Quyết định 2569/2003/QĐ-BGTVT Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đường sông Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Số hiệu 2569/2003/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 29/08/2003
Ngày có hiệu lực 22/09/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2569/2003/QĐ-BGTVT

Hà nội, ngày 29 tháng 08 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC ĐƯỜNG SÔNG VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003m của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Đường sông Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.

Cục Đường sông Việt Nam có tư cánh Pháp nhân, có con dấu, được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội.

Cục đường sông Việt Nam có tên giao dịch viết bằng tiếng Anh: VIETNAM INLAND WATERWAYS ADMINISTRATION, viết tắt là: VIWA.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án về phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa trong phạm vi cả nước.

2. Tham gia các dự án luật, pháp lệnh; chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khác về giao thông vận tải đường thủy nội địa theo phân công của Bộ trưởng.

3. Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, các định mức kinh tế - kỹ thuật và quy chế quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa.

4. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành sau khi được ban hành hoặc phê duyệt;

5. Chủ trì hoặc phối hợp trong việc thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.

6. Về kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa:

a. Trình Bộ trưởng quyết định đầu tư các dự án theo thẩm quyền; quản lý đầu tư và xây dựng đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý; quyết định đầu tư và tổ chức quản lý các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền;

b. Tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán, dự toán các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo phân cấp quản lý và quy định của pháp luật;

c. Trình Bộ trưởng quy định việc công bố đóng, mở cảng, bến; thực hiện việc công bố đóng, mở cảng, bến và thông báo luồng giao thông đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật;

d. Trình Bộ trưởng quyết định phân cấp quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; trực tiếp quản lý, sửa chữa và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa quốc gia;

đ. Thực hiện việc cấp phép hoặc tham gia cấp phép thi công, xây dựng các công trình có liên quan đến kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật;

e. Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa và an toàn giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

7. Về phương tiện thủy nội địa:

a. Trình Bộ trưởng ban hành quy định về danh mục phương tiện phải đăng ký, các quy định thủ tục đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu và thời hạn đăng ký, các quy định chủng loại, phạm vi hoạt động của các loại phương tiện, thiết bị chuyên dùng trên đường thủy nội địa;

b. Trình Bộ trưởng hướng dẫn việc nhập khẩu phương tiện, thiết bị chuyên ngành (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng).

8. Về hoạt động vận tải thủy nội địa:

a. Xây dựng trình Bộ trưởng ban hành cơ chế, chính sách phát triển vận tải và các dịch vụ liên quan đến vận tải thủy nội địa; xây dựng thể lệ vận tải hàng hóa, khách trên các tuyến vận tải;

b. Xây dựng trình Bộ trưởng quy định việc công bố các tuyến vận tải hàng hóa, hành khách và thực hiện việc công bố theo phân công của Bộ Trưởng;

[...]