Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1554/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến 2025

Số hiệu 1554/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/06/2016
Ngày có hiệu lực 03/06/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1554/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 03 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG TRỒNG THANH LONG TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

Thực hiện kết luận số 34-KL/TU ngày 11 tháng 4 năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự án Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 73/TTr-SNN ngày 20 tháng 5 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng trồng thanh long tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển

- Thanh long là một loại cây trồng lợi thế của tỉnh, có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung, trong đời sống nông dân nói riêng. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để cây thanh long phát triển bền vững, dựa trên cơ sở quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phải cộng đồng trách nhiệm, liên kết, hợp tác trong xu thế hội nhập để mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả thanh long.

- Phát triển ngành hàng thanh long phải đạt hiệu quả cao và bền vững, quy mô và địa bàn bố trí trồng thanh long phải phù hợp yêu cầu của thị trường, đặc điểm sinh lý, sinh thái và truyền thống canh tác của cây thanh long.

- Phải giữ vững và phát huy lợi thế sản phẩm thanh long Bình Thuận trên cơ sở tập trung nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để dịch bệnh; đẩy mạnh liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, đặc biệt gắn chặt với thị trường tiêu thụ, đa dạng hóa thị trường để đảm bảo thanh long phát triển ổn định.

- Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng trồng thanh long tập trung có hạ tầng đồng bộ; đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất thanh long an toàn, đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, sơ chế biến và tiêu thụ thanh long.

- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nhằm đa dạng các sản phẩm từ trái thanh long, nâng cao hiệu quả sản xuất thanh long, góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng bị ép cấp, ép giá khi thanh long có sản lượng lớn.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành hàng thanh long theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ trồng thanh long, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cơ cấu kinh tế.

Không đưa vào quy hoạch phát triển trồng thanh long trên đất lúa đã được Chính phủ phê duyệt; trên loại đất không thích hợp trồng thanh long hoặc ở xa không tập trung, điều kiện cơ sở hạ tầng, điện, nước không đáp ứng được.

2. Mục tiêu cụ thể

- Quy mô diện tích trồng thanh long đến năm 2020 đạt 28.000 ha, năng suất đạt 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750 ngàn tấn; đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 843 ngàn tấn.

- Trồng thanh long đúng quy trình kỹ thuật, nâng tỉ lệ diện tích trồng thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP) năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%.

- Nâng giá trị xuất khẩu thanh long trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đến năm 2020 các doanh nghiệp thanh long của tỉnh xuất khẩu chính ngạch đạt 20 - 25 triệu USD và định hướng đến năm 2025 đạt 50 - 60 triệu USD.

- Phấn đấu đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất của ngành hàng thanh long chiếm 35% - 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, giá trị tăng thêm chiếm 28% - 30% GRDP ngành nông nghiệp, đóng góp từ 7% - 8% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.

III. Nội dung quy hoạch

1. Quy mô diện tích

Quy hoạch diện tích trồng thanh long của Bình Thuận đến năm 2020 là 28.000 ha, tăng 1.585 ha so với năm 2015; trong đó thành phố Phan Thiết 400 ha, thị xã La Gi 1.200 ha, huyện Tuy Phong 300 ha, huyện Bắc Bình 2.600 ha, huyện Hàm Thuận Bắc 9.500 ha, huyện Hàm Thuận Nam 13.000 ha, và huyện Hàm Tân 1.000 ha.

[...]