QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CÁC CỤM, TUYẾN DÂN CƯ VÀ NHÀ Ở VÙNG NGẬP LŨ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(Ban hành theo quyết định số 26/2006/QĐ-UBND ngày 30 /06/2006 của UBND tỉnh
Long An)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp
dụng.
Quy định này được áp dụng đối với các cụm, tuyến
dân cư và nhà ở thuộc vùng ngập lũ trên địa bàn tỉnh Long An được đầu tư xây dựng
theo các quyết định do UBND tỉnh ban hành trên cơ sở Quyết định 173 và Quyết định
1548 của Thủ tướng Chính phủ nêu trên.
Điều 2. Đối tượng áp dụng.
1. Các hộ dân đã được bố trí vào ở (hoặc
được phép tạm trú) trên cụm, tuyến dân cư, bao gồm:
a) Các hộ dân được xét vay mua nền, vay
xây dựng nhà ở theo quyết định 4382 của UBND tỉnh;
b) Các hộ mua nền theo giá kinh doanh và
tự xây dựng nhà ở.
2. Các hộ dân thuộc diện KT3 đã được
chính quyền, đoàn thể cấp xã xét duyệt và được UBND huyện phê duyệt vào ở trên
cụm, tuyến dân cư theo Quyết định 204 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Các nội dung phải
quản lý, sử dụng và phát triển trên cụm, tuyến dân cư.
1. Quản lý nhà ở, đất ở cụm, tuyến dân
cư.
2. Quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật
sau đầu tư : đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cung cấp điện,
hệ thống thông tin liên lạc…
3. Quản lý các công trình hạ tầng xã hội
sau đầu tư: trường học, trạm y tế, chợ, bưu điện văn hóa xã, công viên cây
xanh…
4. Quản lý trật tự an toàn xã hội, vệ
sinh môi trường.
5. Định hướng phát triển các cụm dân cư
trung tâm xã, thị trấn gắn với phát triển thị trấn, thị tứ hình thành khu đô thị
trong tương lai.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện.
1. Tuân thủ theo quy hoạch được duyệt và
các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng đối với công trình cụm,
tuyến dân cư và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở trên cụm,
tuyến dân cư.
2. Bảo đảm chất lượng công trình cụm, tuyến
dân cư sau đầu tư.
3. Phát triển đời sống cộng đồng trên cụm,
tuyến dân cư.
Chương II
QUẢN LÝ VỀ NHÀ Ở, ĐẤT Ở
TRÊN CỤM, TUYẾN DÂN CƯ
Điều 5. Tiêu chuẩn nhà ở xây
dựng trên cụm, tuyến dân cư.
1. Nhà ở được xây dựng trên cụm, tuyến
dân cư phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 1 - Quyết định
2313 của UBND tỉnh, cụ thể như sau:
a) Cấp nhà được xây dựng tối thiểu là nhà cấp 4.
b) Niên hạn sử dụng tối thiểu là 20 năm (nhà bán
kiên cố).
c) Diện tích xây dựng nhà tối thiểu là: 32 m2.
d) Phải có nhà xí, nhà tắm phù hợp tiêu chuẩn về
vệ sinh môi trường.
e) Phải tuân thủ quy hoạch xây dựng được duyệt về:
lộ giới, chỉ giới xây dựng.
2. Nhà ở trên cụm, tuyến dân cư có thể được
xây dựng theo mẫu thống nhất do Nhà nước cho vay bằng hiện vật hoặc theo mẫu
thiết kế phù hợp sinh hoạt của các hộ dân nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy
định tại khoản 1 điều này.
3. Đối với các hộ nghèo, chính sách, trước
đây đã xây dựng nhà ở không đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 - điều này,
chính quyền cấp huyện, xã có biện pháp hỗ trợ các hộ này từng bước cải thiện
nhà ở hoàn thiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ký khế ước vay xây dựng nhà ở
như: xét cho vay theo các chương trình khác được phân bổ cho địa phương, hoặc lồng
ghép vào các chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà của các tổ chức đoàn thể
(nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa…).
4. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo
UBND cấp xã thực hiện các biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách cải thiện
nhà ở (nêu tại khoản 3 điều này).
Điều 6. Quản lý nhà ở, đất ở
đối với các hộ thuộc đối tượng được bình xét vào ở cụm, tuyến dân cư.
1. Trong vòng 10 (mười) năm kể từ ngày nhận
nhà ở, các hộ dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng thời bị
hạn chế các quyền sau: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng, cho quyền
sử dụng đất, quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn (Ngoại trừ các trường hợp đã
thanh toán hết nợ vay của Nhà nước). Trong trường hợp vì do biến cố gia đình, bệnh
tật, phải di chuyển chỗ ở,… các hộ dân muốn chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho
nhà ở, quyền sử dụng đất ở phải đảm bảo các điều kiện sau:
a) Chính quyền, đoàn thể địa phương (cấp xã) và
Ngân hàng chính sách xã hội xác nhận thực tế hoàn cảnh gia đình và việc thanh
toán hết nợ vay của hộ dân.
b) Được sự cho phép của UBND cấp huyện.
c) Giá trị nhà ở, đất ở phải được tính theo giá
trị ban đầu cộng thêm lãi vay tại thời điểm hộ dân muốn chuyển nhượng.
d) Chỉ được chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở và
quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân thuộc đối tượng được bình xét vào ở cụm, tuyến
dân cư theo quy định.
đ) Chưa thực hiện thu tiền sử dụng đất, lệ phí
trước bạ khi tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền
sở hữu nhà ở đối với các hộ thuộc đối tượng được bình xét vào ở cụm, tuyến dân
cư.
2. Các hộ dân được giao đất phải tiến
hành xây dựng nhà ở trong thời hạn 01 năm (một năm) kể từ ngày được nhận (kể cả
hộ được xét duyệt và hộ mua đất với giá kinh doanh). Quá thời hạn nêu trên, nếu
không tiến hành xây dựng, UBND xã có trách nhiệm báo cáo về UBND huyện lập thủ
tục thu hồi đất. Giá đất thu hồi được tính theo điểm c- khoản 1 - điều này.
3. Cho phép các hộ dân được sửa chữa,
hoàn thiện, nâng cấp nhà ở sau khi bàn giao đưa vào sử dụng nhưng phải đảm bảo
lộ giới và chỉ giới xây dựng được duyệt. Trường hợp phá dỡ xây dựng mới, phải lập
thủ tục xin phép xây dựng theo quy định hiện hành. UBND cấp xã có trách nhiệm
theo dõi, giám sát quá trình xây dựng nhà ở của các hộ dân trên cụm, tuyến dân
cư thuộc địa bàn.
Điều 7. Quản lý nhà ở, đất ở
trong khu vực bán giá kinh doanh.
1. Các hộ dân mua lô đất trên cụm, tuyến
dân cư với giá kinh doanh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi
hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Việc xây dựng nhà ở phải tuân thủ theo
trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng.
3. Được thực hiện các quyền chuyển đổi,
chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền
thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi
Nhà nước thu hồi đất sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đồng
thời được thực hiện các quyền về sở hữu nhà ở sau khi được cấp giấy chứng nhận
quyền sở hữu nhà ở. Nhà nước khuyến khích các hộ này sớm xây dựng nhà ở, công
trình trên cụm, tuyến dân cư đúng mục tiêu của chương trình Dân sinh vùng lũ.
4. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử
dụng đất theo quy định tại điều 107 - Luật Đất đai.
Điều 8. Quản lý, bảo vệ công
trình hạ tầng kỹ thuật
1. Các công trình hạ tầng kỹ thuật trên cụm,
tuyến dân cư, bao gồm: đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước (trạm cấp nước,
đài nước, mạng lưới đường ống), hệ thống thoát nước (cống ngầm, mương nổi, hố
ga, công trình xử lý nước bẩn) và hệ thống cấp điện (trụ điện, đường dây, trạm
biến áp…), hệ thống chiếu sáng công cộng, công trình thuộc mạng bưu chính, viễn
thông công cộng... phải đảm bảo yêu cầu phục vụ cho đời sống, sinh hoạt của cộng
đồng dân cư, được xây dựng theo đúng quy hoạch và thiết kế được duyệt.
2. Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đang
sinh sống trên cụm, tuyến dân cư có nghĩa vụ và trách nhiệm tham gia quản lý, vận
hành, bảo vệ các công trình này; tham gia trực tiếp hoặc đóng góp kinh phí để
thực hiện các công tác: quét đường, nạo vét cống thoát nước, hố ga, duy tu, bảo
dưỡng định kỳ.
3. Các đơn vị công ích hoạt động trên địa
bàn huyện (hoặc Cty Công trình công cộng các huyện) có trách nhiệm thực hiện
công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình đường giao thông; cấp, thoát nước, nạo
vét hố ga… theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
4. UBND cấp xã chỉ đạo và tổ chức việc
huy động, trồng cây xanh trên vĩa hè, cây xanh phòng hộ dưới chân mái ta-luy
các cụm, tuyến để phòng chống thiên tai, sạt lỡ, cải thiện môi trường.
5. Việc khai thác, sử dụng các công trình
hạ tầng kỹ thuật, cây xanh trong các cụm, tuyến phải được phép của cơ quan thẩm
quyền đồng thời phải tuân thủ đúng các quy định về quản lý hạ tầng kỹ thuật tại
các khu dân cư, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và sinh hoạt của nhân dân.
6. Phòng Hạ tầng Kinh tế huyện là cơ quan
đầu mối hướng dẫn thực hiện việc quản lý, vận hành, khai thác và duy tu, bảo dưỡng
các công trình hạ tầng kỹ thuật, cây xanh trên các cụm, tuyến dân cư.
Điều 9. Quản lý, bảo vệ các
công trình hạ tầng xã hội.
1. Các công trình hạ tầng xã hội trên cụm,
tuyến dân cư bao gồm: trường học, bưu điện văn hóa xã, chợ, trạm y tế, nhà trẻ
- mẫu giáo, công viên cây xanh… được bố trí theo tổng mặt bằng được cấp thẩm
quyền phê duyệt.
2. Các hình thức đầu tư công trình hạ tầng
xã hội:
a) Đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
b) Đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
c) Đầu tư lồng ghép từ các chương trình mục
tiêu.
3. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sống
trên cụm, tuyến dân cư có trách nhiệm cùng tham gia với Nhà nước quản lý, vận
hành, duy tu, bão dưỡng nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả các công
trình hạ tầng xã hội được đầu tư trên địa bàn.
4. Nhà nước khuyến khích và có chính sách
ưu đãi cho các hộ gia đình, cá nhân có nguồn vốn nhàn rỗi tham gia thực hiện xã
hội hóa đầu tư xây dựng các công trình trường học, mẫu giáo, nhà trẻ,... theo
quy định của pháp luật.
5. Việc khai thác, sử dụng các công trình
hạ tầng xã hội trên cụm, tuyến dân cư phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 10. Quản lý hành
chính, trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường trên cụm, tuyến dân cư.
Các hộ dân sống trên các cụm, tuyến dân cư phải
tuân thủ các quy định về quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh
môi trường và các hoạt động khác của cộng đồng dân cư, cụ thể như sau:
1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của công
dân theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chấp hành đúng các quy định của chính
quyền địa phương, quy ước của khóm, ấp;
3. Tuân thủ các quy định về cư trú, quản
lý hộ khẩu;
4. Giữ gìn trật tự an ninh nơi cư trú.
5. Tuân thủ các quy định về vệ sinh môi
trường, có ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng: Thu gom và đỗ rác đúng nơi quy
định, không để nước thải làm bẩn nguồn nước, không làm ảnh hưởng đến hệ thống cống
thoát nước chung…; việc chăn nuôi gia súc phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn
của cơ quan chuyên môn đồng thời đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường… Không chôn
cất người chết trong cụm, tuyến dân cư.
6. Các đối tượng hoạt động sản xuất kinh
doanh trên cụm, tuyến dân cư ngoài việc tuân thủ các quy định hiện hành của
pháp luật còn có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự, an toàn xã hội
trên cụm, tuyến dân cư.
7. Bảo vệ cây xanh trên cụm, tuyến dân
cư.
8. Nêu cao ý thức cộng đồng, xây dựng
tình đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống; Giữ gìn
đạo lý, tình làng, nghĩa xóm; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng
dân cư; cùng nhau xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại.
9. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc
cưới, tang, lễ hội theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện công tác phòng cháy chữa
cháy trên mỗi cụm, tuyến theo quy định.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của
chính quyền, đoàn thể cấp huyện/xã:
1. Chủ tịch UBND các huyện có đầu tư các
cụm, tuyến dân cư chịu trách nhiệm:
a) Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đầu
tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bằng các hình thức:
huy động vốn của doanh nghiệp, xã hội hóa, lồng ghép từ các chương trình mục
tiêu…
b) Chỉ đạo phòng Hạ tầng Kinh tế huyện
làm đầu mối hướng dẫn cụ thể cho cấp xã, các đơn vị công ích (Cty Công trình
Công cộng hoặc các Tổ dịch vụ công ích…) thực hiện nhiệm vụ quản lý, vận hành,
duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn.
c) Chỉ đạo thực hiện thành công mục tiêu
đưa dân vào ở đồng thời phấn đấu đảm bảo 100% số hộ sống trong vùng ngập lũ có
nhu cầu di dời được bố trí nhà ở ổn định trên cụm, tuyến dân cư.
d) Ban hành Điều lệ quản lý xây dựng từng
cụm, tuyến dân cư trên cơ sở quy hoạch tổng mặt bằng đã được phê duyệt; Lưu ý quản
lý chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, khoảng lùi xây dựng, cốt xây dựng, chiều
cao xây dựng, số tầng … Tổ chức theo dõi triển khai thực hiện các quy định này.
đ) Chỉ đạo việc đào tạo nghề, tạo công ăn
việc làm cho các hộ dân sống trên cụm, tuyến dân cư.
e) Phát triển các cụm, tuyến dân cư thành các
khu dân cư văn hóa tập trung.
g) Báo cáo về Sở Xây dựng định kỳ hằng
tháng về tình hình triển khai các quy định này.
2. UBND các xã có đầu tư xây dựng cụm,
tuyến dân cư có trách nhiệm:
a) Thực hiện việc bình xét, cho vay theo
đúng quy định hiện hành.
b). Theo dõi, giám sát quá trình xây dựng
nhà ở của các hộ dân thuộc địa bàn .
c) Quản lý nhà ở, đất ở, công trình của
các hộ dân cư theo thẩm quyền.
d) Điều chỉnh, bố trí, sắp xếp, bố trí
dân cư phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương đồng thời đảm bảo đúng quy
định của pháp luật.
đ) Trực tiếp tổ chức thực hiện công tác
quản lý khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng hệ thống công trình hạ tầng kỹ
thuật, hạ tầng xã hội trên cụm, tuyến dân cư
e) Có biện pháp cải thiện nhà ở cho các hộ
dân theo khoản 3 - điều 5 của quy định này.
g). Thực hiện công tác quản lý hành
chính, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường trên các cụm, tuyến dân cư
theo thẩm quyền.
3. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn
thể cấp xã, ban tự quản khu phố, xóm (ấp) thực hiện chức năng tuyên truyền, vận
động người dân trong khu vực có trách nhiệm thực hiện tốt các quy định này.
Điều 12. Trách nhiệm các Sở
ngành tỉnh.
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
chịu trách nhiệm về công tác giao đất; quản lý hầm khai thác đất; công tác vệ
sinh môi trường.
2. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội chịu trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho
các hộ dân.
3. Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin có
trách nhiệm hướng dẫn các hoạt động văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa tại các
khu dân cư.
4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chịu
trách nhiệm hướng dẫn các hoạt động trồng cây xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm
trên cụm, tuyến dân cư.
5. Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch huớng
dẫn việc xây dựng chợ, tổ chức các hoạt động thương mại - dịch vụ trên cụm, tuyến
dân cư.
6. Giám đốc các Sở ngành có liên quan hướng
dẫn việc thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành trên cụm,
tuyến dân cư.
7. Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm
hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở
trên cụm, tuyến dân cư; Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện quy định
này.
Điều 13. Khen thưởng và xử
lý vi phạm.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định này
sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành, các trường hợp vi phạm tùy theo mức
độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Thanh kiểm tra.
Cơ quan chức năng và thanh tra các ngành, các cấp
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra
việc quản lý sử dụng các công trình cụm, tuyến dân cư sau đầu tư, kịp thời phát
hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.