Quyết định 2783/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 2783/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/08/2020
Ngày có hiệu lực 26/08/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Nguyễn Hồng Lĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2783/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 8 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2015;

Căn cứ Luật Thương mại ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử;

Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Chỉ thị 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Công văn số 1210/SCT-QLTM ngày 13/8/2020 về việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025 (sau khi tổng hợp ý kiến của các sở, ngành, địa phương liên quan).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển thương mại điện tử, kinh tế số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phù hợp, bắt kịp với xu thế phát triển của quốc gia và trên thế giới.

- Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển; ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp xã hội trong doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trên địa bàn nhờ chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0; mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa của tỉnh, thúc đẩy thương mại điện tử không biên giới, ứng dụng các phần mềm thông minh trong quản lý sản xuất kinh doanh.

- Cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển khu vực, thế giới, phù hợp với trạng thái và sự phát triển của đất nước trong hình mới. Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) và các công nghệ mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến 2025

- 100% thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh và đầu tư, các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện ở mức độ 3 trở lên.

- 70% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

- 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.

- 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên ứng dụng di động.

- Các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền thông sử dụng hợp đồng điện tử với người tiêu dùng.

- Hàng ngàn lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, sinh viên trên địa bàn... được tham gia các khóa đào tạo kinh doanh bán hàng trực tuyến.

- Mỗi năm có 04 - 05 chuyên đề chuyên sâu tuyên truyền trên truyền hình, báo chí và các phương tiện truyền thông khác về xu hướng, kỹ năng mua hàng trực tuyến, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

II. Nội dung và giải pháp

1. Cơ chế chính sách:

[...]