HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
91/2018/NQ-HĐND
|
Hà Tĩnh, ngày 18
tháng 07 năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ
TRỢ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP
THEO
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 7
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng
6 năm 2013;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày
12 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP, ngày 11 tháng
3 năm 2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp
nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngày 11 tháng 3
năm 2018 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18
tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái
khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025;
Sau khi xem xét Tờ trình số 237/TTr-UBND, ngày
10 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Quy định
một số chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025
và những năm tiếp theo; báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo
luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng và nguyên
tắc áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Hoạt động tuyên truyền, đào tạo, phát triển hệ sinh
thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân
triển khai các hoạt động phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhóm cá nhân
(sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có sản phẩm, dự án khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo với khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ,
công nghệ, mô hình kinh doanh mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Doanh nghiệp khởi
nghiệp có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng
nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, hoạt động trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
b) Các cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa
bàn tỉnh Hà Tĩnh.
3. Nguyên tắc áp dụng
a) Trong cùng một thời điểm, nếu có nhiều chính
sách ưu đãi và hỗ trợ từ nhà nước với cùng nội dung và đối tượng hỗ trợ, thì
được hưởng mức hỗ trợ cao nhất từ nguồn kinh phí ngân sách trung ương hoặc địa
phương.
b) Trường hợp một tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư
nhiều nội dung khác nhau của chính sách thì sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ
theo từng nội dung nếu đủ các điều kiện.
c) Các dự án được hỗ trợ thì Hội đồng khoa học công
nghệ chuyên ngành đánh giá có khả thi, hiệu quả, bền vững và được cơ quan có
thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Điều 2. Một số chính sách hỗ trợ
1. Hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện hỗ trợ phát
triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cụ thể:
a) Đào tạo, tuyên truyền, tư vấn hoạt động khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo (bao gồm chi phí thuê chuyên gia trong và ngoài nước);
tổ chức các hoạt động kết nối, hợp tác phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi
mới sáng tạo của tỉnh, tối đa không quá 300 triệu đồng/năm;
b) Xây dựng và triển khai các chương trình, giáo
trình đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các cơ sở giáo dục -
đào tạo, các tổ chức thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và thành
lập các câu lạc bộ khởi nghiệp sáng tạo, tối đa không quá 50 triệu đồng/đơn
vị/năm;
c) Xây dựng bản tin về khởi nghiệp sáng tạo; chương
trình truyền hình tôn vinh các ý tưởng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo của
tỉnh, tối đa không quá 100 triệu đồng/năm;
d) Xây dựng, đầu tư cơ sở hạ tầng - kỹ thuật của
các cơ sở ươm tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; cung cấp thiết bị dùng
chung cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tối đa không quá
500 triệu đồng/đơn vị;
đ) Tổ chức Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
tỉnh Hà Tĩnh (Techfest), tổ chức một lần trên năm, tối đa không quá 300 triệu
đồng/năm. Đối với tổ chức, cá nhân tham gia cuộc thi cấp tỉnh trở lên, tối đa
không quá 30 triệu đồng/cuộc;
e) Vận hành, nâng cấp và triển khai các hoạt động
của Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị (Sở Khoa học và Công nghệ) và cơ sở ươm
tạo ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo (của trường đại học, cao đẳng, trung cấp
nghề... do nhà nước đầu tư xây dựng) để thực hiện các hoạt động hỗ trợ ươm tạo,
cung cấp thiết bị dùng chung cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng
tạo..., tối đa không quá 150 triệu đồng/đơn vị/năm.
2. Chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo
a) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng thực hiện các nội
dung sau: Tư vấn thủ tục chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng và
thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ cho tổ chức, cá nhân
khởi nghiệp sáng tạo, tối đa không quá 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân.
b) Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng thực hiện các nội
dung sau: Tư vấn để tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo tự tổ chức đo lường;
xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tối đa không quá 50 triệu đồng/tổ chức, cá nhân và
không quá 01 lần trên năm;
c) Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo chuyên sâu cho các
tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về các nội dung sau: Thuê chuyên
gia và sử dụng các dịch vụ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo, phát triển
ý tưởng sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị
trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa
học. Mức tối đa không quá 20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân và không quá 01 lần
trên năm;
d) Miễn phí cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp
đổi mới sáng tạo sử dụng trang thiết bị, cơ sở vật chất, khu làm việc chung tại
Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tỉnh - Sở Khoa học và Công nghệ và trường
đại học, cao đẳng, trung cấp nghề... (khu làm việc chung của nhà nước đầu tư
xây dựng); hỗ trợ 50% kinh phí thuê văn phòng làm việc tại các khu làm việc
chung của tư nhân đầu tư xây dựng, tối đa không quá 5 triệu đồng/tháng/tổ chức,
cá nhân trong thời hạn hỗ trợ không quá 6 tháng;
đ) Hỗ trợ 50% kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản
phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đổi mới
sáng tạo, tối đa không quá 200 triệu đồng/sản phẩm;
e) Hỗ trợ 70% kinh phí đối với các dự án khởi
nghiệp đổi mới sáng tạo được Hội đồng khoa học công nghệ chuyên ngành đánh giá
có tính khả thi và hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét tài trợ từ
ngân sách tỉnh để phát triển, tối đa không quá 01 tỷ đồng/dự án;
f) Hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn cho các tổ chức, cá
nhân để thực hiện các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ các Quỹ của nhà
nước và ngân hàng thương mại, tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.
3. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ứng
dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, kỹ thuật mới
a) Hỗ trợ 50% kinh phí ứng dụng các công nghệ tiên
tiến, công nghệ cao, kỹ thuật mới của cách mạng công nghiệp 4.0 (bao gồm: Trí
tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn, công nghệ robot, phương tiện tự
điều khiển, công nghệ in 3D, các vật liệu mới và công nghệ sinh học, công nghệ
nano, công nghệ điện toán..,) vào sản xuất, kinh doanh, tối đa không quá 02 tỷ
đồng/dự án;
b) Hỗ trợ lập trình phần mềm được Hội đồng khoa học
công nghệ chuyên ngành đánh giá góp phần nâng cao năng suất lao động; hiệu quả
quản lý, sản xuất kinh doanh, tối đa không quá 150 triệu đồng/phần mềm.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
1. Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối, bố trí ngân
sách của tỉnh để đáp ứng yêu cầu thực hiện các chính sách.
2. Nguồn hỗ trợ, tài trợ từ Ngân sách trung ương
dành cho hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo.
3. Huy động nguồn vốn thông qua lồng ghép từ các
chương trình, dự án, đề án triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
4. Huy động nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ từ các tổ
chức, cá nhân, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế; nguồn vốn
của các tổ chức, cá nhân có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khuyến khích
các doanh nghiệp tài trợ, thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh và
của các thành phần kinh tế.
5. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức thực
hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng
nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà
Tĩnh Khóa XVII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 18 tháng 7 năm 2018 và có hiệu lực
từ ngày 01 tháng 8 năm 2018./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ, Website Chính phủ;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu IV;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các VP: Tỉnh ủy, ĐĐBQH, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Công báo - tin học VP UBND tỉnh;
- Trang thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Lê Đình Sơn
|