QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH CỦA
UBND TỈNH VỀ XÁC ĐỊNH KHU VỰC BIÊN GIỚI VÀ VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI THUỘC PHẠM VI
TỈNH LÀO CAI - TIẾP GIÁP VỚI NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 30/6/1989;
Căn cứ mục 2 điều 2 của bản quy chế biên giới
Việt - Trung ban hành kèm theo Nghị định 99/HĐBT ngày 27/3/1992 của Hội đồng Bộ
trưởng;
Căn cứ tình hình thực tế trên tuyến biên giới
thuộc phạm vi tỉnh Lào Cai;
Xét đề nghị của Ban chỉ huy biên phòng tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản
quy định về xác định khu vực biên giới, vành đai biên giới thuộc phạm vi tỉnh
Lào Cai tiếp giáp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Điều 2: Các quy định trước đây của địa
phương ban hành về vấn đề này đều không có hiệu lực thi hành.
Điều 3: Các ông Chánh văn phòng Ủy ban nhân
dân tỉnh, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có
trách nhiệm thực hiện bản quy định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH KHU
VỰC BIÊN GIỚI VÀ VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI THUỘC PHẠM VI TỈNH LÀO CAI TIẾP GIÁP VỚI
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
(Ban hành kèm theo quyết định số 288/QĐ.UB ngày 14/10/1992)
Chương I
XÁC ĐỊNH KHU VỰC BIÊN GIỚI VÀ VÀNH ĐAI BIÊN GIỚI
Điều 1: Xác định tuyến biên giới của tỉnh
Lào Cai.
1. Vùng biên giới:
Vùng biên giới của tỉnh Lào Cai bao gồm các huyện,
thị: Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng, thị xã Lào Cai.
2. Khu vực biên giới:
Bao gồm các xã thuộc các huyện, thị như sau:
+ Huyện Bắc Hà gồm 3 xã: Sán Chải, Si Ma Cai, Nàn
Xán.
+ Huyện Mường Khương gồm 9 xã:
Tả Gia Khâu, Dìn Chin, Pha Long, Tả Ngải Chồ, Tung
Trung Phố, Mường Khương, Nậm Chảy, Lùng Vai, Bản Lầu.
+ Huyện Bảo Thắng gồm 1 xã: Bản Phiệt.
+ Huyện Bát Xát gồm 10 xã:
Quang Kim, Bản Qua, Bản Vược, Cốc Mỳ, Trịnh Tường,
Nậm Chạc, A Mú Sung, A Lù, Ngài Thầu, Ý Tý.
+ Thị xã Lào Cai gồm 2 phường: Lào Cai, Duyên Hải.
Điều 2: Căn cứ mục 2 điều 2 chương I của quy
chế về khu vực biên giới: Việt Nam - Trung Quốc ban hành kèm theo Nghị định
99/HĐBT ngày 27/3/1992. Căn cứ tình hình thực tế của tỉnh Lào Cai. Xác định
vành đai biên giới dọc theo tuyến biên giới thuộc địa phận Lào Cai như sau:
a) Từ mốc 1 Hà Giang đến mốc 22 Pha Long:
Chiều sâu của vành đai biên giới tính từ đường biên
vào nội địa của ta từ 1000 - 1500 mét.
b) Từ mốc 22 đến mốc 1 Bản Lầu:
Chiều sâu của vành đai biên giới tính từ đường biên
vào nội địa của ta từ 300- 500 mét.
c) Từ mốc 1 Bản Lầu đến ngã ba suối Na Quynh, Bản
Phiệt km 6 xưởng chúc;
Vành đai biên giới tính từ đường biên giới vào sâu
nội địa của ta từ 200 đến 300 mét.
d) Từ km 6 xưởng chúc đến ngã ba sông Hồng, sông
Nậm Thi:
Khu vực này không xác lập vành đai biên giới.
e) Từ ngã ba sông Hồng, sông Nậm Thi đến cửa suối
cầu Sập:
Khu vực này không xác lập vành đai biên giới.
f) Từ suối cầu Sập đến cửa Lũng Pô:
Vành đai biên giới tính từ dòng chảy nơi sâu nhất
vào thềm sông của ta từ 20 m đến 300 m.
i) Từ cửa Lũng Pô đến chân đèo Khăng Chu Văn, giáp
Lai Châu:
Vành đai biên giới tính từ đường biên giới vào nội
địa của ta từ 1000 đến 1500m.
Điều 3: Căn cứ vào tình hình thực tế của
tuyến biên giới thuộc tỉnh Lào Cai; tạm thời không xác định vùng cấm, khi nào
cần thiết sẽ có quyết định sau.
Chương II
VIỆC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI VÀ VÀNH
ĐAI BIÊN GIỚI:
Điều 4: Đối với khu vực biên giới và vành
đai biên giới
Trong khu vực này mọi hoạt động kinh tế, văn hóa,
xã hội đều diễn ra bình thường.
Việc quản lý trong khu vực biên giới và vành đai
biên giới của chính quyền các cấp và của các ngành chức năng, bao gồm: Quản lý
cư trú, quản lý đi lại, bảo vệ và giữ gìn biên giới đều phải tuân theo các điều
khoản đã ghi trong bản quy chế thực hiện Nghị định 99/HĐBT và Nghị định
289/HĐBT ngày 10/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng, cũng như các quy định khác
trong luật pháp hiện hành của Nhà nước.
Điều 5: Đối với khu vực không xác định lập
vành đai biên giới như đã nêu trong điều 2:
Mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục,
giao lưu diễn ra bình thường, các cấp chính quyền các ngành chức năng có trách
nhiệm quản lý các mặt công tác theo chức trách của mình, như ở bất kỳ nơi nào
trong lãnh thổ của tỉnh. Nghiêm cấm đặt ra các gác chắn (barie), gây cản trở
cho mọi hoạt động giao lưu của nhân dân và các cơ quan Nhà nước tại khu vực
này. Tất cả những vấn đề cần giải quyết theo chức trách của các cơ quan quản
lý: Biên phòng, Công an, Hải quan, Thuế... đều tiến hành tại các trụ sở của đơn
vị (các đồn, trạm cố định) do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định vị trí trong quy
hoạch.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 6: Bảo vệ biên giới, lãnh thổ, quốc gia
giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách
nhiệm của toàn Đảng toàn dân ta. Các ngành, các cấp tùy theo chức năng của
mình, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ tạo mọi điều kiện cho nhau hoàn thành
tốt nhiệm vụ.
Điều 7: Tập thể cá nhân có thành tích trong
quản lý bảo vệ biên giới được xét khen thưởng theo chế độ hiện hành. Nếu vì
nghĩa vụ bảo vệ, quản lý biên giới mà bị thiệt hại tài sản, bị thương tật hoặc
hy sinh, thì được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước.
Người nào vi phạm tùy theo mức độ của sự vi phạm sẽ
bị xử lý hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 8: Bản quy định này là cụ thể hóa một
số điều quy định trong Nghị định 99/HĐBT và Nghị định 289/HĐBT của Hội đồng Bộ
trưởng, thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, mọi cấp, mọi ngành có trách
nhiệm thực hiện những điều đã ghi trong các nghị định của Hội đồng Bộ trưởng,
và những điều ghi trong bản quy định này của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, mọi
quy định trước đây của chính quyền địa phương trái với quy định này đều bị bãi
bỏ.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.