Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2692/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch triển khai Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 2692/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/11/2023
Ngày có hiệu lực 28/11/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Lữ Quang Ngời
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2692/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 28 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY, MẠNG LƯỚI VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- Tổng cục DS-KHHGĐ;
- Thường trực Tỉnh ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để biết);
- CT, P.CT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Ban TCDNC tỉnh;
- Lưu: VT, 2.06.05.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Quang Ngời

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY, MẠNG LƯỚI VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH LÀM CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN CÁC CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 28/11/2023 của UBND tỉnh)

I. QUAN ĐIỂM

1. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với công tác dân số và phát triển.

2. Nhà nước chăm lo, nâng cao khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ về công tác dân số và phát triển cho mọi tầng lớp Nhân dân.

3. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân số và phát triển; xây dựng mạng lưới, cơ chế phối hợp liên ngành phù hợp với trọng tâm công tác dân số và phát triển, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

II. CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG

1. Sự cần thiết

Tính đến ngày 31/12/2020 toàn tỉnh có 275.296 hộ gia đình với 1.116.263 nhân khẩu, trong đó phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 294.718 người, phụ nữ 15 - 49 tuổi có chồng 171.252 cặp, số phụ nữ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại là 114.818 người; tổng tỷ suất sinh bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 1,82 con/phụ nữ (dưới mức sinh thay thế); tỷ số giới tính khi sinh 106,7 bé trai/100 bé gái; tỷ lệ người cao tuổi chiếm 15,68% tổng dân số; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng 12,7%.

Về tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp từng bước được củng cố, ổn định, cụ thể: Cấp tỉnh: Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS–KHHGĐ) trực thuộc Sở Y tế; năm 2021: biên chế được giao và thực hiện 13/13 công chức. Cấp huyện: Phòng Dân số trực thuộc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố với biên chế được giao tối đa 06 biên chế, tối thiểu là 05 biên chế, hiện có 36/43 viên chức; Cấp xã: có 107 viên chức chuyên trách dân số tại Trạm Y tế và Khóm ấp có 1.629 cộng tác viên DS–KHHGĐ kiêm cộng tác viên chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (trong đó: có 1461 cộng tác viên kiêm nhiệm thêm công tác trẻ em, nhân viên y tế khóm ấp và công tác khác).

Công tác dân số thời gian qua dưới sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận: tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh từng bước được khống chế, chất lượng dân số từng bước được nâng lên rõ rệt (chỉ số phát triển con người HDI đứng thứ 4 của vùng và đứng thứ 13 trong cả nước). Quy mô gia đình nhỏ ngày càng được chấp nhận rộng rãi, tốc độ gia tăng dân số đã giảm nhiều, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) hiện đại ngày càng người dân chấp nhận, tỷ lệ người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ KHHGĐ ngày càng tăng cao, đặc biệt là người nghèo vùng khó khăn của tỉnh; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm. Góp phần vào sự thành công của công tác dân số thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp.

Mặc dù, công tác dân số đã có những tiến bộ vượt bậc, song trong thời gian tới công tác dân số phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, cụ thể: mức sinh đang có xu hướng giảm thấp theo Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long là một trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; tỷ số giới tính khi sinh mặc dù đã được khống chế, nhưng chưa ổn định; tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh; chất lượng dân số mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp so với các tỉnh, thành phố trong khu vực; quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập; cơ chế phối kết hợp liên ngành chưa phát huy được hiệu quả; chính sách về dân số chậm đổi mới; tổ chức bộ máy thiếu ổn định; chức năng, nhiệm vụ chưa được điều chỉnh kịp thời phù hợp với diễn biến tình hình dân số. Chính vì vậy, Nghị quyết số 21-NQ/TW đã xác định: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết cũng yêu cầu “tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong từng thời kỳ”. Từ những quan điểm trên, có thể hiểu để đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới thì việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển là vấn đề cấp bách hiện nay nhằm đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền địa phương các cấp và thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất.

2. Căn cứ xây dựng

[...]