Kế hoạch 3045/KH-UBND năm 2020 về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 3045/KH-UBND
Ngày ban hành 18/08/2020
Ngày có hiệu lực 18/08/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Hữu Tháp
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3045/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 8 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2016-2020

1. Kết quả thực hiện

Thực hiện Quyết định số 1563/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 26 tháng 10 năm 2016 về việc Phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những bước chuyển biến rõ nét, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; nhận thức về vị trí, vai trò cũng như những lợi ích của TMĐT đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được nâng cao, cụ thể:

1.1. Hạ tầng TMĐT

Hệ thống mạng lưới viễn thông, Internet cáp quang trên địa bàn tỉnh được nâng cấp, mở rộng các nhà mạng đảm bảo hệ thống cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet có chất lượng cao. Trong đó 100% cơ quan hành chính nhà nước, 100% doanh nghiệp có trang bị mạng internet tốc độ cao.

Việc giao dịch không sử dụng tiền mặt được chú trọng, ngày một phát triển, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động khuyến khích các giao dịch không sử dụng tiền mặt, sự phát triển và ra đời của nhiều ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng đã đáp ứng nhu cầu không sử dụng tiền mặt của người dân và doanh nghiệp.

Việc triển khai ứng dụng chữ ký số trong cơ quan hành chính nhà nước đã được triển khai thực hiện, đến nay đã có 100% các cơ quan hành chính đã thực hiện ký số các văn bản hành chính; các lĩnh vực thuế, bảo hiểm đã chuyển qua hệ thống ký số chuyên dùng trong giao dịch.

Công cụ quản lý về TMĐT từ Trung ương tới địa phương được phối hợp chặt chẽ, công cụ pháp luật minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý về TMĐT đảm bảo theo kịp xu thế phát triển TMĐT trong nước và thế giới.

Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân ngày càng tìm hiểu và nghiên cứu về TMĐT, xu thế mua sắm và tiêu dùng thông qua TMĐT ngày một tăng trưởng nhanh chóng.

1.2. Quy mô thị trường TMĐT

Kon Tum là tỉnh miền núi, chậm phát triển so với mặt bằng chung của cả nước. Vì vậy thị trường thương mại tử của tỉnh Kon Tum tương đối nhỏ và còn nhiều mặt hạn chế.

Có khoảng 30% người dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên sử dụng mua sắm trực tuyến thông qua các ứng dụng trên các thiết bị di động như: Lazada, Shopee, Sendo...; các trang TMĐT bán hàng.

Doanh số trong giao dịch TMĐT của các doanh nghiệp tỉnh Kon Tum tăng, đạt khoảng 20% hàng năm.

Đặc biệt trong thời gian dịch, bệnh Covid-19 đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cách thức tiếp cận thị trường và mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh, một bộ phận người dân đã thường xuyên truy cập các mạng xã hội, các công cụ bán hàng trực tuyến; các doanh nghiệp thường xuyên giao dịch và tương tác trên môi trường mạng.

1.3. Kết quả triển khai TMĐT địa phương giai đoạn 2016-2020

- 100% các cơ quan quản lý nhà nước có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin và dịch vụ công cho doanh nghiệp.

- 100% dịch vụ hành chính công cung cấp trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện cung cấp trực tuyến đạt mức độ 2; 30% dịch vụ công được cung cấp mức độ 3, 4 theo quy định.

- 100% giao dịch giữa cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử Ioffice VNPT; 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện qua bộ phận một cửa điện tử.

- 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

- 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

- Áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số để đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT.

- Mua sắm trực tuyến bước đầu trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng theo xu hướng hiện nay.

- Ứng dụng rộng rãi các hình thức thanh toán TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp - B2B; giữa doanh nghiệp với khách hàng - B2C; giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước - B2G; giữa các cá nhân với nhau - C2C; giữa cơ quan nhà nước với cá nhân - G2C.

- 40% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT, 30% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm.

- 70% lượt cán bộ doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước, thanh niên khởi nghiệp được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về TMĐT.

[...]