ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
27/2024/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 22 tháng 5 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU KỸ THUẬT, THỜI GIAN VÀ TUYẾN ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA
PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG PHẢI XỬ LÝ TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11
năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng
5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng
12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng
01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10
tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một
số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Theo Tờ trình số 2305/TTr-STNMT-CTR ngày 18
tháng 3 năm 2024, Công văn số 4550/STNMT-CTR ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Sở
Tài nguyên và Môi trường và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số
7221/BC-STP-VB ngày 05 tháng 12 năm 2023 về kết quả thẩm định Dự thảo Quyết định
của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quy định về yêu cầu kỹ thuật, thời gian
và tuyến đường hoạt động của phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
thông thường phải xử lý trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về yêu cầu kỹ thuật, thời gian và tuyến đường hoạt động
của phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2024.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám
đốc Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Công
an Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cá nhân, tổ
chức có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố;
- VP Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Các ban HĐND TP
- Ban Chỉ đạo cải cách hành chính;
- Phòng Kiểm tra văn bản QPPL (Sở Tư pháp);
- Liên minh hợp tác xã Thành phố;
- VPUB: PCVP /ĐT;
- Các Phòng NCTH;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, (ĐT, BvC).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Xuân Cường
|
QUY ĐỊNH
VỀ
YÊU CẦU KỸ THUẬT, THỜI GIAN VÀ TUYẾN ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN
CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG PHẢI XỬ LÝ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH
(Kèm theo Quyết định số 27/2024/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này nêu các yêu cầu kỹ thuật, thời gian
và tuyến đường hoạt động của phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
thông thường phải xử lý trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có
liên quan đến quản lý hoạt động vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường
phải xử lý trên địa bàn Thành phố.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Quy định này áp dụng đối với các Sở ban ngành; Ủy
ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận huyện; Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị có liên
quan.
2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động
vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý bằng các phương tiện
vận tải đường bộ trên địa bàn Thành phố.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong phạm vi Quy định này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
1. Vận chuyển chất thải là quá trình chuyên
chở chất thải từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo hoạt động thu
gom, lưu giữ (hay tập kết) tạm thời, trung chuyển chất thải và sơ chế chất thải
tại điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển.
2. Tuyến đường vận chuyển chất thải là các lộ
trình, tuyến giao thông đường bộ được phép vận chuyển chất thải.
3. Thiết bị định vị (còn gọi là thiết bị giám
sát hành trình) là thiết bị điện tử được lắp trên phương tiện vận chuyển chất
thải để ghi, lưu trữ và truyền phát các thông tin bắt buộc liên quan trong hành
trình của phương tiện vận chuyển.
4. Xe tải nhẹ: bao gồm ô tô chở hàng có khối
lượng chuyên chở; dưới 1.500 kg (trừ xe bán tải), ô tô tải có khối lượng chuyên
chở từ 1.500 kg đến 2.500;kg và xe thí điểm.
5. Xe tải nặng: bao gồm ô tô tải có khối lượng
chuyên chở trên 2.500 kg, máy kéo, xe máy chuyên dùng, rơ moóc hoặc sơ mi rơ
moóc được kéo bởi ô tô.
Điều 4. Nguyên tắc chung
1. Quy định này không áp dụng cho quản lý chất thải
rắn xây dựng; nội dung quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng thực hiện
theo quy định tại khoản 5 mực 3 Điều 65 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10
tháng 01 năm 2022 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều của Luật
Bảo vệ môi trường.
2. Quy định này không áp dụng cho quản lý chất thải
phát sinh từ các cơ sở dịch vụ y tế; nội dung quy định về quản lý chất thải y tế
thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26 tháng 11 năm
2021 của Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ
sở y tế.
3. Không áp dụng đối với hoạt động vận chuyển chất
thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý bằng phương tiện đường sắt, đường
thủy nội địa, đường biển và đường hàng không trên địa bàn Thành phố.
4. Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được
phân định, phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 81 của Luật Bảo vệ môi trường
trước khi thu gom, vận chuyển.
5. Việc vận chuyển chất thải phải tuân thủ các quy
định về tuyến đường và thời gian vận chuyển, các quy định về giao thông đường bộ
và bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển chất thải.
6. Phương tiện vận chuyển chất thải công nghiệp
thông thường phải xử lý phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo
quy định tại Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo
vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định hiện hành về giao thông
đường bộ.
7. Việc vận chuyển chất thải phải đảm bảo an toàn
cho con người và môi trường, không phát tán hoặc để rơi vãi chất thải, không để
xảy ra các rủi ro gây sự cố môi trường.
8. Các phương tiện vận chuyển chất thải từ các tỉnh,
thành lân cận đến Thành phố Hồ Chí Minh để xử lý và các phương tiện vận chuyển
chất thải từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác phải tuân thủ
theo quy định này và các quy định có liên quan của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố khác.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ YÊU CẦU KỸ
THUẬT, THỜI GIAN VÀ TUYẾN ĐƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI
RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG PHẢI XỬ LÝ
Điều 5. Yêu cầu kỹ thuật
1. Đối với phương tiện vận chuyển
a) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
thông thường phải xử lý phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ
môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải.
b) Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử
lý được lưu chứa trong thiết bị lưu giữ chất thải hoặc lưu chứa trực tiếp trên
các phương tiện vận chuyển.
c) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
thông thường phải xử lý phải bảo đảm không rơi vãi chất thải, phát tán bụi, mùi
trong quá trình vận chuyển.
d) Xe tải thùng hở phải phủ bạt kín che nắng, mưa
trong quá trình thu gom, lưu chứa, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông
thường phải xử lý.
đ) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
thông thường phải xử lý đang hoạt động phải có dòng chữ “VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI” ở
hai bên thành của phương tiện với chiều cao ít nhất là 15 cm, kèm theo tên cơ sở,
địa chỉ, số điện thoại liên hệ.
e) Phải được lắp thiết bị định vị theo quy định, trừ
trường hợp vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý bằng
môtô, xe máy.
2. Thiết bị lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông
thường
a) Được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên
phương tiện vận chuyển.
b) Bảo đảm lưu giữ an toàn, không bị hư hỏng, rách
vỡ vỏ.
c) Bao bì mềm được buộc kín, bao bì cứng có nắp đậy
kín để bảo đảm ngăn chất thải rò rỉ hoặc rơi vãi ra môi trường.
d) Kết cấu cứng chịu được va chạm, không bị hư hỏng,
biến dạng, rách vỡ bởi trọng lượng chất thải trong quá trình sử dụng.
3. Đối với thiết bị giám sát hành trình
a) Tuân thủ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và đảm
bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia
giao thông.
b) Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: hành
trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe về hệ thống dữ liệu giám sát hành
trình của cơ quan có chức năng quản lý.
c) Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình được sử
dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị
và được kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để
thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.
d) Nghiêm cấm sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang
thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá
(hoặc làm nhiễu) sóng GPS (hệ thống định vị toàn cầu), GSM (hệ thống thông tin
di động toàn cầu) hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của
phương tiện vận chuyển.
Điều 6. Tuyến đường vận chuyển
Phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp
thông thường phải xử lý được phép hoạt động trên các tuyến đường:
1. Các tuyến giao thông nội bộ nối từ các cơ sở sản
xuất, kinh doanh đến điểm thu gom chất thải thuộc các khu, cụm công nghiệp, khu
chế xuất, Khu Công nghệ cao.
2. Các tuyến giao thông nối từ các cơ sở sản xuất,
kinh doanh đến cơ sở xử lý chất thải theo quy định.
Điều 7. Thời gian vận chuyển
1. Giới hạn khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh được
quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm
2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định về hạn chế và cấp phép
ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh và
các quy định hiện hành khác có liên quan.
2. Các phương tiện vận chuyển được lưu thông không
hạn chế thời gian trên các tuyến vành đai giới hạn tại khoản 1 Điều này và
ngoài khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Thời gian vận chuyển chất thải trên các tuyến đường
trong khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh:
a) Xe tải nhẹ: được lưu thông vận chuyển từ 9 giờ đến
16 giờ và từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
b) Xe tải nặng: được lưu thông vận chuyển từ 22 giờ
đến 06 giờ sáng hôm sau.
4. Không giới hạn thời gian vận chuyển đối với các
phương tiện vận chuyển bằng xe môtô, gắn máy.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CÁC BÊN CÓ
LIÊN QUAN
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức
thu gom, vận chuyển
1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động vận chuyển chất thải
rắn công nghiệp thông thường phải xử lý trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải
đảm bảo tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày
16 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ
sung một số điều của Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quy định về hạn chế và cấp phép ô tô chở
hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô Thành phố Hô Chí Minh; các yêu cầu
về trách nhiệm, nghĩa vụ được hướng dẫn tại Luật Bảo vệ môi trường ngày 17
tháng 11 năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và
các quy định khác có liên quan đối với hoạt động vận chuyển chất thải rắn công
nghiệp thông thường phải xử lý.
2. Hợp tác, đáp ứng các yêu cầu theo quy định của
cơ quan có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển
chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
3. Xuất trình, cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền
các dữ liệu, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc vận chuyển chất thải rắn công
nghiệp thông thường phải xử lý.
Điều 9. Trách nhiệm của cơ quan
quản lý nhà nước
1. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức quản
lý chất thải rắn công nghiệp phải xử lý trên địa bàn Thành phố và chịu trách
nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về mặt quản lý nhà nước đối với
hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải rắn công nghiệp phải xử lý
trên địa bàn Thành phố.
2. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:
a) Phối hợp, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường và
các đơn vị liên quan trong việc giám sát các phương tiện vận chuyển chất thải rắn
công nghiệp thông thường phải xử lý thông qua thiết bị định vị giám sát hành
trình và giám sát bằng hệ thống camera giao thông do Sở Giao thông vận tải quản
lý.
b) Xem xét tổ chức giao thông tạm thời cho một số
phương tiện lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh để vận chuyển chất
thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý trong điều kiện phải áp dụng các
biện pháp phong tỏa do có thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh hoặc khi có sự cố
môi trường cần xử lý theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
c) Xem xét hỗ trợ và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân
có nhu cầu sử dụng phương tiện lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí
Minh để vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý theo quy định
tại Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Ủy ban nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số
23/2018/QĐ-UBND ngày 19 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh quy định về hạn chế và cấp phép ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong
khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh.
d) Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền
khi có yêu cầu.
3. Công an Thành phố, Cảnh sát Giao thông, Thanh tra
giao thông, Công an phối hợp với Cảnh sát giao thông, các lực lượng Cảnh sát
khác, tổ công tác liên ngành, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban
quản lý Khu công nghệ cao thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn đối với
việc kiểm tra chấp hành lưu thông và xử lý các trường hợp vi phạm quy định hiện
hành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện chức năng
xử lý các trường hợp vi phạm Quy định này, thực hiện công tác phối với các lực
lượng kiểm tra liên ngành khi có yêu cầu. Định kỳ trước ngày 15 tháng 01 hàng
năm, các đơn vị thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường về số lượt vi phạm của
năm trước đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường
phải xử lý không thực hiện đúng theo quy định tại Chương II của Quy định này.
4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố, các cơ
quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền để
các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm túc Quy định này.
5. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận,
huyện, phường, xã, thị trấn cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan nhà
nước có thẩm quyền để xử lý đối với các vi phạm và sự cố liên quan đến hoạt động
vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở
ban ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị
trấn và các cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc Quy định này.
Điều 11. Điều khoản thi hành
Trong quá trình thực hiện, khi có vấn đề phát sinh
cần bổ sung, điều chỉnh, các đơn vị liên quan có ý kiến gửi về Sở Tài nguyên và
Môi trường xem xét, tổng hợp đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí
Minh giải quyết./.