Quyết định 2663/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2663/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/07/2015
Ngày có hiệu lực 28/07/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Trần Thị Thu Hà
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2663/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 28 tháng 7 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TRỒNG TRỌT TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKHĐT ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Văn bản số 1292/UBND-KTN ngày 05/5/2011 của UBND tỉnh về việc lập Quy hoạch trồng trọt và chăn nuôi tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 2312/QĐ-CTUBND ngày 11/10/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương dự toán lập Quy hoạch triển ngành trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm định Báo cáo Quy hoạch triển ngành trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ngày 20/8/2014;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 325/BC-SKHĐT ngày 23/10/2014 và đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2006/TTr-SNN ngày 29/6/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển Trồng trọt tỉnh Bình Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:

1. Mục tiêu phát triển

1.1. Mục tiêu chung

Đến năm 2020, trồng trọt phát triển toàn diện theo hướng lợi thế và bền vững, có cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a. Tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đến năm 2020 tăng bình quân 2,2%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Cây lương thực chiếm 45,0%; cây công nghiệp chiếm 30,0%; cây thực phẩm chiếm 19,5%; cây ăn quả chiếm 3,5% và các loại cây trồng khác 2,0%.

- Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 684.000 tấn; trong đó lúa 589.500 tấn, ngô 94.400 tấn, giá trị sản phẩm thu được 01 ha canh tác (giá hiện hành) 100 triệu đồng/ha.

b. Tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt đến năm 2030 tăng bình quân 1,5%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất: Cây lương thực chiếm 40%; cây công nghiệp chiếm 34%; cây thực phẩm chiếm 21,5%; cây ăn quả chiếm 3,5% và các loại cây trồng khác 1%.

- Sản lượng lương thực cây có hạt đạt 720.500 tấn; trong đó lúa 612.000 tấn, ngô 108.500 tấn; giá trị sản phẩm thu được 01 ha canh tác (giá hiện hành) 200 triệu đồng/ha.

2. Định hướng phát triển

2.1. Định hướng phát triển theo nhóm cây trồng

- Tỉnh tập trung mọi nguồn lực ưu tiên phát triển nhóm cây trồng chính, là những cây trồng phổ biến, có quy mô diện tích từ 10.000 ha trở lên, có giá trị sản lượng lớn, bao gồm: Lúa, rau các loại, lạc, ngô, sắn và cây dừa. Đối với lúa, lạc, ngô, sắn hướng phát triển theo mô hình "cánh đồng liên kết lớn" theo chuỗi giá trị bền vững ở những vùng sản xuất tập trung. Sử dụng linh hoạt diện tích canh tác lúa hiện có, tùy điều kiện từng vùng để chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả hơn; từng bước xây dựng vùng sản xuất lúa có giá trị cao, tăng diện tích sản xuất lúa giống để đảm bảo nhu cầu trong tỉnh và cung ứng cho các tỉnh khác.

- Đối với nhóm cây trồng bổ sung là những cây trồng có quy mô diện tích tối thiểu từ 1.000 ha trở lên, có giá trị sản lượng hàng hóa khá, bao gồm: Cây thức ăn chăn nuôi, điều, chuối, mía, mè, đậu các loại và xoài; cùng với nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư những vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tùy điều kiện cụ thể của từng loại cây trồng, từng địa phương, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững.

- Đối với nhóm cây trồng đặc thù là những cây trồng có quy mô diện tích nhỏ dưới 1.000 ha, phù hợp với từng địa phương, bao gồm: Cây ăn quả (có múi), hồ tiêu, dâu tằm, cói, chè, cây dược liệu, hoa, nấm, măng tre...; từng địa phương có cơ chế hỗ trợ để phát triển.

2.2. Định hướng phát triển theo vùng sinh thái

[...]