ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2624/QĐ-UBND
|
Nghệ An, ngày 25
tháng 06 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ TỔNG HỢP ĐỚI BỜ TỈNH NGHỆ AN ĐẾN 2020
VÀ TẦM NHÌN ĐẾN 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày
21/6/2012;
Căn cứ Nghị định số
25/2009/NĐ-CP ngày 06/03/2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo
vệ môi trường biển, hải đảo;
Căn cứ Quyết định số
158/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/10/2007, phê duyệt Chương trình
“Quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm
2010 và định hướng đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1433/TTr-STNMT ngày 4/6/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ
tỉnh Nghệ An đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” (sau đây gọi tắt là Chiến lược) với
những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu của Chiến lược
a) Mục tiêu tổng quát:
Tăng cường năng lực quản lý tài
nguyên và môi trường đới bờ tỉnh Nghệ An, hỗ trợ cho phát triển bền vững của Tỉnh,
thông qua việc áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp đới bờ.
b) Các mục tiêu cụ thể đến năm
2020:
- Nâng cao nhận thức cộng đồng về
giá trị và đe dọa đối với tài nguyên và môi trường vùng biển, ven biển và
phương thức quản lý tổng hợp đới bờ;
- Tăng cường năng lực điều phối,
phối hợp và thực hiện của các Sở, ban ngành, cơ quan liên quan trong quản lý
tài nguyên và môi trường vùng biển, ven biển và hải đảo;
- Bảo vệ, duy trì và phục hồi các
sinh cảnh, hệ sinh thái, tài nguyên, nguồn lợi và các giá trị tự nhiên, văn hóa,
lịch sử tại vùng biển, ven biển và hải đảo;
- Giảm thiểu và ngăn ngừa những
tác động tiêu cực đến môi trường do sự phát triển thiếu bền vững của các hoạt động
kinh tế nhằm bảo vệ chất lượng môi trường, các hệ sinh thái, sức khoẻ con người
và an toàn dân sinh;
- Sử dụng, khai thác bền vững các
tài nguyên vùng biển và ven biển, giảm xung đột lợi ích trên cơ sở kết hợp hài
hòa lợi ích kinh tế trước mắt và lợi ích bảo vệ môi trường lâu dài.
c) Tầm nhìn đến năm 2030:
Vùng ven biển Nghệ An trở thành một
vùng tiêu biểu của Việt Nam, phát triển hài hòa trên nền tảng các ngành kinh tế
dựa vào biển, nơi các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử, sinh thái và cảnh
quan được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo; một vùng sạch, đẹp và an toàn để sinh sống,
làm việc và đầu tư, nơi mọi người dân được quyền làm chủ và hưởng thụ tối đa.
2. Phạm vi và thời gian thực hiện
a) Phạm vi thực hiện:
Về phía biển: gồm vùng biển ven bờ
của tỉnh Nghệ An có ranh giới ngoài cách bờ khoảng 6 hải lý, nhưng được mở rộng
để bao cả đảo Hòn Mắt, phù hợp với đề xuất trong Chương trình quản lý tổng hợp
dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng
đến năm 2020 của Chính phủ.
Về phía đất liền: gồm các huyện,
thành, thị ven biển của tỉnh: huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa
Lò và thành phố Vinh.
Giới hạn không gian trên có thể được
điều chỉnh, mở rộng trong tương lai, tùy thuộc vào năng lực và nhu cầu quản lý
của tỉnh Nghệ An.
b) Thời gian thực hiện: Chiến lược
có tầm nhìn đến năm 2030, đủ thời gian để đạt được viễn cảnh mong muốn về đới bờ
Nghệ An trong tương lai theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, các nhiệm vụ
của Chiến lược tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong
giai đoạn từ nay đến năm 2020.
3. Các nhiệm vụ của Chiến lược
Chiến lược gồm 05 nhiệm vụ cho
giai đoạn từ nay đến năm 2020, như sau:
a) Nhiệm vụ 1: Nâng cao nhận thức
cộng đồng về giá trị của đới bờ, đe dọa đối với đới bờ và việc sử dụng bền vững
đới bờ thông qua cách tiếp cận quản lý tổng hợp đới bờ.
b) Nhiệm vụ 2: Tăng cường năng lực
điều phối, phối hợp và sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý tài
nguyên và môi trường đới bờ.
c) Nhiệm vụ 3: Bảo vệ, duy trì, phục
hồi và tôn tạo các giá trị tự nhiên, sinh thái, cảnh quan, văn hóa và lịch sử của
đới bờ.
d) Nhiệm vụ 4: Ngăn ngừa, giảm thiểu
những tác động tiêu cực đến môi trường, con người từ các hoạt động phát triển
kinh tế - xã hội thiếu bền vững và do thiên tai.
e) Nhiệm vụ 5: Phát triển bền vững
đới bờ trên cơ sở khai thác, sử dụng khôn khéo và tiết kiệm tài nguyên, tối ưu
các giá trị và hài hòa lợi ích có được từ đới bờ.
4. Các giải pháp thực hiện Chiến
lược
a) Nâng cao nhận thức cộng đồng về
giá trị của đới bờ, đe dọa đối với đới bờ và việc sử dụng bền vững đới bờ thông
qua cách tiếp cận QLTHĐB.
- Triển khai hiệu quả Kế hoạch
truyền thông tổng hợp đã xây dựng trong khuôn khổ Dự án QLTHĐB của tỉnh.
- Đào tạo tăng cường năng lực cho
các tuyên truyền viên nòng cốt của Dự án nhằm tổ chức thực hiên có hiệu quả Kế
hoạch truyền thông tổng hợp.
- Lồng ghép nội dung về QLTHĐB vào
các hoạt động truyền thông của các Sở, ban, ngành và tổ chức liên quan trên địa
bàn.
- Lồng ghép nội dung về bảo vệ
TN&MT biển và ven biển vào chương trình giáo dục phổ thông các cấp.
- Tổ chức các chiến dịch truyền
thông cho các đối tượng trực tiếp khai thác, sử dụng TN&MT đới bờ về giá trị
của đới bờ, đe dọa đối với đới bờ và trách nhiệm của các bên trong bảo vệ
TN&MT đới bờ.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo
phổ biến kết quả và kinh nghiệm quản lý TN&MT biển, ven biển và QLTHĐB của
tỉnh cho cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và các tổ chức xã hội,
nghề nghiệp.
- Tổ chức các đợt tham quan học tập
thực tế trong và ngoài nước cho các cán bộ quản lý các cấp về QLTHĐB, nhằm tăng
cường kiến thức và kinh nghiệm về QLTHĐB nói riêng và quản lý TN&MT biển và
ven biển nói chung.
b) Tăng cường năng lực điều phối,
phối hợp và sự tham gia của các bên liên quan trong quản lý TN&MT đới bờ.
- Củng cố, từng bước thể chế hóa
cơ chế điều phối Dự án QLTHĐB của tỉnh, thông qua hoạt động của Ban điều phối
đa ngành, Văn phòng và Tổ hỗ trợ kỹ thuật đa ngành.
- Tăng cường năng lực kỹ thuật cho
Văn phòng Dự án QLTHĐB tỉnh Nghệ An.
- Đào tạo, nâng cao trình độ cho
thành viên của Tổ hỗ trợ kỹ thuật đa ngành của Dự án QLTHĐB tỉnh Nghệ An; phát
triển nguồn cán bộ kỹ thuật nòng cốt để đào tạo tiếp nguồn nhân lực cho hoạt động
QLTHĐB tại địa phương.
- Xây dựng và ban hành các quy định
hành chính và các hướng dẫn kỹ thuật hỗ trợ việc triển khai QLTHĐB.
- Xây dựng trang thông tin điện tử
về QLTHĐB của tỉnh Nghệ An.
- Xây dựng và triển khai chương
trình quan trắc môi trường tổng hợp tại đới bờ.
- Củng cố, phát triển cơ sở dữ liệu
về TN&MT đới bờ trong khuôn khổ dự án QLTHĐB của tỉnh, xây dựng và triển
khai cơ chế sử dụng và chia sẻ thông tin cho các bên liên quan.
- Xây dựng và triển khai cơ chế
huy động nguồn và chi tiêu tài chính phù hợp, phục vụ QLTHĐB.
- Tăng cường phối hợp với các tỉnh
lân cận là Thanh Hóa và Hà Tĩnh trong việc xác định và giải quyết những vấn đề
về TN&MT biển và ven biển mang tính liên địa phương.
- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục
Biển, Hải đảo và các địa phương đang triển khai QLTHĐB.
- Tham gia mạng lưới Khu vực “Các
địa phương áp dụng QLTHĐB” trong khuôn khổ PEMSEA và tăng cường các hợp tác quốc
tế liên quan khác.
c) Bảo vệ, duy trì, phục hồi và
tôn tạo các giá trị tự nhiên, sinh thái, cảnh quan, văn hóa và lịch sử của đới
bờ.
- Xây dựng và triển khai chương
trình, kế hoạch bảo vệ và phục hồi cảnh quan tự nhiên và giá trị sinh thái của
hệ thống đường bờ biển (bao gồm bãi biển, các cồn cát, đê biển và rừng phòng hộ
ven biển).
- Xây dựng và triển khai chương
trình/kế hoạch bảo vệ và phục hồi các vùng cây ngập mặn tại các cửa sông, cửa lạch,
tập trung vào khu vực cửa Hội (sông Cả), cửa Vạn (sông Bùng), cửa Lạch Quèn và
cửa Lạch Cờn (sông Mai Giang) và xã Hưng Hòa (thành phố Vinh).
- Khoanh vùng và xây dựng chương
trình bảo vệ, bảo tồn các loài thủy sản đặc hữu, có giá trị tại vùng biển ven bờ
của tỉnh.
- Xây dựng và triển khai quy hoạch
phát triển du lịch sinh thái tổng hợp vùng ven biển của tỉnh.
- Xây dựng và triển khai chương
trình, kế hoạch quản lý tổng hợp tài nguyên nước mặt, nước dưới đất tỉnh Nghệ
An.
- Điều tra, đánh giá, đề xuất các
khu bảo vệ, bảo tồn sinh thái, cảnh quan ven biển.
- Xây dựng và triển khai các
chương trình bảo vệ và tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử tại vùng ven biển.
- Củng cố chương trình/kế hoạch bảo
vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn của tỉnh.
d) Ngăn ngừa, giảm thiểu những tác
động tiêu cực đến môi trường, con người từ các hoạt động phát triển KTXH thiếu
bền vững và do thiên tai.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch
quản lý tổng hợp chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, trong đó có vùng ven biển, từ
khâu thu gom cho tới tiêu huỷ chất thải.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch
kiểm soát ô nhiễm cho các khu vực cửa lạch, cửa sông và các cảng biển (đặc biệt
là cảng Cửa Lò), khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp Nam Cấm, Bắc Vinh;
Hoàng Mai, Đông Hồi, Thọ Lộc, các cụm công nghiệp và các làng nghề ven biển.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch ứng
phó sự cố tràn dầu và kiểm soát ô nhiễm dầu cho tỉnh Nghệ An.
- Đánh giá rủi ro môi trường nước
ven biển, xác định các điểm nóng ô nhiễm và đề xuất các giải pháp giảm thiểu rủi
ro.
- Đánh giá mức độ tổn thương vùng
ven biển và xây dựng kế hoạch phòng ngừa, thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do
thiên tai, biến đổi khí hậu, tập trung vào các vấn đề lũ lụt, ngập úng, hạn
hán, xói lở bờ biển, nhiễm mặn, nước biển dâng và biến đổi khí hậu.
- Đánh giá và đề xuất giải pháp
ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý dư lượng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc
BVTV trong nông nghiệp vùng ven biển;
- Xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm
các điểm tồn lưu thuốc BVTV thuộc các huyện, thành, thị ven biển, gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
- Thực thi nghiêm ngặt quy định
pháp luật về bảo vệ môi trường, nguồn lợi biển, đặc biệt là các hành vi đánh bắt
mang tính hủy diệt, áp dụng cho cả các đối tượng trong và ngoài tỉnh.
- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu
đãi và khuyến khích đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý môi
trường và phục hồi TN&MT vùng ven biển.
- Xây dựng các chương trình sản xuất
sạch hơn và tiết kiệm năng lượng, áp dụng cho các ngành sản xuất công nghiệp,
nông nghiệp và chế biến vùng ven biển.
- Triển khai áp dụng hệ thống ISO
14000 đối với các doanh nghiệp trên địa bàn vùng ven biển.
e) Phát triển bền vững đới bờ trên
cơ sở khai thác, sử dụng khôn khéo và tiết kiệm tài nguyên, tối ưu các giá trị
và hài hòa lợi ích có được từ đới bờ.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch
phân vùng sử dụng tổng hợp đới bờ Nghệ An.
- Rà soát, điều chỉnh các nội dung
quy hoạch, kế hoạch ngành liên quan đến TN&MT đới bờ, phù hợp với phân vùng
sử dụng đới bờ được phê duyệt.
- Xây dựng và triển khai kế hoạch
quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Cả.
- Xây dựng kế hoạch phát triển hợp
lý các công trình thủy điện, loại bỏ các công trình thủy điện quy mô nhỏ kém hiệu
quả.
- Xây dựng kế hoạch sử dụng nước bền
vững tại vùng hạ lưu.
- Xây dựng và triển khai các dự án
phát triển năng lượng sạch và tái tạo.
5. Kinh phí thực hiện Chiến lược
a) Kinh phí thực hiện Chiến lược
được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của các Sở, ngành, địa phương
theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và huy động từ các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài tỉnh theo quy định của pháp luật.
b) Căn cứ nhiệm vụ được giao, các
Sở, ngành, địa phương lập dự toán chi hàng năm bảo đảm các hoạt động của Chiến
lược; gắn kết với các Chương trình, Dự án liên quan do Sở, ngành, địa phương chủ
trì trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 2. Tổ chức thực hiện Chiến lược
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị ven
biển tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nội dung của Chiến lược quản
lý tổng hợp đới bờ tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở:
Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn, Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông,
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương; Ban Quản lý KKT Đông Nam; Thủ trưởng
các Sở, ban ngành khác liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Viết Hồng
|