Công văn 3059/BYT-TCDS năm 2021 về tổ chức triển khai Quyết định 496/QĐ-TTg do Bộ Y tế ban hành
Số hiệu | 3059/BYT-TCDS |
Ngày ban hành | 20/04/2021 |
Ngày có hiệu lực | 20/04/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Y tế |
Người ký | Đỗ Xuân Tuyên |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
BỘ Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3059/BYT-TCDS |
Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 2021 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Ngày 30 tháng 3 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển các cấp (sau đây viết tắt là Quyết định 496/QĐ-TTg); để tăng cường, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân số và phát triển các cấp, xây dựng mạng lưới, cơ chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án và thực hiện một số nội dung sau:
1. Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay
- Cấp tỉnh: Chi cục Dân số thuộc Sở Y tế, thực hiện chức năng giúp Giám đốc Sở Y tế để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về dân số và phát triển trên địa bàn.
- Cấp huyện:
+ Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong đó có thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân số và phát triển trên địa bàn cấp huyện. Trường hợp không tổ chức riêng Phòng Y tế thì chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về lĩnh vực dân số và phát triển do Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện.
+ Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế đa chức năng (đơn vị sự nghiệp) tham mưu giúp Giám đốc Trung tâm Y tế triển khai thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật, tư vấn, truyền thông giáo dục về dân, số và phát triển trên địa bàn huyện. Đối với những tỉnh, thành phố đang duy trì Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, xem xét giữ ổn định mô hình hoặc kiện toàn, củng cố chức năng, nhiệm vụ bảo đảm thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.
- Cấp xã: Bố trí một viên chức dân số thuộc Trạm Y tế xã.
- Tại các thôn, bản, khóm, ấp, buôn, làng, phum, sóc, tổ dân phố: Bố trí cộng tác viên dân số.
2. Về xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành dân số và phát triển
- Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành các cấp để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về dân số và phát triển tại địa phương, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành địa phương nhằm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề dân số trong tình hình mới tiến tới thực hiện thành công Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
- Tăng cường, kiện toàn hoặc thành lập Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển các cấp trên cơ sở Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ hiện nay, bảo đảm hoạt động thống nhất từ trung ương đến địa phương. Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, không phát sinh tổ chức, biên chế.
3. Về mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, xem xét, lựa chọn địa bàn thí điểm xây dựng triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại các thôn, bản, khóm, ấp, buôn, làng, phum, sóc, tổ dân phố một cách phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Trong đó:
- Lồng ghép nhiệm vụ của cộng tác viên dân số với công tác gia đình và bảo vệ trẻ em: Mỗi cộng tác viên đảm nhiệm 03 nhiệm vụ (công tác dân số, công tác gia đình, công tác trẻ em).
- Hỗ trợ đối với cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em: Hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương với định mức theo khả năng, điều kiện thực tế của địa phương, tương xứng với việc tăng thêm nhiệm vụ của cộng tác viên và để động viên, khuyến khích hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Rà soát, lựa chọn cộng tác viên dân số để kiêm nhiệm công tác gia đình và trẻ em tại các thôn, bản, khóm, ấp, buôn, làng, phum, sóc, tổ dân phố; ưu tiên lựa chọn cộng tác viên dân số có kinh nghiệm lâu năm, đạo đức tốt, nhiệt huyết với công việc, có hiểu biết, có chuyên môn, có sức khỏe.
- Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan: Tham mưu lựa chọn địa bàn, xây dựng đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em; lồng ghép nhiệm vụ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp các tài liệu văn bản liên quan về lĩnh vực dân số, gia đình và trẻ em.
- Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và hiệu quả hoạt động của việc thí điểm triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình, trẻ em để xem xét mở rộng địa bàn, điều chỉnh kịp thời.
4. Báo cáo sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án
Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quyết định 496/QĐ-TTg hàng năm, 5 năm; báo cáo về Bộ Y tế (Tổng cục Dân số) trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số) để xem xét, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC
BỘ MÁY, MẠNG LƯỚI VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH VỀ DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN
(Ban hành kèm theo Công văn số 3059/BYT-TCDS ngày 20 tháng 4 năm 2021 của Bộ Y tế)