
người sử dụng lao động, thu thập phân tích và cung cấp thông tin về thị trường
lao động, tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn; chịu sự quản lý toàn diện của Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội.
Trung tâm giới thiệu việc làm có
tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản theo quy định của Nhà nước.
b) Nhiệm vụ:
- Tư vấn về việc làm, học nghề,
chính sách có liên quan đến quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động.
- Giới thiệu việc làm cho người
lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
- Thu thập, phân tích và cung cấp
thông tin về thị trường lao động, bao gồm: Nhu cầu tuyển lao động, nhu cầu cần
việc làm, tiêu chuẩn lao động, tiền lương, tiền công trên địa bàn hoạt động của
vùng và cả nước.
- Được tổ chức dạy nghề theo quy
định của pháp luật.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo
quy định của pháp luật và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giao.
c) Quyền hạn:
- Tuyển dụng, sử dụng và quản lý
cán bộ, công chức theo quy định của Nhà nước và phân cấp của tỉnh;
- Tuyển lao động và giao kết hợp
đồng cung ứng lao động, giới thiệu việc làm và dạy nghề, học nghề;
- Khai thác thông tin về lao động,
việc làm và dạy nghề từ cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức;
- Yêu cầu người lao động cung cấp
thông tin về tình trạng việc làm của người lao động do trung tâm đã giới thiệu
hoặc cung ứng lao động;
- Thu phí giới thiệu việc làm
(bao gồm: Tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động, cung cấp thông tin lao động việc
làm) và thu học phí theo quy định của pháp luật;
- Quản lý và sử dụng các nguồn
tài chính theo quy định hiện hành và chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp
có thu.
d) Hoạt động tài chính:
Trung tâm hoạt động theo Nghị định
số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với
đơn vị sự nghiệp công lập.
đ) Cán bộ, viên chức:
- Giám đốc Trung tâm;
- Các viên chức thuộc các ngạch:
Chuyên viên, cán sự.
3.2. Trung tâm Bảo trợ xã hội
a) Chức năng:
Trung tâm Bảo trợ xã hội là đơn
vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng giúp
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc cai nghiện ma tuý và phục hồi
nhân phẩm gái mãi dâm, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn, cụ già cô đơn không nơi nương tựa; chịu sự quản lý toàn diện của Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội.
Trung tâm Bảo trợ xã hội có tư
cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng theo quy định của Nhà nước.
b) Nhiệm vụ:
- Tổ chức thực hiện cai nghiện
ma tuý và phục hồi nhân phẩm gái mãi dâm.
- Tiếp nhận, nuôi dạy các cháu mồ
côi, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng,
điều trị các cụ già cô đơn không nơi nương tựa.
- Thực hiện dự án Hỗ trợ nhân đạo
của tổ chức trong và ngoài nước theo đúng quy định.
c) Hoạt động của Trung tâm:
- Hoạt động theo Nghị định số
25/2001/NĐ-CP ngày 31/5/2001 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động của Trung
tâm bảo trợ xã hội.
d) Cán bộ, viên chức:
- Giám đốc Trung tâm;
- Các cán bộ, viên chức, nhân
viên thuộc các ngạch: Chuyên viên; bác sĩ; dược sỹ; y sĩ; y tá; hộ lý; kế toán,
văn thư, phục vụ; lái xe; bảo vệ, điện nước; nhân viên nuôi dưỡng, cấp dưỡng.
B. Về biên chế:
1. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ
và yêu cầu công tác, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với
Giám đốc Sở Nội vụ trình UBND tỉnh quyết định số lượng biên chế hàng năm.
2. Biên chế năm 2006: 56 người,
trong đó:
- Biên chế hành chính: 34 người;
- Biên chế sự nghiệp: 22 người.
3. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ,
công chức, viên chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải căn cứ vào
nhu cầu, chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức của Nhà nước theo quy định
của pháp luật hiện hành và Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 2.
Giao trách nhiệm:
1. Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ quan
phù hợp với Quy chế làm việc của UBND tỉnh và các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Giám đốc Sở Nội vụ có trách
nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
tổ chức thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ
ngày ký và thay thế Quyết định số 1670/QĐ-UB ngày 27/11/2000 của UBND tỉnh về
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội.
Các ông, bà: Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng
các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Lê Thị Quang
|