Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 136/2000/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2001-2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 136/2000/QĐ-TTg
Ngày ban hành 28/11/2000
Ngày có hiệu lực 13/12/2000
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 136/2000/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 136/2000/QĐ-TTG NGÀY 28 THÁNG 11 NĂM 2000 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN GIAI ĐOẠN 2001-2010"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30/9/1992;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 30/7/1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y Tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt "Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2001 - 2010" với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Các mục tiêu về chăm sóc sức khoẻ sinh sản:

a. Mục tiêu chung:

Bảo đảm đến năm 2010 tình trạng sức khoẻ sinh sản được cải thiện rõ rệt và giảm được sự chênh lệch giữa các vùng và các đối tượng bằng cách đáp ứng tốt hơn những nhu cầu đa dạng về chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) phù hợp với điều kiện của các cộng đồng ở từng địa phương, đặc biệt chú ý đến các vùng và đối tượng có khó khăn.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, cũng như sự ủng hộ và cam kết thực hiện các mục tiêu và các nội dung của CSSKSS trong mọi tầng lớp nhân dân, trước hết trong cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu trong các tổ chức, đoàn thể.

- Duy trì vững chắc xu thế giảm sinh. Bảo đảm quyền sinh con và lựa chọn các biện pháp tránh thai có chất lượng của phụ nữ và các cặp vợ chồng. Giảm có thai ngoài ý muốn và các tai biến do nạo hút thai.

- Nâng cao tình trạng sức khoẻ của phụ nữ và các bà mẹ, giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong mẹ, tử vong chu sinh và tử vong trẻ em một cách đồng đều hơn giữa các vùng và các đối tượng, đặc biệt chú ý các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.

- Dự phòng có hiệu quả để làm giảm số mắc mới và điều trị tốt các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS và tình trạng vô sinh.

- CSSKSS tốt hơn cho người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi, phát hiện và điều trị sớm các trường hợp ung thư vú và các ung thư khác của đường sinh sản nam và nữ.

- Cải thiện tình hình sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục của vị thành niên (VTN), thông qua việc giáo dục, tư vấn và cung cấp các dịch vụ CSSKSS phù hợp với lứa tuổi.

- Nâng cao sự hiểu biết của phụ nữ và nam giới về giới tính và tình dục để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm sinh sản, xây dựng quan hệ tình dục an toàn, có trách nhiệm, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản và chất lượng cuộc sống.

2. Các giải pháp và chính sách chủ yếu:

a. Tăng cường thông tin - giáo dục - truyền thông:

Sử dụng đa dạng và có hiệu quả các kênh truyền thông và các hình thức thông tin, giáo dục truyền thông khác, tiếp cận đến mọi đối tượng để nâng cao nhận thức, tri thức, hiểu biết và cam kết thực hiện các mục tiêu và nội dung của CSSKSS.

b. Kiện toàn hệ thống tổ chức và phát triển nhân lực để cung cấp dịch vụ CSSKSS:

Củng cố, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ phối hợp công tác trong các cơ sở y tế, các cơ sở bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hoá gia đình kể cả khu vực Nhà nước và tư nhân; lồng ghép với các chương trình khác như Dân số kế hoạch hoá gia đình, Dinh dưỡng, Phòng chống HIV/AIDS; kiện toàn hệ thống tổ chức và đào tạo bồi dưỡng cán bộ về CSSKSS, bảo đảm cung cấp đầy đủ các trang thiết bị, kể cả các thiết bị thông tin liên lạc, vận chuyển cấp cứu, phương tiện giáo dục truyền thông, thuốc để thực hiện một cách tốt nhất các kỹ thuật chuẩn đoán, dự phòng, cấp cứu, điều trị.

c. Hoàn thiện các chính sách và pháp luật hỗ trợ cho Chiến lược:

Nghiên cứu các chính sách và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng gia đình quy mô nhỏ, bình đẳng giới, khuyến khích áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, khuyến khích cán bộ y tế học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, thu hút cán bộ y tế phục vụ ở cơ sở, ở những vùng khó khăn, xa xôi, hẻo lánh.

Nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thụ thai trong ống nghiệm, mang thai hộ, chuyển giới tính...

d. Xã hội hoá, hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh sự hợp tác giữa các Bộ, ngành, tổ chức xã hội, huy động sự tham gia của nhân dân, của toàn xã hội, kể cả sự tham gia của khu vực y tế tư nhân vào việc thực hiện các hoạt động CSSKSS, đa dạng hoá các hình thức cung cấp dịch vụ tư vấn về SKSS cho các đối tượng; mở rộng và nâng cao hiệu quả của việc hợp tác quốc tế song phương, đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ trong lĩnh vực CSSKSS.

đ. Đào tạo và nghiên cứu khoa học:

[...]