Quyết định 2753/QĐ-UBND năm 2011 về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015

Số hiệu 2753/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/12/2011
Ngày có hiệu lực 13/12/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Sèn Chỉn Ly
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2753 /QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 13 tháng 12 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và xã hội tại Tờ trình số 88/TTr-SLĐTBXH ngày 02 tháng 12 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Lao động-TBXH (B/c);
- Thường trực Tỉnh uỷ (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ VN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐTBXH;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VHXH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Sèn Chỉn Ly

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Kèm theo Quyết định số 2753 /QĐ-UBND ngày 13 /12/2011 của UBND tỉnh Hà Giang)

I. Đặc điểm chung của tỉnh

Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới phía bắc, với diện tích tự nhiên 7.914,89 km2, trong đó: diện tích đất sản xuất nông nghiệp 153.076,4 ha, đất lâm nghiệp có rừng 524.367,8 ha. Có trên 274 km đường biên giới giáp với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đơn vị hành chính có 10 huyện và một thành phố, có 195 xã phường và thị trấn, 1.986 thôn, bản và tổ dân phố. Toàn Tỉnh có 22 dân tộc (Dân tộc Mông chiếm 31,84%, dân tộc Tày chiếm 23,3%, dân tộc Dao chiếm 15%, dân tộc Kinh chiếm 13,4%...). Tính đến 31/12/2010, tổng số hộ toàn tỉnh là 151.816 hộ, dân số là 743.441 người, trong đó nữ 372.269 người, mật độ dân số 93 người/km2. Hộ nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành 63.453 hộ chiếm 41,80%, trong đó phụ nữ là chủ hộ 3.991 người, hộ nghèo là dân tộc thiểu số 63.053 hộ, chiếm 41,5%.

Đồi núi ở Hà Giang chiếm hơn ¾ diện tích, chủ yếu là núi đá vôi, núi cao, vực sâu và độ dốc lớn trải dài từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông.Với dạng địa hình dốc và bị chia cắt nhiều nên hệ thống sông, suối của Hà Giang đều có nhiều ghềnh, thác và thường gây lũ trong mùa mưa, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền các cấp, trong những năm qua nhân dân Hà Giang đã phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác, giành nhiều thắng lợi khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm trên 13,78%. Sản lượng lương thực bình quân đầu người đạt 367 kg (năm 2005), đạt 444,8 kg (năm 2010). Nét khởi sắc ấy là tiền đề quan trọng để nhân dân các dân tộc Hà Giang vững bước trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, thịnh vượng.

II. Mục tiêu thực hiện

1. Mục tiêu tổng quát

Nhằm triển khai có hiệu quả các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2015, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới; cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

2. Các mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.

- Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 từ 30% trở lên.

- Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

- Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% ban của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Mục tiêu 2: Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

[...]