Quyết định 28/2020/QĐ-UBND quy định về phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Số hiệu 28/2020/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/12/2020
Ngày có hiệu lực 01/01/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2020/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 14 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ, về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương;

Căn cứ Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công thương, quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương;

Căn cứ Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 218/TTr-SYT ngày 30 tháng 9 năm 2020 và ý kiến đóng góp của các đồng chí Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP: Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau (UBND cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) và các tổ chức, cá nhân hoạt động có liên quan đến ATTP trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Nguyên tắc phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

1. Trên cơ sở các quy định của Luật An toàn thực phẩm; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Bảo đảm sự thống nhất quản lý nhà nước về ATTP giữa các ngành, các cấp có liên quan trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong lĩnh vực quản lý, trên nguyên tắc không bỏ sót, không chồng chéo trong tham mưu và tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đảm bảo xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng về ATTP trên địa bàn.

4. Đảm bảo nguyên tắc một cửa, một cơ sở sản xuất, kinh doanh, một loại sản phẩm chỉ chịu sự quản lý về ATTP của một cơ quan quản lý nhà nước.

a) Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nhiều loại sản phẩm thuộc quyền quản lý của 02 cấp trở lên thì cấp trên trực tiếp quản lý.

b) Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 02 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý.

[...]