QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT
TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG 2015
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 436/TTr-KHCN ngày 05 tháng 11 năm 2007 về
việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2010
và định hướng 2015, tỉnh Kiên Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển khoa học
và công nghệ tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và định 2015, với những nội dung chủ
yếu như sau:
1. Tên kế hoạch: Kế hoạch tổng
thể phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và định hướng
2015.
2. Đơn vị thực hiện: Sở Khoa học
và Công nghệ.
3. Mục tiêu chung:
- Phát triển tiềm lực khoa học
và công nghệ đủ mạnh để tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng đảm bảo nền
kinh tế tỉnh đủ sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế;
- Tập trung mọi nỗ lực để tạo
bước phát triển trong các lĩnh vực mũi nhọn: công nghệ sinh học, công nghệ
thông tin (công nghệ phần mềm), công nghệ sau thu hoạch, công nghệ vật liệu
tiên tiến, công nghệ điện tử - viễn thông, công nghệ năng lượng mới, công nghệ
cơ khí, nhằm đảm bảo tăng trưởng GDP đạt mức bền vững trên 13%/năm;
- Tạo môi trường công nghệ thuận
lợi để thúc đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ (15 ¸ 20%/năm) nhằm thực
hiện thành công quá trình công nghệ hóa, hiện đại hóa;
- Chuyển giao nhanh các tiến bộ
khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống nhằm khai thác có hiệu quả tiềm
năng, thế mạnh của tỉnh về nông nghiệp, kinh tế biển trên cơ sở tạo lập thị trường
công nghệ sôi động để đẩy nhanh quá trình thương mại hóa các sản phẩm từ nghiên
cứu - triển khai;
- Đảm bảo các đề tài nghiên cứu
- triển khai phải đáp ứng yêu cầu khoa học thiết thực, có tính khả thi cao và
nhất thiết phải có địa chỉ áp dụng vào sản xuất và đời sống.
4. Các chỉ tiêu chủ yếu phát
triển khoa học và công nghệ chủ yếu:
a. Nghiên cứu - triển khai: phấn đấu triển khai các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học
công nghệ vào sản xuất và đời sống đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao và nâng tỉ lệ
các đề tài được nghiệm thu đưa vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống đạt
70-80%. Cụ thể như sau:
* Các nhiệm
vụ cấp Nhà nước: triển khai thực hiện 04 dự án thuộc chương trình nông thôn miền
núi do Trung ương quản lý từ nay đến 2015.
- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây
dựng mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh thích hợp cho vùng đồng bào dân tộc
Khmer xã biên giới Phú Lợi, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang;
- Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ các loại nấm tại tỉnh Kiên
Giang;
- Xây dựng vườn bảo tồn thực vật, nhằm lưu trữ và bảo tồn các loài cây
quý hiếm huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang;
- Ứng dụng công nghệ thiết kế
chế tạo với sự trợ giúp của máy tính (CAD/CAM) trong công nghiệp đóng tàu đánh
bắt thủy hải sản.
* Nhiệm vụ
cấp tỉnh:
- Dự án thuộc
chương trình nông thôn miền núi do địa phương quản lý gồm 03 dự án:
+ Ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm
cá tra công nghiệp trong ao đất tại xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên
Giang;
+ Khai thác bền vững đồng cỏ bằng
kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh
Kiên Giang;
+ Xây dựng mô hình thí điểm rạn nhân tạo ở vùng biển tỉnh Kiên Giang.
- Các đề
tài nghiên cứu khoa học (2006-2010) gồm: 55 đề tài
+ Lĩnh vực
nghiên cứu KHXH&NV-KHTN: 20 đề tài;
+ Ứng dụng
triển khai (CNSH, chuyển giao KHKT…): 35 đề tài.
b. Phát
triển tiềm lực khoa học – công nghệ:
* Tăng cường
đội ngũ cán bộ KH-CN:
- Nâng tỷ lệ
cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề từ 121 người/vạn dân lên
150 - 200 người/vạn dân;
- Nâng số
cán bộ có trình độ trên đại học từ 271 người (trong đó có 11 TS) lên 300 ¸ 400
người vào năm 2015.
* Đào tạo bồi
dưỡng cán bộ KH-CN:
- Tiến sĩ,
thạc sĩ và cán bộ đầu đàn (50 người); tuyển chọn và đào tạo cán bộ trẻ để đào tạo
nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh (200 người);
- Đào tạo
cán bộ cơ sở có trình độ chuyên môn theo chức danh 90%; đào tạo cán bộ Chủ tịch,
Bí thư phường, xã dưới 40 tuổi có trình độ đại học và tương đương 100%;
- Bồi dưỡng
kiến thức: quản lý KH-CN (135 người); quản lý công nghệ và thẩm định công nghệ,
sở hữu công nghiệp (50 người); quản lý tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng (640
người); rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) (600 người); tin học và thông
tin KH-CN (15 người); quản lý hành chính Nhà nước (25 người); nghiệp vụ khác về
khoa học và công nghệ (65 người).
* Phát triển
cơ sở vật chất:
- Đầu tư
trang thiết bị cho hoạt động KH-CN: 10.208 triệu đồng, bao gồm: trang thiết bị
chuyên dùng cho công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng (683 triệu đồng); trang
thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác phân tích kiểm nghiệm (9.000 triệu đồng);
thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH-CN (525 triệu đồng);
- Đầu tư
xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất bao gồm: xây dựng xưởng thiết kế chế tạo
thiết bị mới (15.000 triệu đồng); xây dựng Trung tâm Giao dịch và Tư vấn chuyển
giao thiết bị - công nghệ (5.000 triệu đồng); nâng cấp Trung tâm Giống cây trồng
vật nuôi bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản (5.000 triệu đồng); nâng cấp
Trung tâm Ứng dụng và phát triển CNTT (1.000 triệu đồng).
* Xã hội
hóa kinh phí đầu tư cho hoạt động KH-CN:
- Nguồn vốn:
vốn ngân sách, vốn các cơ sở SXKD, vốn hợp tác liên kết KH-CN (đặc biệt chú trọng
huy động vốn từ khu vực kinh tế tư nhân);
- Kinh phí
đầu tư cho KH-CN: phấn đấu dành 2%/tổng chi ngân sách địa phương;
- Quỹ phát
triển KH-CN: ban hành Quy chế điều hành và sử dụng Quỹ có hiệu quả;
- Quỹ hỗ trợ
đầu tư mạo hiểm công nghệ cao: ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.
5.
Phát triển các dịch vụ hỗ trợ khoa học và công nghệ:
- Hoạt động
tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng: triển khai các Đề án: hỗ trợ doanh nghiệp
(DN) áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng (QLCL) tiên tiến; hỗ trợ DN đánh
giá, cải tiến và đổi mới công nghệ theo tiêu chuẩn ISO; hỗ trợ DN tìm hiểu và
tuân thủ các hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT); hỗ trợ các đơn
vị hành chính sự nghiệp (HCSN) áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu
chuẩn ISO;
- Hoạt động
sở hữu trí tuệ: đầu tư trang bị phương tiện tra cứu, cung cấp thông tin và tổ
chức dịch vụ tra cứu thông tin về SHTT; triển khai các Đề án: hỗ trợ DN xây dựng
thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT; tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong toàn
tỉnh;
- Thông tin
KH-CN: xây dựng cơ sở dữ liệu các thông tin trong lĩnh vực điều tra cơ bản và dữ
liệu thông tin KH-CN trên địa bàn tỉnh; hoàn chỉnh trang thông tin KH-CN trên
website của tỉnh; số hóa các đề tài nghiên cứu khoa học do Sở KH&CN quản
lý; tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức KH-CN trên địa bàn tỉnh;
bổ sung sách báo tư liệu trung bình hàng năm thành lập thư viện KH-CN;
- Phân tích
kiểm nghiệm: đầu tư nâng cấp Phòng Phân tích - Thử nghiệm thành Trung tâm Phân
tích kiểm nghiệm của tỉnh, phục vụ cho kiểm mẫu và phân tích các chỉ tiêu lý,
hóa, vi sinh được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng khu vực
III công nhận, với kinh phí đầu tư (nêu trên là 9.000 triệu đồng).
6. Giải pháp phát triển khoa học
và công nghệ đến năm 2010 và định hướng đến 2015:
6.1. Nhóm
giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ:
* Đối với
kích cầu công nghệ:
- Thành lập
Quỹ phát triển KH-CN (Quỹ KH-CN), ban hành Quy chế điều hành và sử dụng hiệu quả
Quỹ KH-CN; cùng các định chế tài chính cho phép Quỹ KH-CN hỗ trợ vốn cho doanh
nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị - công nghệ;
- Thành lập
Quỹ hỗ trợ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao để nhằm hình thành và phát triển doanh
nghiệp công nghệ cao;
- Tư vấn, hỗ
trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập để giúp doanh nghiệp
có được chỗ dựa vững chắc trong đầu tư đổi mới thiết bị - công nghệ;
- Phân
tích, đánh giá, phổ biến kinh nghiệm các mô hình hiện đại hóa thành công cũng
như các bài học rút ra từ thất bại làm nền tảng giúp doanh nghiệp vững tin
trong đầu tư đổi mới thiết bị - công nghệ.
* Đối với
thúc đẩy cung công nghệ:
- Để đẩy
nhanh quá trình chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, các khu chế xuất, khu công
nghiệp tỉnh phải tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư trực
tiếp nước ngoài;
- Để đẩy
nhanh quá trình chuyển giao công nghệ trong nước, đòi hỏi các đề tài nghiên cứu
- triển khai nhất thiết phải có địa chỉ áp dụng (đơn vị đặt hàng phải vừa là
đơn vị ứng dụng);
- Để xứng
đáng là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới thiết bị -
công nghệ, đòi hỏi phải nâng cao khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH-CN, để
tạo ra các giải pháp công nghệ phù hợp, đáp ứng cho yêu cầu hiện đại hóa với
chi phí thấp. Ban hành Quy chế cho phép tính chi phí chất xám, chi phí chuyển
giao CN vào giá thành đối với các hợp đồng tư vấn và chuyển giao công nghệ nhằm
giúp cho các đơn vị hoạt động KH-CN giảm được thuế thu nhập doanh nghiệp.
* Đối
với liên kết cung - cầu công nghệ:
- Giải pháp cho vấn đề này nhằm
tạo nên kênh thông tin làm cầu nối giữa nghiên cứu và triển khai với doanh nghiệp.
Thông qua dự án đầu tư xây dựng Trung tâm giao dịch và tư vấn chuyển giao thiết
bị, công nghệ (Trung tâm). Trung tâm sẽ tổ chức
chợ thiết bị và công nghệ tại sàn giao dịch của
Trung tâm để tạo sự giao lưu trực tiếp giữa cung, cầu công
nghệ; đồng thời tạo lập chợ thiết bị, công nghệ
trên mạng để quảng bá các thiết bị công nghệ đến
doanh nghiệp. Ngoài ra Trung tâm còn có đội ngũ cán bộ KHKT đủ năng lực và kinh
nghiệm, xứng đáng là địa chỉ đáng tin cậy khi doanh nghiệp cần tư vấn về đầu tư
đổi mới thiết bị công nghệ;
- Thúc đẩy
phát triển thị trường SHTT nhằm khuyến khích các nhà sáng tạo công nghệ đăng ký
bảo hộ được quyền SHTT để tham gia chuyển nhượng lixăng/patăng hoặc góp vốn
liên doanh.
6.2. Nhóm
giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai (R-D):
- Phát triển
cơ sở vật chất cho R-D: triển khai các dự án phát triển cơ sở vật chất như được
trình bày trong kế hoạch;
- Nâng mức
đầu tư cho R-D: phấn đấu đạt mức 2% ngân sách địa phương chi cho hoạt động
KH-CN, đồng thời phải huy động vốn từ mọi nguồn, nhất là tranh thủ sự hỗ trợ vốn
của Trung ương, sử dụng vốn vay ODA và huy động vốn từ khu vực kinh tế tư nhân
là vô cùng quan trọng và được xem là giải pháp hàng đầu để nâng mức đầu tư cho
R-D trong bối cảnh ngân sách tỉnh còn hạn hẹp;
- Ban hành
Quy chế liên kết giữa các đơn vị R-D và giữa R-D với doanh nghiệp trên địa bàn
tỉnh:
+ Xây dựng
mạng lưới nối kết thông qua việc thành lập các Hội đồng KH-CN chuyên ngành, Hội
đồng tư vấn chuyển giao thiết bị - công nghệ,... do Sở Khoa học và Công nghệ quản
lý, trong đó tập hợp được các nhà KH-CN thuộc các ngành khác nhau tham gia vào
chương trình, dự án phát triển KH-CN của tỉnh.
+ Xây dựng
Quy chế liên kết các phòng thí nghiệm để sử dụng chung các trang thiết bị phục
vụ nghiên cứu và triển khai.
+ Xây dựng
Quy chế liên kết giữa cơ quan R-D với doanh nghiệp thông qua các hình thức hợp
đồng hợp tác KHKT; thành lập câu lạc bộ KH-CN, doanh nghiệp làm diễn đàn tiếp
xúc, trao đổi thường xuyên giữa doanh nghiệp với cán bộ KH-CN; Quy chế trợ giúp
kỹ thuật của bên cung công nghệ (cơ quan R-D) cho bên cầu công nghệ (doanh nghiệp).
Triển khai chương trình xã hội hóa hoạt động R-D nhằm đáp ứng 5 mục tiêu như kế
hoạch đặt ra.
6.3. Nhóm
giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý KH-CN:
- Hoàn thiện
cơ cấu tổ chức và nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về
KH-CN.
Tiếp tục sắp
xếp và tăng cường nhân sự cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về KH-CN
từ tỉnh xuống huyện, thị. Đồng thời nâng cao năng lực QLNN về KH-CN theo hai hướng
sau:
+ Xây dựng
kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý KH-CN cấp tỉnh, sở, ngành, huyện, thị, thành
phố, cơ sở;
+ Phối hợp
với Trường Nghiệp vụ quản lý KH-CN (Bộ KH&CN) mở các lớp bồi dưỡng kiến thức
và kỹ năng quản lý KH-CN theo nội dung kế hoạch đã được xây dựng, tranh thủ sự
hỗ trợ của Trung ương hoặc của quốc tế để tăng cường đào tạo và tham quan học tập
về quản lý KH-CN ở nước ngoài.
- Hoàn thiện
môi trường pháp lý vĩ mô về phát triển KH-CN:
Ban hành các quy chế đẩy mạnh hợp
tác quốc tế về KH-CN để nhằm khuyến khích các cơ quan quốc tế mở rộng hợp tác
KH-CN tại địa bàn tỉnh; khuyến khích các đơn vị R-D, các doanh nghiệp tổ chức
tham quan, khảo sát, học tập ở nước ngoài; khuyến khích hợp tác trao đổi cán bộ
KH-CN thực hiện các chương trình dự án phát triển KH-CN; khuyến khích doanh
nghiệp trong tỉnh liên doanh với nước ngoài góp vốn đầu tư vào các khu công
nghiệp, khu chế xuất…
- Phát huy vai trò xúc tác của
các dịch vụ hỗ trợ:
+ Đầu tư
mua sách báo để phổ biến nguồn tri thức KH-CN, trung bình bổ sung hàng năm: 30
đầu sách, 30 loại tạp chí, 20 loại tư liệu khác, 40 đĩa từ, quản lý cơ sở dữ liệu
về KH-CN;
+ Phổ biến
thông tin KH-CN trên Báo Kiên Giang; bản tin điện tử về nông nghiệp nông thôn,
thủy sản, y tế, tin học,… thông tin chuyên đề; phát thanh, truyền hình; phát
hành phim KH-CN; trên mạng internet nối mạng thông tin KH-CN giữa các thư viện,
cơ quan R-D trên địa bàn tỉnh và trong nước, đảm bảo mọi người đều có thể tiếp
cận được các nguồn thông tin KH-CN hiện có;
+ Tăng cường
công tác thông tin, tuyên truyền các văn bản pháp quy về tiêu chuẩn hóa, quản
lý chất lượng, đo lường; các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) nhất là các tiêu chuẩn
quốc tế, TCVN bắt buộc áp dụng đối với sản phẩm hàng hóa có liên quan đến an
toàn vệ sinh, môi trường; về Hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT);
phong trào năng suất và chất lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh;
+ Hướng dẫn
doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn; thực hiện việc công bố phù hợp tiêu chuẩn; chứng
nhận phù hợp tiêu chuẩn bắt buộc đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc danh mục phải
áp dụng tiêu chuẩn; khuyến khích chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn đối với những sản
phẩm khác;
+ Tăng cường
hệ thống kiểm định phương tiện đo, đào tạo nâng cao trình độ kiểm định viên đo
lường, đảm bảo năng lực kiểm định các phương tiện đo thiết yếu thuộc diện phải
kiểm định trên địa bàn. Hoàn thiện và tăng cường mạng lưới kiểm định một số
phương tiện đo thông dụng cấp huyện, thị. Phối hợp triển khai chương trình quản
lý đo lường giao nhận xăng dầu, khí đốt;
+ Đầu tư
năng lực kỹ thuật, tăng cường các thiết bị kiểm định, các chuẩn đo lường đáp ứng
nhu cầu của địa phương như điện kế, chuẩn khối lượng, đồng hồ nước,… Mở rộng khả
năng kiểm định một số lĩnh vực như đồng hồ xăng dầu, nhiệt, xitec ô tô, máy đo
tốc độ xe cơ giới,...;
+ Hỗ trợ
doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến thích hợp với mỗi
loại hình doanh nghiệp như ISO 9000, ISO 14000, HACCP, GMP…; tham gia giải thưởng
chất lượng VN; các chương trình của thập niên chất lượng 2006 - 2010; hỗ trợ
doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm;
+ Phối hợp
thực hiện các chương trình trọng điểm về quản lý chất lượng hàng hóa; bao gồm
chương trình quản lý chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường; chương
trình quản lý chất lượng sản phẩm điện, điện tử; triển khai thực hiện các nhiệm
vụ thuộc đề án triển khai thực hiện Hiệp định rào cản kỹ thuật trong thương mại
(TBT); mạng lưới thông báo hỏi đáp về TBT tại địa phương và phối hợp với Tổng cục
Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL), các ban ngành liên quan thực
hiện các đợt thanh kiểm tra về chất lượng sản phẩm hàng hóa, về đo lường (sử dụng
phương tiện đo, các hàng đóng gói sẵn) đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, nâng
cao uy tín doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng;
+ Tuyên
truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về SHTT: tăng cường công tác
tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức cơ bản về SHTT và giới thiệu, hướng dẫn
thi hành các quy định của pháp luật liên quan đến SHTT như Luật SHTT, các điều
ước quốc tế liên quan đến SHTT cho các đối tượng lãnh đạo, cán bộ QLNN, doanh
nghiệp, cán bộ lãnh đạo đoàn thể, hiệp hội,… bằng các hình thức: hội nghị, tập
huấn mỗi năm 2 - 3 cuộc và định kỳ, thường xuyên thông tin trên báo, đài và
trang web của tỉnh;
+ Phối hợp
với một số trường phổ thông, Cao đẳng Cộng đồng, Cao đẳng Sư phạm xây dựng
chương trình giáo dục về SHTT cho các đối tượng là học sinh, sinh viên. Tổ chức
và phát động phong trào thi đua sáng tạo kỹ thuật và hoạt động SHTT: tổ chức và
duy trì hàng năm Hội thi sáng tạo kỹ thuật trong toàn tỉnh, hướng dẫn và hỗ trợ
các tổ chức, cá nhân đạt giải trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật làm thủ tục bảo hộ
quyền SHTT nếu sản phẩm sáng tạo đạt tiêu chuẩn bảo hộ;
+ Hỗ trợ
các tổ chức, cá nhân xác lập quyền SHTT và phát triển tài sản trí tuệ: tư vấn
thủ tục cho các tổ chức, cá nhân khi đăng ký xác lập quyền các đối tượng SHCN,
NHHH, KDCN, SC/GPHI, TGXXHH, CDĐL; xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ
phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; thực hiện Quyết định số
68/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản
trí tuệ và triển khai Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ quyền SHTT và xây dựng
thương hiệu” đã được UBND tỉnh phê duyệt, trang bị phương tiện tra cứu, cung cấp
thông tin và tổ chức dịch vụ tra cứu thông tin về SHTT;
+ Xây dựng
cơ chế phối hợp đảm bảo thực thi quyền SHTT: phối hợp với Thanh tra Sở và các
cơ quan Thanh tra tỉnh, Hải quan, Tòa án, Quản lý thị trường, Công an tiến hành
xây dựng cơ chế phối hợp đảm bảo quyền SHTT của các tổ chức, cá nhân đươc thực
thi, phối hợp với Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi
phạm về SHTT theo kế hoạch hàng năm của Thanh tra Sở;
+ Củng cố
các hoạt động của các định chế tài chính, tín dụng ngân hàng thông qua các nỗ lực
áp dụng các chính sách tín dụng, chính sách thuê khoán, giải pháp thích hợp về
thủ tục thế chấp, bảo lãnh trong việc vay vốn cho các dự án đầu tư đổi mới thiết
bị và công nghệ; đồng thời áp dụng các biện pháp tuyên truyền, cổ động, khuyến
khích tiết kiệm và khuyến khích đến mức cao nhất để các doanh nghiệp và nhân
dân yên tâm bỏ vốn, vay vốn đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ, sản xuất hàng
công nghiệp xuất khẩu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống,...
đảm bảo mọi dự án khả thi đều có đủ vốn để triển khai.
6.4. Nhóm
giải pháp phát triển nguồn nhân lực KH-CN:
- Tăng cường
giáo dục đào tạo gắn kết với phát triển KH-CN:
+ Triển
khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 đã được
UBND tỉnh phê duyệt với các nội dung được trình bày trong phần Phụ lục;
+ Mở rộng
phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc đào tạo nguồn nhân lực
KH-CN, gửi cán bộ KH-CN đi học ở nước ngoài, có chế độ khuyến khích và có chính
sách “Chiêu hiền đãi sĩ” đối với chương trình du học tự túc ở nước ngoài nhằm đảm
bảo du học sinh tự túc khi tốt nghiệp về nước sẽ được trọng dụng;
+ Tạo môi
trường thuận lợi cho các nhà KH-CN tự mình tiếp tục học hỏi thông qua việc tham
gia vào các Hội thi sáng tạo KHKT hoặc tham dự vào các chương trình, dự án
nghiên cứu, triển khai có tầm cỡ và chuyên sâu với các nội dung nghiên cứu các
giải pháp công nghệ hoặc sáng tạo công nghệ phục vụ cho việc phát triển tiềm
năng, thế mạnh của tỉnh về nông lâm nghiệp và kinh tế biển…;
+ Chú ý đến
các biện pháp thu hút trí thức Việt kiều về nước làm việc thông qua việc giao
cho họ thực hiện những chương trình dự án quan trọng trong phát triển KH-CN.
Chính lực lượng này sẽ mang về cho tỉnh nhà những tri thức KH-CN hiện đại thúc
đẩy phát triển trình độ công nghệ của các doanh nghiệp. Nhưng vấn đề quan trọng
là phải đầu tư cơ sở vật chất cho R-D đáp ứng yêu cầu triển khai các công nghệ
hiện đại.
- Phát huy
vai trò và năng lực sáng tạo của đội ngũ KH-CN:
+ Ban hành
chính sách đãi ngộ đối với trí thức Việt kiều, chính sách thuê cán bộ KH-CN đầu
đàn trong và ngoài nước đến làm việc tại tỉnh Kiên Giang và chính sách lưu dụng
cán bộ KH-CN đầu đàn tuổi nghỉ hưu nhằm tạo môi trường thông thoáng cho đội ngũ
trí thức này cống hiến cho sự nghiệp phát triển KH-CN của địa phương nói riêng
và cả nước nói chung;
+ Ban hành
Quy chế tuyển dụng; chế độ đãi ngộ về phụ cấp chất xám, nhà ở, đi lại đối với cán bộ KH-CN hoạt động trong các cơ quan
R-D của Nhà nước nhằm tôn vinh vai trò và địa vị của họ trong xã hội. Bởi họ là
nguồn sáng tạo ra tri thức khoa học và các giải pháp công nghệ góp phần tăng
trưởng kinh tế và đưa nền sản xuất hội nhập được với các nước trên thế giới.
Điều 2. Giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với
các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Kế
hoạch tổng thể phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và
định hướng 2015.
Điều 3. Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các
sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký./.