Kế hoạch 129/KH-BGDĐT ban hành kế hoạch hành động vì trẻ em của ngành giáo dục giai đoạn 2013-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 129/KH-BGDĐT
Ngày ban hành 07/02/2013
Ngày có hiệu lực 07/02/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Thị Nghĩa
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VÌ TRẺ EM CỦA NGÀNH GIÁO DỤC GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ các nhiệm vụ giao cho ngành Giáo dục thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1555/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/10/2012;

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch hành động vì trẻ em giai đoạn 2013 - 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện nhằm thực hiện tốt hơn quyền của trẻ em, đảm bảo sự công bằng xã hội trong giáo dục và cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015; đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non giảm xuống dưới 10%.

- Nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; đến năm 2020, tỷ lệ đi học đúng độ tuổi ở tiểu học là 99%, trung học cơ sở là 95% và 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương; có 70% trẻ em khuyết tật được đi học.

- Kết quả xóa mù chữ được củng cố bền vững. Đến năm 2020, tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% và tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 là 99% đối với cả nam và nữ.

- Duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt chất lượng giáo dục văn hóa, đạo đức, kỹ năng sống, pháp luật, ngoại ngữ, tin học; tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

- Hỗ trợ học sinh người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn có điều kiện đến trường.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Kế hoạch được triển khai tại 100% các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Thời gian: từ 2013 - 2020

- Năm 2015: Tổ chức Hội nghị Sơ kết.

- Năm 2020: Tổ chức Hội nghị Tổng kết.

3. Đối tượng: Trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng về mục đích, ý nghĩa của giáo dục trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.

- Bổ sung nội dung giáo dục về quyền và bổn phận trẻ em, trách nhiệm công dân, giáo dục kỹ năng sống bằng nhiều hình thức lồng ghép, tích hợp vào các chương trình chính khóa, ngoại khóa, các môn học phù hợp trong các cơ sở giáo dục, một số văn bản hướng dẫn thường xuyên của ngành về xây dựng môi trường học tập, quản lý nhà trường; tích hợp vào các hoạt động, phong trào của ngành: xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; công tác thi đua khen thưởng; công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; giáo dục kĩ năng sống trong trường mầm non, phổ thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật của ngành Giáo dục.

2. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, tăng tỷ lệ huy động trẻ em học sinh đến trường

- Quy hoạch phát triển mạng lưới trường mầm non và phổ thông phù hợp, tạo điều kiện cho trẻ em đến trường.

- Thực hiện tốt ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường.

- Tăng tỉ lệ huy động trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số đến trường.

[...]