Quyết định 2837/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long Bình Thuận

Số hiệu 2837/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/11/2013
Ngày có hiệu lực 13/11/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2837/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 13 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG THANH LONG BÌNH THUẬN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 2514/QĐ-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt đề cương chi tiết Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long Bình Thuận; Quyết định số 174/QĐ-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt kinh phí Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận tại Tờ trình số 678/TTr-SCT ngày 13 tháng 5 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án nghiên cứu phát triển thị trường thanh long Bình Thuận, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU XUẤT KHẨU THANH LONG ĐẾN NĂM 2015 VÀ 2020.

1. Tập trung phát triển mở rộng thị trường nội địa để nâng dần tỷ trọng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tại chỗ từ 10 - 15% như hiện nay lên 16 - 17% vào năm 2015 và 18 - 20% vào năm 2020.

2. Đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch vào các thị trường; củng cố phát triển mở rộng thị trường truyền thống, tập trung vào các thị trường tiềm năng (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…); đồng thời, tìm kiếm phát triển thị trường mới. Phấn đấu đến năm 2015, sản lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch đạt mức 100.000 tấn với giá trị 56 triệu USD; trong đó, nâng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thanh long vào thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ từ 10% lên 15%; phấn đấu đến năm 2020, sản lượng thanh long xuất khẩu chính ngạch đạt mức 180.000 tấn với giá trị 100 triệu USD.

II. ĐỊNH HƯỚNG THỊ TRƯỜNG.

1. Đối với thị trường nội địa: tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nội địa; trong đó, tập trung phát triển thị trường khu vực phía Bắc (thị trường Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai và một số tỉnh thành xung quanh Hà Nội); đối với thị trường miền Trung, chú ý và tập trung cho thị trường thành phố Đà Nẵng, Vinh, Thanh Hóa và một số tỉnh Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

2. Đối với thị trường xuất khẩu:

- Củng cố phát triển mở rộng tiêu thụ tại thị trường Châu Á, trọng tâm là thị trường của Khối mậu dịch tự do Đông Nam Á (10 nước) và Khu vực mậu dịch tự do Asean + 6 (gồm 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand); trong đó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch vào sâu trong thị trường nội địa Trung Quốc (mở rộng thị trường miền Trung, miền Đông, miền Bắc và Tây Nam của Trung Quốc) để hạn chế dần buôn bán theo hình thức biên mậu;

- Thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại vào các thị trường lớn như Châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ (Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Nga, Hoa Kỳ, Chi Lê…) và thị trường khu vực Trung Đông, Bắc Phi là thị trường có khí hậu nóng khá thích hợp để quảng bá tiêu dùng thanh long;

- Đối với xuất khẩu tại chỗ: thường xuyên thực hiện tốt việc quảng bá, giới thiệu công dụng, lợi ích của việc dùng trái thanh long, chỉ cho khách hàng “cách ăn” thanh long,… tại các nhà hàng, các khách sạn lớn, các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng có nhiều khách nước ngoài (kể cả trong và ngoài tỉnh). Đây là một trong những cách tiếp thị, quảng bá sản phẩm ít chi phí nhưng hiệu quả cao.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU.

1. Giải pháp quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất - kinh doanh thanh long:

a) Quản lý Nhà nước về quy hoạch diện tích thanh long:

Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch thanh long cho phù hợp; không khuyến khích phát triển trồng mới; thiết lập bản đồ số hóa diện tích quy hoạch trồng thanh long quản lý quy hoạch; thường xuyên công bố công khai cho nhân dân biết để thực hiện;

b) Quản lý Nhà nước về quy trình sản xuất và bảo quản thanh long:

- Đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP; triển khai đồng bộ từ khâu sản xuất đến cơ sở đóng gói, sơ chế, bảo quản để chủ động trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu;

- Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 40/CT-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngăn chặn triệt để việc lạm dụng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm thanh long. Tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để phát triển thanh long bền vững, an toàn;

- Tiếp tục củng cố và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long an toàn để tăng cường năng lực sản xuất, xây dựng mô hình ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân;

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói đạt tiêu chuẩn tham gia xuất khẩu vào thị trường lớn, có tiềm năng; đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long nhằm đáp ứng việc cung cấp đầy đủ, thường xuyên theo nhu cầu của khách hàng, thị trường, giúp điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường khi thu hoạch rộ, cung nhiều hơn cầu;

c) Quản lý Nhà nước về tiêu thụ sản phẩm thanh long:

- Thực hiện đầy đủ các quy định của các nước nhập khẩu có liên quan đến sản xuất, kinh doanh thanh long. Tăng cường theo dõi và có biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời các rào cản kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm;

[...]