BỘ
Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
2565/QĐ-BYT
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 07 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÌ SỰ SỐNG CÒN TRẺ EM
GIAI ĐOẠN 2009 - 2015”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số
188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001 -
2010;
Căn cứ Quyết định số 136/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2001
- 2010;
Căn cứ Quyết định số 21/2001/QĐ-TTg ngày 22/02/2001 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010;
Căn cứ Công văn số 4947/VPCP-QHQT ngày 01/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt báo cáo “Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ”;
Theo đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt “Kế hoạch hành động vì sự sống còn trẻ em
giai đoạn 2009 - 2015” (có bản kế hoạch chi tiết kèm theo) với các nội dung chủ
yếu sau đây:
1. Mục tiêu
chung
Củng cố và mở rộng diện bao phủ các
can thiệp thiết yếu vì sự sống còn trẻ em nhằm giảm sự khác biệt về chăm sóc sức
khỏe trẻ em; cải thiện sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong trẻ em ở tất cả các vùng,
miền trong cả nước, hướng tới đạt Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ 4 “giảm tỷ
lệ tử vong ở trẻ em” vào năm 2015.
Chỉ tiêu đến năm 2015.
1. Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5
tuổi xuống < 18‰.
2. Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1
tuổi xuống < 15‰.
3. Giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh
xuống < 10‰.
4. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới
5 tuổi cân nặng theo tuổi xuống < 15% và suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi
xuống < 25%.
2. Mục tiêu cụ
thể
a) Mục tiêu 1. Mở rộng diện
bao phủ các can thiệp thiết yếu chăm sóc trẻ em, tăng cường sự sẵn có và khả
năng tiếp cận đối với trẻ em ở các vùng núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội
khó khăn.
Chỉ tiêu đến năm 2015:
- Tăng tỷ lệ trẻ được bú mẹ ngay
trong vòng 1 giờ sau sinh lên 90%.
- Tăng tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi
được bú mẹ hoàn toàn lên 50%.
- Tăng tỷ lệ trẻ 6-9 tháng tuổi được
bú mẹ và cho ăn bổ sung hợp lý lên 85%.
- Tăng tỷ lệ trẻ từ 6-36 tháng tuổi
được uống vitamin A một năm 2 lần lên 90%.
- Tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy
đủ trong năm đầu lên 90% (vùng núi: 80%; đồng bằng: 95%).
- Tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng
phòng sởi trong năm đầu lên 95% (vùng núi: 90%; đồng bằng: 98%).
- Tăng tỷ lệ bà mẹ mang thai được
tiêm phòng uốn ván đầy đủ lên 95% (vùng núi: 80%; đồng bằng: 98%).
- Tăng tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế lên
95% (vùng núi: 80%; đồng bằng: 98%). Bảo đảm 90% các trẻ đẻ tại nhà phải được
cán bộ y tế đỡ.
- Bảo đảm 80% trẻ sơ sinh được thăm
khám tại nhà, ít nhất là 1 lần trong tuần đầu sau đẻ.
b) Mục tiêu 2: Nâng cao kiến
thức và kỹ năng thực hành cửa cán bộ y tế tại các tuyến về chăm sóc sơ sinh nhằm
giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong sơ sinh.
Chỉ tiêu đến năm 2015:
- 95% cán bộ y tế tham gia đỡ đẻ và
chăm sóc sơ sinh trong các cơ sở y tế công lập phải được đào tạo về chăm sóc sơ
sinh thiết yếu và hồi sức sơ sinh cơ bản theo Chuẩn quốc gia.
- 95% các trường đại học, cao đẳng
và trung cấp Y có chương trình đào tạo về chăm sóc sơ sinh thiết yếu.
- 50% các bệnh viện tỉnh có phòng
chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp Căng gu ru.
c) Mục tiêu 3: Củng cố mạng
lưới nhi khoa, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị
cho trẻ em theo hướng tiếp cận chăm sóc liên tục từ gia đình, cộng đồng đến cơ
sở y tế.
Chỉ tiêu đến năm 2015:
- 95% các bệnh viện nhi có đủ trang
thiết bị, nhân lực và cơ sở vật chất để cung cấp tất cả các dịch vụ chuyên khoa
sâu về nhi khoa (kể cả chuyên khoa ngoại nhi, các chuyên khoa lẻ như tai mũi họng,
mắt, da liễu) và công tác chỉ đạo tuyến.
- 95% các bệnh viện tuyến tỉnh có
khoa nhi, phòng khám nhi, phòng cấp cứu nhi riêng và có đơn nguyên sơ sinh. Tỷ
lệ phân bổ giường bệnh cho bệnh nhân nhi ít nhất là 20%.
- 90% bệnh viện huyện có đơn nguyên
nhi bao gồm cả đơn vị sơ sinh; 95% cán bộ làm tại khoa nhi, liên khoa ở bệnh viện
huyện xử trí đúng các bệnh lý nhi khoa theo quy định cho tuyến huyện; 80% cán bộ
tại phòng khám nhi tuyến huyện phải được đào tạo về lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh.
- 90% trường hợp trẻ được chuyển từ
tuyến huyện lên tuyến trên phải được chuyển bằng xe cứu thương và có cán bộ đi
kèm; 80% cán bộ chuyển bệnh nhi phải được đào tạo về cấp cứu nhi khoa cơ bản, kể
cả cấp cứu sơ sinh.
- 60% cán bộ xã, phường được đào tạo
về xử trí, chăm sóc các bệnh thông thường ở trẻ em.
- 95% cán bộ y tế thôn bản ở vùng
núi được đào tạo về xử trí, chăm sóc các bệnh thông thường ở trẻ em.
d) Mục tiêu 4: Tăng cường nhận
thức và sự tham gia của cộng đồng về các can thiệp vì sự sống còn trẻ em đồng
thời khuyến khích thực hiện các thực hành tốt về chăm sóc trẻ em và trẻ sơ sinh
tại gia đình và cộng đồng.
Chỉ tiêu đến năm 2015:
- 80% số xã ở vùng nông thôn và miền
núi có đủ trang thiết bị truyền thông và tài liệu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ -
trẻ em.
- 80% số bà mẹ, người chăm sóc trẻ
biết về các thực hành chăm sóc trẻ tại nhà và biết ít nhất 2 dấu hiệu nguy hiểm
cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế.
- 95% số trẻ từ 0-59 tháng tuổi bị
tiêu chảy được điều trị bằng Oresol và 80% được điều trị kẽm.
- 90% số trẻ từ 0-59 tháng tuổi bị
nghi ngờ viêm phổi được đưa đến cơ sở y tế để điều trị.
đ) Mục tiêu 5: Triển khai thực
hiện có hiệu quả các chính sách, văn bản hướng dẫn về chăm sóc và điều trị trẻ
em.
Chỉ tiêu đến năm 2015:
- 100% các địa phương, các đơn vị
thực hiện kế hoạch có báo cáo kết quả rà soát các văn bản hiện có và đề xuất những
điểm cần bổ sung, sửa đổi, những mục tiêu, chỉ tiêu ưu tiên dự định đưa vào Kế
hoạch hành động cho thời gian tiếp theo.
- 100% địa phương đưa được các chỉ
tiêu, mục tiêu ưu tiên của Kế hoạch hành động vì sự sống còn trẻ em vào nghị
quyết của Hội đồng nhân dân.
- 100% các ban ngành liên quan có
các hành động và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế
giải quyết những khó khăn, đặc biệt về cơ chế, kinh phí và nhân lực để đạt được
các mục tiêu.
- 100% các đơn vị có báo cáo định kỳ
6 tháng và hàng năm về kết quả kiểm tra đánh giá, giám sát việc thực hiện các
văn bản đã được ban hành.
- 100% các cơ sở y tế thực hiện
đúng Chính sách về khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi.
- 100% các tỉnh thực hiện đúng Chỉ
thị số 04/2003/CT-BYT ngày 10/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường chăm
sóc sơ sinh.
- 100% các tỉnh triển khai hoạt động
thanh tra, giám sát Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006 của Chính phủ về
kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng trẻ nhỏ.
e) Mục tiêu 6: Cải thiện hệ
thống theo dõi và đánh giá về tiến độ triển khai thực hiện các can thiệp vì sự
sống còn trẻ em tại trung ương và địa phương.
Chỉ tiêu đến năm 2015:
- 100% các tỉnh có báo cáo hàng năm
về các chỉ số đo lường các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn trẻ em, tử vong mẹ
và tử vong sơ sinh.
- 100% cán bộ y tế chịu trách nhiệm
về theo dõi, giám sát được đào tạo về lập kế hoạch và theo dõi, giám sát các hoạt
động vì sự sống còn trẻ em.
- 100% cán bộ y tế thôn bản được
đào tạo về nội dung theo dõi, giám sát và báo cáo các trường hợp tử vong mẹ và
trẻ em.
3. Giải pháp thực
hiện
a) Giải pháp xã
hội hóa
Phối hợp liên
ngành và huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, đoàn thể. Tiếp tục duy
trì và mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ hỗ trợ thực
hiện kế hoạch hành động quốc gia.
b) Giải pháp kỹ
thuật
Xây dựng mô hình phù
hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật thích nghi phù hợp với từng vùng, địa phương nhằm
tăng độ bao phủ các can thiệp thiết yếu vì sự sống còn trẻ em. Cải thiện chất
lượng chăm sóc trẻ bệnh theo hướng tiếp cận chăm sóc liên tục từ gia đình, cộng
đồng đến cơ sở y tế bao gồm cả hoạt động bảo đảm chuyển tuyến an toàn.
c) Giải pháp
tài chính
Nguồn ngân sách
nhà nước sẽ đóng vai trò chủ đạo và lâu dài. Ngân sách cho việc thực hiện Kế hoạch
hành động quốc gia vì sự sống còn trẻ em cần được đưa vào chương trình mục tiêu
quốc gia hoặc chương trình cấp Bộ hàng năm. Bên cạnh đó, huy động tài chính từ
các nguồn khác (viện trợ quốc tế, quỹ nhân đạo, cộng đồng) cũng rất quan trọng
để hỗ trợ việc thực hiện toàn diện và trên diện rộng kế hoạch này.
d) Giải pháp
nâng cao năng lực quản lý, lập kế hoạch, theo dõi, giám sát và nghiên cứu khoa
học
- Thành lập hệ thống
điều hành từ trung ương đến tuyến tỉnh, tuyến huyện là hết sức cần thiết cho việc
thực hiện kế hoạch hành động quốc gia. Các hoạt động vì sự sống còn trẻ em phải
đưa vào chương trình nghị sự về sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
- Nâng cao năng lực
lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá cho cán bộ ở các tuyến để theo dõi tiến độ,
thúc đẩy các hoạt động hiệu quả hơn.
- Nghiên cứu khoa
học, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình can thiệp kết hợp với các giải pháp về
kỹ thuật nhằm cung cấp bằng chứng cho việc thực hiện các cam kết có hiệu quả với
chi phí thấp nhất.
e) Giải pháp
nâng cao sự tham gia của gia đình và cộng đồng đối với các can thiệp vì sự sống
còn trẻ em
Tăng cường sự tham
gia của gia đình và cộng đồng; nâng cao nhận thức và cải thiện các thực hành
chăm sóc trẻ nhằm thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện và xử
trí bệnh sớm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và giảm tử vong
trẻ em.
5. Quản lý điều hành và tổ chức thực hiện
a) Quản lý điều
hành
- Thành lập Ban điều
hành Trung ương triển khai Kế hoạch hành động vì sự sống còn trẻ em do một lãnh
đạo Bộ Y tế làm trưởng ban. Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em là đơn vị thường trực.
Thành phần Ban điều hành bao gồm các Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế.
- Nhiệm vụ của Ban
điều hành trung ương: chỉ đạo, điều hành và phối hợp các đơn vị, các chương
trình, dự án liên quan thực hiện kế hoạch hành động. Hỗ trợ, hướng dẫn tuyến tỉnh
thành lập Ban điều hành, tổ công tác các cấp để triển khai kế hoạch. Chỉ đạo,
giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. Vận động và điều phối
các nguồn hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến Kế hoạch hành động. Trong quá
trình triển khai, Ban điều hành phối hợp với các Cơ quan, Bộ, Ban, Ngành, Đoàn
thể có liên quan, điều phối các hoạt động liên ngành nhằm thực hiện các mục
tiêu đề ra.
- Thành lập nhóm
chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật bao gồm các Viện, Bệnh viện chuyên khoa: Bệnh viện
Nhi trung ương, Viện Dinh dưỡng, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Viện Vệ sinh dịch
tễ trung ương và Viện Sốt rét, Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương. Nhóm
chuyên gia có nhiệm vụ tham mưu và hỗ trợ về chuyên môn giúp Ban điều hành
trong quá trình triển khai Kế hoạch hành động.
- Thành lập Tổ thư
ký chuyên trách để giúp Ban điều hành điều phối thực hiện Kế hoạch hành động.
- Thành lập Ban điều
hành cấp cơ sở để triển khai Kế hoạch hành động vì sự sống còn trẻ em theo hướng
dẫn của Ban điều hành Trung ương, Lãnh đạo Sở Y tế là Trưởng ban điều hành,
thành viên Ban điều hành là lãnh đạo các đơn vị liên quan.
b) Cơ chế phối
hợp triển khai
- Phối hợp chặt chẽ với các chương
trình, dự án hiện có liên quan đến hoạt động chăm sóc sức khỏe trẻ em bao gồm
chương trình Làm mẹ an toàn, các chương trình, ngành dọc về chăm sóc sức khỏe
trẻ em như Dinh dưỡng, Tiêm chủng mở rộng, chương trình triển khai Chiến lược Lồng
ghép chăm sóc trẻ bệnh, Phòng chống tai nạn/thương tích, Phòng chống sốt rét,
các chương trình Phòng chống HIV/AIDS, An toàn vệ sinh thực phẩm.
- Ban điều hành hướng dẫn, điều phối
các chương trình, dự án xây dựng thống nhất kế hoạch từng năm theo mục tiêu của
Kế hoạch hành động quốc gia. Lồng ghép các hoạt động có cùng mục tiêu nhằm tăng
cường nguồn lực, tăng hiệu quả hoạt động. Các chương trình, dự án gửi báo cáo
quá trình triển khai theo quý, năm về Ban điều hành.
c) Tổ chức thực hiện
- Giai đoạn 2009 - 2011: Kiện toàn
mạng lưới triển khai, thực hiện thí điểm các mô hình can thiệp, các hoạt động
đào tạo nguồn nhân lực từ trung ương đến địa phương nhằm bảo đảm nguồn lực cho
các hoạt động trong giai đoạn mở rộng toàn quốc.
- Giai đoạn 2012 - 2015: Mở rộng
triển khai các mô hình trên toàn quốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá tổng thể
các hoạt động nhằm rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai ở các giai đoạn sau.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3.
Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch
- Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Vụ
trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và môi trường,
Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm,
Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ: Ban KGTW (để báo cáo);
- Các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan (để phối hợp thực hiện);
- Các Vụ, Cục, Văn phòng, Thanh tra - Bộ Y tế;
- Viện Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Phụ sản TW, Bệnh viện Nhi đồng
I, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Bệnh viện Lao và bệnh phổi TW, Viện Sốt rét TW;
- Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, PG, BMTE.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Chí Liêm
|