Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2565/QĐ-UBND năm 2016 sửa đổi Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình"

Số hiệu 2565/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/08/2016
Ngày có hiệu lực 24/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Nguyễn Hữu Hoài
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2565/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 24 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐỀ ÁN “XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CẤP SỞ, BAN, NGÀNH, CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 3229/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số CCHC cấp sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”

Căn cứ Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 06/5/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 3818/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch CCHC năm 2016;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 984/TTr-SNV ngày 10 tháng 8 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, với các nội dung sau:

I. Mục tiêu và yêu cầu

1. Mục tiêu

- Xây dựng được thang điểm, phương pháp đánh giá chính xác, khoa học, khách quan, phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của từng cấp.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước; đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC.

- Tăng cường việc tham gia giám sát của tổ chức, công dân đối với nhiệm vụ CCHC cũng như việc quản lý chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức (CBCC), góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh (PCI) của tỉnh.

- Nâng cao năng lực, kỹ năng, hiệu quả hoạt động, tinh thần trách nhiệm, ý thức đạo đức công vụ của đội ngũ CBCC, nhất là những người trực tiếp đảm nhiệm công tác CCHC và bộ phận một cửa, một cửa liên thông các cấp.

- Hàng năm, công bố Chỉ số CCHC làm cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp và là một trong những tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng hàng năm cho tập thể, cá nhân.

2. Yêu cầu

- Bộ chỉ số phải bám sát nội dung Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1319/QĐ-UBND ngày 06/5/2016 của UBND tỉnh; Hình thành được hệ thống theo dõi, đánh giá đồng bộ, thống nhất, từng bước ổn định trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh tới cơ sở.

- Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế và đánh giá thực chất, khách quan kết quả triển khai CCHC theo chu kỳ hàng năm ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Các tiêu chí trong Chỉ số CCHC phải bảo đảm phản ánh đúng bản chất của công tác CCHC, phản ánh được những việc làm được, và chưa làm được, tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC. Tránh tình trạng thành tích trong tự chấm điểm Chỉ số CCHC.

- Đảm bảo có sự tham gia đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với quá trình triển khai CCHC của các cấp.

II. Nội dung sửa đổi, bổ sung bộ Chỉ số cải cách hành chính

1. Cấu trúc, kết cấu của Bộ chỉ số

Cấu trúc, kết cấu của Bộ chỉ số các cấp gồm 3 phần chính, cụ thể:

1.1. Phần I: Nhóm tiêu chí đánh giá theo lĩnh vực:

a) Chỉ số CCHC các sở, ban, ngành: Được xác định trên 08 lĩnh vực, 38 tiêu chí và 91 tiêu chí thành phần, cụ thể:

[...]