Quyết định 1389/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1389/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/09/2020
Ngày có hiệu lực 18/09/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Nguyễn Tăng Bính
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1389/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 18 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 07/2015/QĐ-TTg ngày 02/3/2015 về ban hành quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia; số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương: Số 47/2014/TT-BCT ngày 05/12/2014 quy định về quản lý website thương mại điện tử; số 59/2015/TT-BCT ngày 31/12/2015 quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1633/TTr-SCT ngày 09/9/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025, với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh; tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử; đồng thời, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi ứng dụng thương mại điện tử.

- Xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững.

- Lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số lĩnh vực phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

- Nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho thương mại điện tử phát triển và hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai ứng dụng thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Về kết cấu hạ tầng thương mại điện tử

- Tạo điều kiện để thẻ và các hình thức thanh toán điện tử được sử dụng rộng rãi, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%.

- Áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch thương mại điện tử.

- 70% các giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

- Xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.

b) Về ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động của doanh nghiệp

- 80% website thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến.

- 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch thương mại điện tử.

- 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.

[...]