Quyết định 2836/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề cương, Nhiệm vụ Đề án: “Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế" do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 2836/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/09/2014
Ngày có hiệu lực 03/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Vương Văn Việt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2836/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 03 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG, NHIỆM VỤ ĐỀ ÁN: “PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA CON NGƯỜI THANH HÓA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020; Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2677/QĐ-UBND ngày 15/8/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án "Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”;

Căn cứ Thông báo Kết luận số 71/TB-UBND ngày 14/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu lập Đề án "Xây dựng hình ảnh con người Thanh Hóa tốt đẹp trong con mắt bạn bè trong nước và quốc tế";

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 972/TTr-SVHTTDL ngày 06/6/2014;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương, Nhiệm vụ Đề án: “Phát huy các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với những nội dung chủ yếu sau:

PHẦN MỞ ĐẦU

SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỂ ÁN

1. Vai trò của con người trong phát triển

Con người Việt Nam với vai trò, mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội, là sản phẩm của một quá trình phát triển lịch sử lâu dài và luôn luôn mang trong mình nó những truyền thống đã được tạo nên trong lịch sử. Do đó, con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều chương trình, nhiều đề tài và trong mỗi giai đoạn của lịch sử đều đặt ra nhiệm vụ xây dựng con người, bởi vì những giá trị truyền thống của con người có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội theo cả hai chiều thúc đẩy và cản trở.

Trong mười nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới được xem là nhiệm vụ then chốt. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đã đặt vấn đề hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam, huy động mọi nguồn lực cho phát triển văn hóa, coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng con người toàn diện, có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hướng tới mục tiêu đó, việc nghiên cứu các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa với tư cách là chủ thể văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Bởi trong suốt chiều dài lịch sử, xứ Thanh luôn được biết đến với tư cách là địa bàn có vị trí đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, là cầu nối giữa Bắc bộ và Trung bộ, là khu vực chuyển tiếp, giao thoa của văn hóa Việt giữa hai vùng văn hóa Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

2. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế - cơ hội và thách thức đòi hỏi phải xây dựng con người Thanh Hóa có đủ phẩm chất, trí tuệ và năng lực để đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra

2.1. Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là xu thế tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ. Những diễn biến của kinh tế thế giới và khu vực trong thời gian tới sẽ tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như quá trình phát triển nguồn lực con người của cả nước và của tỉnh Thanh Hóa. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức để công tác phát huy các giá trị truyền thống của con người Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng phải vươn tới những chuẩn mực của cuộc sống đương đại.

2.2. Việc nghiên cứu để phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng những giá trị mới nhằm nâng cao vị thế xã hội của người Thanh Hóa trong bối cảnh hiện nay, chính là nâng cao nguồn lực con người đáp ứng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước. Bối cảnh đó vừa là cơ hội, đồng thời là thách thức đối với tỉnh Thanh Hóa, bởi truyền thống và các đặc điểm văn hóa của Thanh Hóa có nhiều ưu thế nổi trội, song những điểm yếu, hạn chế của con người Thanh Hóa cũng là thách thức đối với công tác phát huy, phát triển nhân tố con người trong giai đoạn hiện nay.

2.3. Thanh Hóa là miền đất địa linh nhân kiệt với nhiều đời vua, chúa, nhiều người tài đã xuất thân từ đây để dựng lên nước Việt Nam ngày nay. Trong công cuộc phát triển hiện đại, người dân ở các địa phương trong cả nước cũng như nhiều nước trên thế giới đều đánh giá cao năng lực của nguồn nhân lực Thanh Hóa. Trên thực tế, cộng đồng người Thanh Hóa có mặt ở khắp nơi trong cả nước cũng như trên thế giới. Người Thanh Hóa đã có uy tín, ảnh hưởng tốt tại những nơi họ đến làm ăn sinh sống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di dân đến sinh sống, làm ăn ở các địa phương khác cũng như thu hút sự đầu tư từ những nơi khác đến Thanh Hóa.

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, có sự phản ứng khá tiêu cực với nhiều người có quê ở Thanh Hóa, làm ảnh hưởng tới hình ảnh con người Thanh Hóa. Ở cấp độ nguồn nhân lực phổ thông, nhiều khu vực phía Nam đã không muốn tiếp nhận những công nhân người Thanh Hóa. Ở cấp độ nguồn nhân lực, trong các công sở hay văn phòng các doanh nghiệp, nhiều người e ngại và có sự băn khoăn khi phải làm việc với đồng nghiệp Thanh Hóa. Nhìn chung, có một luồng dư luận là người Thanh Hóa khó chơi và làm ăn với người Thanh Hóa luôn sẵn sàng phải chịu thiệt...

Thực tiễn cho thấy Thanh Hóa là một tỉnh lớn, dân số đứng thứ hai và diện tích đứng thứ 5 so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, có truyền thống lịch sử lâu đời, có tiềm năng mọi mặt; song trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập hiện nay thì kinh tế - xã hội lại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Một trong các nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là lực cản của những yếu tố tâm lý tiêu cực, lỗi thời, mang tính đặc trưng của người xứ Thanh, biểu hiện trong các tầng lớp nhân dân và trong một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Một số đặc trưng tâm lý của người Thanh Hóa, cả điểm mạnh và điểm yếu, hạn chế và sở dĩ coi đó là đặc trưng, bởi lẽ không thấy những mặt tâm lý đó ở người tỉnh ngoài, hoặc có, song biểu hiện ở người Thanh Hóa đậm nét hơn và đặc biệt là "bền vững", khó thay đổi hơn. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho vấn đề này, trong đó cơ sở để tạo nên các đặc trưng tâm lý đó, chủ yếu do yếu tố hoàn cảnh sống, hoàn cảnh tự nhiên và nhất là hoàn cảnh xã hội, mà Thanh Hóa có những đặc điểm riêng so với các tỉnh khác trong cả nước.

Từ cơ sở khoa học và thực tiễn đó, điều quan trọng và cần thiết là phải nhận thức được các giá trị truyền thống và con người Thanh Hóa hiện nay một cách biện chứng từ quá khứ tới hiện tại, trong cái nhìn liên ngành, đa ngành. Vì thế, việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu đặc trưng tính cách, tâm lý của người Thanh Hóa, xác định được những yếu tố tích cực để phát huy, những yếu tố tiêu cực để khắc phục hoặc biến đổi cho phù hợp với chuẩn mực giá trị của con người trong sự đổi mới và phát triển của xã hội là một việc hết sức cần thiết. Điều này, có khả năng hiện thực hóa được, bởi trong lịch sử, con người xứ Thanh luôn thể hiện là những chủ thể tích cực, chẳng những cải tạo được tự nhiên, xã hội mà còn cải tạo được chính bản thân mình, tức là có khả năng khắc phục những yếu tố tâm lý tiêu cực đã làm ảnh hưởng đến sự nhận diện, đánh giá của người dân trong nước và bạn bè quốc tế về hình ảnh con người Thanh Hóa hiện nay.

Đề án “Phát huy những giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” là một đề xuất, một ý tưởng lớn, mạnh bạo và kiên quyết nhằm tiến hành những công trình nghiên cứu nghiêm túc để khẳng định có cơ sở khoa học, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu trong tính cách, phẩm chất, lối sống của người Thanh Hóa trong lịch sử và trong quá trình phát triển nhằm cải biến, nâng cao vị thế xã hội hình ảnh của người Thanh Hóa.

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG VIỆC PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA CON NGƯỜI THANH HÓA TRONG THỜI GIAN QUA

1. Tổng quan các giá trị truyền thống của con người Thanh Hóa

[...]